Nhà hát Nghệ thuật Hát bội dựng tuồng lịch sử

Trong tháng 6-2017, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM đem vở Nước mắt quyền thần (kịch bản NSƯT Hữu Danh, đạo diễn NSƯT Xuân Quan) lưu diễn tại quận Phú Nhuận, quận 9, huyện Củ Chi... 
Một cảnh trong Vở Nước mắt quyền thần
Một cảnh trong Vở Nước mắt quyền thần
Đây là một trong các vở tuồng lịch sử được nhà hát đầu tư dàn dựng, chăm chút kỹ lưỡng, với sự tham gia của toàn bộ lực lượng nghệ sĩ.  

Nội dung vở tuồng xoay quanh nhân vật Tôn Thất Thuyết, vị quan đại thần thời Nguyễn, dưới triều đại của các vua Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc và Hàm Nghi. Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp từng bước đặt nền móng cai trị đất nước ta. Chỉ trong vòng 4 tháng, vị quan Tôn Thất Thuyết đã phế - lập các vua Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc và Hàm Nghi với quyết tâm không cúi đầu làm nô lệ cho ngoại bang. Thời gian đất nước rơi vào tay Pháp, nhiều anh hùng vì nước phải hy sinh... 
Nước mất quyền thần là một vở tuồng dễ xem, được NSƯT Hữu Danh nghiên cứu từ nhiều tư liệu lịch sử, trích lấy những tình tiết đắt giá để sáng tạo nên một vở tuồng hoàn chỉnh. Đây cũng là lần đầu tiên, một giai đoạn lịch sử phức tạp và bi thương những ngày đầu kháng chiến chống Pháp được đưa lên sàn diễn và cũng lần đầu tiên một nhân vật lịch sử gây nhiều tranh cãi như Tôn Thất Thuyết được thể hiện với tư cách nhân vật trung tâm một tác phẩm sân khấu. Điểm nhấn của vở chính là tác giả đã để cho nhân vật Tôn Thất Thuyết được nói lên nỗi lòng của mình rằng: ông chỉ muốn độc lập dân tộc, đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi nước Việt.
Trong 3 năm qua, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội gặp rất nhiều khó khăn, từ cơ sở vật chất là địa điểm biểu diễn, tập luyện, các trang thiết bị âm thanh, ánh sáng cũ kỹ, nguồn thu hỗ trợ đời sống nghệ sĩ eo hẹp, khó thu hút lực lượng trẻ tham gia vào đội ngũ đào tạo để kế thừa… Thế nhưng, bằng tất cả niềm đam mê, nhiệt huyết với nghệ thuật truyền thống, tập thể nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, nhân viên nhà hát vẫn luôn nỗ lực vượt khó, giữ lửa nghề, duy trì hoạt động tổ chức biểu diễn thường xuyên, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật tuồng cổ của khán giả. 
Đặc biệt, nhà hát đã hoạch định hướng đi mới gồm đầu tư sáng tác, dàn dựng các vở tuồng lịch sử. Một loạt các vở lần lượt được đầu tư dàn dựng như: Đào Duy Từ, Tiết phụ khả gia, An Tư công chúa, Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm… và hiện nay, các nghệ sĩ đang lên sàn tập vở mới Vụ án Lệ Chi Viên, sắp tới sẽ bắt tay làm vở Án tử trung thần (Tả quân Lê Văn Duyệt).
Ngoài việc đầu tư dàn dựng các tác phẩm lịch sử, nhân vật lịch sử, nhà hát cũng đang chọn 4 trích đoạn tuồng đặc sắc nhất để tập cho các diễn viên trẻ, tham gia cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu tuồng, chèo chuyên nghiệp toàn quốc, dự kiến sẽ tổ chức tại Nhà hát Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa vào cuối tháng 8-2017.

Tin cùng chuyên mục