Nhà máy công nghiệp sản xuất hạt giống cây trồng

Hầu hết giống cây trồng Việt Nam đều phải nhập từ Thái Lan, Trung Quốc, Hà Lan, Nhật Bản, Mỹ… Đây là một nghịch lý của một đất nước có nhiều lợi thế về nông nghiệp. 
LTS: Sau bài Để TPHCM trở thành trung tâm sản xuất giống của khu vực đăng trên số báo ra ngày 18-9-2017, Báo SGGP đã nhận được bài viết của 2 nhà khoa học góp ý thêm về vấn đề này.  
Công nghiệp hóa hạt giống trên thế giới 
Các nước tiên tiến mà Việt Nam nhập khẩu giống đã hình thành những nhà máy sản xuất hạt giống cây trồng quy mô công nghiệp. Nhà máy sản xuất hạt giống nằm trong mối tương quan giữa một bên là cơ quan nghiên cứu (đại học, viện hay trung tâm nghiên cứu…) và một bên là công ty tư nhân.
Chính phủ tài trợ kinh phí cho cơ quan nghiên cứu tạo ra các giống cây ưu tú và tối ưu hóa quy trình sản xuất hạt giống trong các “nhà máy mô hình”, các công ty tiếp nhận các giống cây và quy trình để sản xuất đại trà hạt giống cung ứng ra thị trường nội địa và xuất khẩu.
Ngoài việc đóng thuế cho Chính phủ, công ty còn góp phần trăm lợi nhuận sau thuế để hỗ trợ nhà khoa học ở các cơ quan nghiên cứu, giúp Chính phủ giảm được gánh nặng kinh phí cũng như kích thích nhà khoa học say mê nghiên cứu.
Hiện nay, các nhà sản xuất giống cây trồng nước ngoài đang ngày càng mở rộng thị phần tại Việt Nam như Vilmorin, Syngenta (Thụy Sĩ), Takii và Sakata (Nhật Bản), East West (Hà Lan). 
Nhà máy công nghiệp sản xuất hạt giống cây trồng ảnh 1
Nhà máy công nghiệp sản xuất hạt giống cây trồng ảnh 2 Các container tự động của Hàn Quốc (ảnh trái) chứa bên trong toàn bộ hoạt động sản xuất hạt giống (ảnh phải) hay giống cây trồng khép kín
Ở Hàn Quốc và Nhật Bản, công nghiệp nhà máy sản xuất giống cây trồng được xem là một động lực mới để phát triển quốc gia. Nhà máy là một hệ thống kín với các yếu tố (nhiệt độ, độ ẩm, nước, ánh sáng, chất dinh dưỡng…) được chủ động điều khiển để hạt giống nảy mầm và cây sinh trưởng thuận lợi nhất, mang lại hiệu suất nông nghiệp cao nhất. Loại hình sản xuất tiên tiến này đòi hỏi có sự liên kết với công nghệ khác như công nghệ tự động hóa, thông tin, sinh học, bán dẫn, năng lượng,… 
Đến nay, công nghiệp nhà máy trên thế giới đã sản xuất thành công được hạt giống của một số loại cây trồng như khoai tây, dâu tây, hoa ly, hoa lay-ơn...
Để tăng năng suất và tính hiệu quả cho công nghiệp nhà máy sản xuất hạt giống, các nhà khoa học và nhà đầu tư các nước phát triển đang nghiên cứu ứng dụng robot và các kỹ thuật tự động hóa trong dây chuyền sản xuất.
Công ty Hotiplan (Bỉ) phát triển hệ thống vận chuyển tự động hoàn toàn từ khâu tạo hạt, gieo hạt đến khâu thu hoạch và đóng gói. Tập đoàn Tsubakimoto Chain (Nhật Bản) phát triển loại robot có khả năng vận chuyển và trồng cây con từ hạt trong nhà máy.
Tổng cục Phát triển nông thôn (Hàn Quốc) xúc tiến phát triển các loại robot khác nhau phục vụ cho mọi công đoạn sản xuất hạt giống và cây trồng trong nhà máy.
Ngoài ra, Hàn Quốc và Nhật Bản phát triển thành công các container tự động giúp di chuyển toàn bộ quy trình sản xuất giống cây trồng đến các vùng xa, thậm chí xuất khẩu sang các nước một cách dễ dàng và hiệu quả, mặc dù giá bán hiện nay còn khá cao (100.000USD/container).
Năng lực của các chuyên gia Việt Nam
Khả năng để các chuyên gia Việt Nam tổ chức xây dựng nhà máy sản xuất hạt giống theo quy mô công nghiệp là khả thi. Nhiều viện, trường đã tạo ra được các giống siêu nguyên chủng và nguyên chủng nhiều loài cây trồng khác nhau.
Khi có Nhà nước đầu tư hay doanh nghiệp tham gia góp vốn (như đầu tư vốn để xây kho vựa, nhà máy, liên kết mạng lưới…) và đồng hành cùng với các nhà khoa học thì giai đoạn công nghiệp hóa hạt giống có nhiều cơ hội thành công.
Các chuyên gia Việt Nam cũng đã thành công trong việc sản xuất rất nhiều giống cây trồng in vitro (còn gọi là vi nhân giống) có giá trị kinh tế như khoai tây, dâu tây, trà uống, trà mi, cà phê, cỏ ngọt, hoa (lan hồ điệp, địa lan, hồng, cúc, lay-ơn, cát tường, thu hải đường…), cây dược liệu (artichoke, wasabia, blueberry, nhân sâm, sâm bố chính…), cây rừng (bạch đàn, thông, mahogany, neem…), cây ăn trái (nho, xoài, táo, bơ, cam không hạt, dừa cạn, chuối…).
Đây là nguồn nguyên liệu chính dùng để sản xuất ra các hạt giống in vitro. Các chuyên gia và nhà khoa học Việt Nam cũng đã bước đầu sản xuất thành công các hạt giống in vitro của một số loại cây trồng có giá trị thương mại như dâu tây, bạch đàn, mahogany, hoa cúc… Một số kết quả nghiên cứu này đã được thế giới công nhận bằng những công bố đăng tải trên các tạp chí khoa học uy tín. 
Tuy nhiên, vốn đầu tư nhà máy công nghiệp sản xuất hạt giống cần chi phí lớn, do phải sử dụng công nghệ tiên tiến và nhiều quy trình tự động hóa bằng robot.
Gợi ý mô hình sản xuất hạt giống công nghệ cao tại TPHCM
TPHCM có nhiều điều kiện thuận lợi trở thành trung tâm giống cây trồng lớn của khu vực. Gần 8 năm qua (2010-2017), các doanh nghiệp (DN) tại TP cung ứng hơn 81.000 tấn hạt giống các loại, tương ứng diện tích đất gieo trồng khoảng 1 triệu ha/năm, cho ngoại thành và các tỉnh. Nhưng chúng ta vẫn còn lệ thuộc vào nguồn giống nhập ngoại, phần lớn các DN giống tập trung vào khâu nhập khẩu hạt giống rồi đóng gói, kinh doanh, hoặc sản xuất gia công hạt. 
Tại hội thảo “Làm thế nào để thành phố trở thành trung tâm sản xuất giống vật nuôi và cây trồng của khu vực”, giới chuyên gia nông nghiệp và nhiều nhà lãnh đạo tâm huyết đã không khỏi trăn trở để tìm hướng giải quyết. Chúng tôi xin gợi ý “mô hình sản xuất 100 triệu hạt giống in vitro mỗi năm tại TPHCM” để chủ động cung ứng đủ nguồn giống cho khu vực phía Nam, cũng như để trình diễn (demonstration) cho các DN áp dụng sản xuất và xuất khẩu hạt giống. Để có mô hình như vậy, cần phải:
- Xây dựng nhà máy công nghiệp sản xuất hạt giống in vitro quy mô 1.000m2 (tương ứng với công suất đạt 100 triệu hạt giống in vitro/năm), có phòng riêng biệt chứa giá thể được tưới phun sương tự động.
- Kết hợp các chuyên gia lai tạo giống mới, nhân bản giống in vitro và sản xuất hạt in vitro, cùng với các kỹ thuật viên.
- Hoạt động theo quy trình khép kín với các chế độ ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm hoàn toàn có thể được điều khiển một cách chủ động.
- Chuẩn bị khu làm việc có các trang thiết bị tiên tiến, hiện đại và tự động hóa hoặc bán tự động hóa, đặc biệt phải có phòng nuôi cấy in vitro và thiết bị sản xuất hạt in vitro tự động (là 2 bộ phận then chốt).
Mô hình sản xuất hạt giống kết hợp các công nghệ tiên tiến này giúp TPHCM giảm được chi phí thuê đất ở các tỉnh, giúp DN trong nước tăng khả năng cạnh tranh với các DN ngoại nhờ chất lượng của hạt giống và công nghệ hiện đại không thua kém. Ngoài ra, Việt Nam không phải trả tiền bản quyền giống khi xuất khẩu đi các nước, do chúng ta không còn phải lệ thuộc vào nguồn giống bố mẹ của các nước như trước đây.

Tin cùng chuyên mục