Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan: Thay đổi tư duy trong bảo tồn nghệ thuật dân gian

Những năm gần đây, công tác bảo tồn và phát huy các hình thức văn hóa, nghệ thuật truyền thống đã được quan tâm hơn trước. Nhiều công trình văn hóa vật thể và phi vật thể được trình hồ sơ lên UNESCO để công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Song theo nhà nghiên cứu - nhạc sĩ Đặng Hoành Loan (ảnh), người có nhiều năm nghiên cứu và gắn bó với âm nhạc dân gian, việc đãi ngộ các nghệ nhân và đội ngũ kế cận chịu trách nhiệm gìn giữ và phát huy di sản vẫn đang tồn tại nhiều bất cập.

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan: Thay đổi tư duy trong bảo tồn nghệ thuật dân gian ảnh 1

PHÓNG VIÊN: Có ý kiến cho rằng, di sản văn hóa truyền thống chưa phát huy được giá trị trong cuộc sống đương đại là do công tác đãi ngộ và vinh danh còn nhiều bất cập. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?

* Nhà nghiên cứu ĐẶNG HOÀNH LOAN: Việc vinh danh nghệ nhân thể hiện sự trọng thị của cộng đồng đối với những người đã không ngừng cống hiến, đóng góp công sức vào việc bảo tồn di sản văn hóa của địa phương, dân tộc.

Tuy nhiên, điều đó chỉ có ý nghĩa thiết thực khi chúng ta tạo cho các nghệ nhân sau khi được vinh danh một đời sống tốt, để họ tiếp tục toàn tâm toàn ý với công việc gìn giữ, trao truyền các giá trị văn hóa dân gian. Hơn thế, cần phải khích lệ, động viên để trí tuệ, kinh nghiệm của họ được phát huy, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, để thế hệ tương lai được thừa hưởng.

* Việc hỗ trợ nghệ nhân dân gian thời gian qua không chỉ được ghi nhận bằng các danh hiệu cao quý, mà tại nhiều tỉnh, thành còn có chính sách hỗ trợ về tiền, bảo hiểm xã hội...

* Cho đến bây giờ, sau từng ấy năm, nếu chúng ta vẫn quan niệm hỗ trợ đời sống nghệ nhân thì đã lỗi thời. Thứ nhất, trong văn hóa và đặc biệt là âm nhạc, nếu gọi họ là nghệ nhân dân gian chưa hẳn chính xác mà cần phải gọi đó là nghệ sĩ dân gian. Họ là những người thực hành di sản theo cảm xúc. Họ được tôn trọng vì được nói thay tiếng nói của cộng đồng với các đấng thần linh. Thứ hai, với người Kinh, những người thực hành di sản văn hóa, lại chia làm 2 dạng là cống hiến và kiếm sống. Với người diễn để kiếm sống như ca trù, hát xẩm…, họ đi hát để mưu sinh. Còn đối tượng cống hiến thì diễn để thỏa mãn tâm linh cộng đồng, tức là họ chẳng quan tâm đến tiền vì cứ đến hội làng tôi thì tôi tự tham gia.

Nếu nhìn nhận một cách rành rọt các đối tượng như như vậy thì có thể hiểu được vì sao hỗ trợ vài ba trăm triệu đồng một năm, họ vẫn kêu… Với người không quan tâm tới tiền thì không bàn tới, còn với việc thực hành di sản để mưu sinh thì khoản tiền đó chẳng thấm tháp vào đâu. Hỗ trợ nghệ sĩ dân gian theo con đường đó có thể gọi là bế tắc. Theo tôi, tại thời điểm này nên thay đổi quan niệm việc hỗ trợ nghệ sĩ dân gian bằng việc hỗ trợ nghệ thuật.

* Vậy theo ông, phải chăng việc hỗ trợ các nghệ nhân, giúp họ bớt đi gánh lo cơm áo gạo tiền để tập trung vào việc truyền dạy, lan tỏa giá trị di sản tại thời điểm này là không còn phù hợp?

 * Không hẳn như thế. Nhưng cần phải thấy rõ, lớp nghệ nhân xưa cũ sống quá nghèo thì việc cấp một khoản tiền giúp họ sống tốt hơn để họ có thời gian toàn tâm toàn ý trao truyền cho hậu thế là rất quý. Nhưng lớp người đó đâu còn bao nhiêu, chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Hiện nay, đa phần là lớp nghệ sĩ dân gian trẻ kế thừa và họ không thích kiểu hỗ trợ như xưa nữa mà quan trọng hơn là cần sự khích lệ, động viên, là việc truyền cảm hứng để họ biết trân quý mà theo đuổi, gìn giữ di sản.

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan: Thay đổi tư duy trong bảo tồn nghệ thuật dân gian ảnh 2 Nghệ nhân Nhân dân Hà Văn Thuấn (xã Tân An, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang) truyền dạy đàn tính, hát then cho con cháu

Nghệ sĩ dân gian trẻ bây giờ, tôi muốn gọi như vậy bởi họ sáng tác, trình diễn lời ca, phản ánh xã hội qua cảm xúc, đại đa số tán thành với cách nhận định và tên gọi này. Họ là lớp nghệ sĩ kế cận, tư tưởng, kiến thức, lối sinh hoạt cũng không giống nghệ nhân xưa. Cái để khích lệ, động viên giản dị xưa cũ nhưng tới thời điểm này vẫn rất đúng là “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”.

Tỉnh có thể cho họ 100 - 200 triệu đồng mỗi năm, nhiều thì có nhiều nhưng cũng chưa đem lại tác động lớn bằng việc vài năm tổ chức một liên hoan để so tài và trao thưởng. Khích lệ nghệ sĩ là phải tổ chức các cuộc chơi có giải, trao giải và là những giải xứng đáng dành cho nghệ thuật dân gian. Có vậy thì họ mới có thêm động lực để theo đuổi và theo nghề.

* Một vài năm gần đây vẫn có các liên hoan, cuộc thi dành cho nghệ thuật dân gian như thi hát then, đàn tính, liên hoan ca trù, hát xoan…?

* Đúng là đã có các cuộc thi, các liên hoan nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh là muốn khích lệ cần phải có cách nhìn nhận và đầu tư thích đáng. Cụ thể là không nên phân biệt giữa dân gian và chuyên nghiệp. Đơn giản như các giải cao của liên hoan chuyên nghiệp thì được bằng khen của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL, còn với các liên hoan như ca trù, hát then chẳng hạn thì người ký tặng chỉ là cấp cục.

Giải thưởng cũng tương tự. Tuy rằng đa phần những người đi thi đều không nhắm tới giá trị của giải thưởng nhưng công sức họ bỏ ra để trau dồi, luyện tập để có những giây phút thăng hoa khi biểu diễn cũng nên tưởng thưởng xứng đáng. Nhiều liên hoan mà giải thưởng chỉ có vài trăm ngàn đồng thì xót xa quá.

Vì thế, tôi vẫn duy trì quan điểm là nên chăng dừng hỗ trợ mà khuyến khích nghệ nhân, nghệ sĩ tham gia bảo tồn, thực hành di sản bằng chính các giải thưởng, liên hoan có tâm và có tầm.

Tin cùng chuyên mục