Nhà nhiếp ảnh Pháp quảng bá văn hóa Việt

Nụ cười ẩn giấu ghi lại khoảnh khắc cụ bà Bùi Thị Xong, người chèo đò ở Hội An đã xuất hiện trên nhiều tạp chí quốc tế uy tín. Bức ảnh được báo chí Mỹ bình chọn là “Bà cụ đẹp nhất thế giới”.
Réhahn Croquevielle sinh ra ở Bayeux, vùng Normandy của Pháp, sống và làm việc với niềm say mê nhiếp ảnh. Năm 2007, trong một chuyến công tác cùng với một tổ chức phi lợi nhuận đến Việt Nam, Réhahn bất ngờ nhận ra một tình cảm rất lớn anh đã dành cho người dân hiền hòa và thân thiện ở đất nước tươi đẹp này. 
Từ Nụ cười ẩn giấu 
Với công việc nhiếp ảnh của mình, Réhahn đã đi qua hơn 35 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Thế nhưng từ năm 2011, khi quyết định dừng chân, anh lại chọn chuyển đến sinh sống tại TP Hội An.
Hành trình khám phá văn hóa lịch sử, đất nước cũng như con người Việt Nam, làm anh càng cảm thấy lưu luyến. Nhân vật của Réhahn là những con người hết sức bình dị: khi là bóng dáng một tà áo dài lướt ngang qua phố cổ, khi là những nụ cười hồn nhiên của trẻ em nghèo, nụ cười hiền với ánh mắt tràn ngập niềm vui pha chút ngượng ngùng của một ông lão, là những em bé, những ông bà cụ đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc, những già làng, những em bé thuần thục với nương rẫy tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên.
“Tất cả họ, dẫu còn nhiều khó khăn thiếu thốn, nhưng nổi bật trên gương mặt họ là một nụ cười luôn mạnh mẽ, rạng ngời và cuốn hút người đối diện bằng một thứ ngôn ngữ không thể diễn đạt bằng lời”, Réhahn chia sẻ. 
Nhà nhiếp ảnh Pháp quảng bá văn hóa Việt ảnh 1Réhahn và bà Xong bên tác phẩm “Nụ cười ẩn giấu” tại buổi ra mắt phòng ảnh nghệ thuật ở TPHCM
Và cũng bởi vì không thể diễn đạt bằng lời, anh đã diễn đạt những điều ấy qua ống kính máy ảnh của mình. Cứ thế, 3.000, 5.000 rồi hàng chục ngàn bức ảnh đã được anh lưu lại sau mỗi chuyến đi. Từ năm 2011 đến nay, anh đã thực hiện hành trình khám phá của mình bằng mô tô đến trên 25 tỉnh, thành trong cả nước.
Năm 2014, tên tuổi Réhahn được cả thế giới biết đến khi anh phát hành cuốn sách ảnh đầu tiên mang tên Việt Nam, những mảnh ghép tương phản, một bộ sưu tập gồm 150 tác phẩm miêu tả sự đa dạng của đất nước Việt Nam.
Ảnh bìa Nụ cười ẩn giấu của cuốn sách nhanh chóng thu hút sự quan tâm của giới nhiếp ảnh quốc tế, trở thành ấn phẩm bán chạy nhất ở Việt Nam và có mặt tại 29 quốc gia trên thế giới.
Ngay sau đó, Nụ cười ẩn giấu ghi lại khoảnh khắc cụ bà Bùi Thị Xong, người chèo đò ở Hội An đã xuất hiện trên nhiều tạp chí quốc tế uy tín. Bức ảnh được báo chí Mỹ bình chọn là “Bà cụ đẹp nhất thế giới”.
Chia sẻ về bức ảnh này, Réhahn cho biết: “Nụ cười ẩn giấu này là một nụ cười không có tuổi. Bà cụ Xong tuy đã già, nhưng bà ấy luôn can đảm, mạnh mẽ, dễ thương. Hai bàn tay đưa lên che miệng vừa nói lên tuổi tác, lại vừa là một khung ảnh rất tự nhiên, nên người xem có thể tập trung vào ánh mắt chứa đựng câu chuyện. Chúng ta có thể thấy một phần tuổi thơ của mình trong đôi mắt ấy”. 
Đến Bảo tàng di sản vô giá 
Cái khó nhất để hoàn thành một bức ảnh chân dung, theo Réhahn là bắt được cái thần của nhân vật một cách tự nhiên nhất. Để làm được điều này, anh luôn dành nhiều thời gian trò chuyện, tìm hiểu về cuộc sống của nhân vật trước khi bấm máy.
Cũng năm 2014, Réhahn giới thiệu bức ảnh Những người bạn tốt với khoảnh khắc của Kim Luân, cô bé 6 tuổi người M’nong đang cầu nguyện trước một chú voi.
Qua bài viết giới thiệu của tờ Caters tại New York, bức ảnh đã được xuất bản trên 25 quốc gia và trở thành trang bìa của nhiều tạp chí nổi tiếng như Conde Nast Traveler, The Times và National Geographic.
Bản sao cuối cùng của Những người bạn tốt được bán giá 17.000 USD cho một nhà sưu tập Hà Lan, trở thành bức ảnh đắt giá nhất Việt Nam.
Hai tác phẩm Nụ cười ẩn giấuNhững người bạn tốt hiện đã nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Bảo tàng Asian House tại Cuba. Các tạp chí nhiếp ảnh hàng đầu thế giới đánh giá cao tác phẩm của anh, các kênh truyền hình và tạp chí du lịch của Pháp cũng giới thiệu công việc của anh tại Việt Nam… 
Trong hành trình tìm đến đồng bào các dân tộc ở miền Bắc Việt Nam, anh đã tận mắt chứng kiến những nét văn hóa hết sức đa dạng, phức tạp và sự tồn tại mong manh các di sản văn hóa. Ngoài việc ghi lại những hình ảnh sinh hoạt đời thường của người dân nơi đây, Réhahn bắt đầu tìm kiếm và thu thập các bộ trang phục truyền thống với mong muốn góp phần bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc và giới thiệu đến cộng đồng.
Trong suốt 5 năm ròng, từ năm 2011 - 2016, anh đã tiếp xúc với 45 trong tổng số 54 cộng đồng dân tộc anh em trong cả nước. Và hơn 30 bộ trang phục truyền thống cùng với hàng trăm hình ảnh đã giúp anh hình thành dự án Bảo tàng di sản vô giá, mở cửa phục vụ miễn phí và giới thiệu với đông đảo người dân, du khách quốc tế tại TP Hội An. Anh tâm sự, bảo tàng như một món quà tri ân anh muốn dành tặng các dân tộc Việt Nam, nơi anh đã xem là ngôi nhà thứ hai của mình.

Tin cùng chuyên mục