Nhà “siêu mỏng”

Tại Hà Nội, sau khi giải tỏa mở đường, thường hai bên đường mới mở có những căn nhà ra mặt tiền nhưng chỉ còn lại diện tích rất nhỏ, méo mó, thậm chí có những căn nhà mặt tiền “siêu mỏng” với chiều sâu chưa đến 1m. Việc xử lý nhà “siêu mỏng” ở Hà Nội bao năm qua vẫn là vấn đề nan giải.
Nhà “siêu mỏng”

Tại Hà Nội, sau khi giải tỏa mở đường, thường hai bên đường mới mở có những căn nhà ra mặt tiền nhưng chỉ còn lại diện tích rất nhỏ, méo mó, thậm chí có những căn nhà mặt tiền “siêu mỏng” với chiều sâu chưa đến 1m. Việc xử lý nhà “siêu mỏng” ở Hà Nội bao năm qua vẫn là vấn đề nan giải.

Bức tường giá… 1 tỷ đồng

Lâu nay, phương án vận động các hộ ở liền kề với hộ có diện tích không đủ điều kiện xây dựng cùng hợp thửa, hợp khối được coi là phương án tối ưu. Tuy nhiên, việc này không dễ có được sự đồng thuận. Bởi chủ căn nhà mặt tiền “siêu mỏng” thường cho rằng khi ra mặt tiền, giá trị bất động sản của căn nhà phía trong sẽ tăng gấp bội, nên thường đưa ra mức giá bán rất cao. Trong khi chủ nhà phía trong hiểu rằng nếu không bán căn nhà cho mình, thì chủ căn hộ mặt tiền sẽ chẳng bán được cho ai khác và cũng không thể xây lầu để ở, cho nên chỉ muốn mua căn nhà mặt tiền với giá rẻ. Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có 174 trường hợp nhà đất không đủ điều kiện diện tích để xây dựng hoặc đã xây thành nhà có hình thù “siêu mỏng, siêu méo” chưa xử lý được; với việc mở mới một số con đường, lại phát sinh thêm 442 nhà “siêu mỏng, siêu méo”. Đáng chú ý trường hợp một hộ ở tổ 29 phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, sau khi mở đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, đã bị giải tỏa gần hết diện tích nhà đất, chỉ còn lại… bức tường chiều ngang mặt tiền 10,85m, bề sâu còn 14cm. Dù chỉ còn mỗi bức tường nhưng chủ hộ đã kêu giá 1 tỷ đồng. Hộ liền kề phía sau bức tường là hộ nghèo, không đủ khả năng để mua, cho nên hiện giờ bức tường nham nhở này vẫn tồn tại ngay mặt tiền tuyến đường mới.

Sau khi giải tỏa mở đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, bức tường nham nhở này vẫn tồn tại ngay mặt tiền tuyến đường mới và được chủ sở hữu hét giá 1 tỷ đồng.

Sở Xây dựng TP Hà Nội đã ban hành các văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn làm căn cứ để các địa phương thực hiện các phương án thu hồi các mặt bằng “đầu thừa đuôi thẹo” sau khi giải tỏa, sử dụng vào mục đích công cộng, hợp thửa hợp khối, cải tạo chỉnh trang. Tuy nhiên, nhiều trường hợp rất khó xử lý vì nhà được xây dựng trước thời điểm 15-3-2005, khi chưa có quy định về việc này, đều là nhà 2 - 3 tầng kiên cố, nên rất khó thuyết phục họ thực hiện các phương án. Sắp tới, các tuyến đường vành đai 1, đoạn Nguyễn Khoái - Ô Đống Mác và đoạn Hoàng Cầu - Láng Hạ, tuyến vành đai 2, đoạn từ Tôn Thất Tùng đến Ngã tư Sở thi công, nếu như công tác quản lý trật tự xây dựng không được làm sát sao, chắc chắn sẽ phát sinh thêm nhiều nhà “siêu mỏng, siêu méo”, làm xấu cảnh quan đô thị.

Giải bài toán khó

Để khắc phục tình trạng trên, mới đây, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 16/2015/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung một số quy định xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện xây dựng dọc theo các tuyến giao thông. Cụ thể, diện tích đất còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện xây dựng thì được sử dụng vào mục đích công cộng, có xây dựng tường rào ngăn cách với đất của các hộ liền kề phía trong. Các hộ bị thu hồi đất sẽ được đền bù theo quy định của TP Hà Nội. Tổ chức, cá nhân sử dụng đất liền kề có nhu cầu sử dụng đất để hợp thửa được xem xét giao đất theo giá thị trường. Các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm kiểm tra, xem xét, đề xuất giải quyết từng trường hợp cụ thể. Như vậy, trách nhiệm xử lý nhà “siêu mỏng, siêu méo” được TP Hà Nội giao cho chính quyền cơ sở.

Thực tế đang đòi hỏi công tác đầu tư xây dựng tuyến giao thông mới cần có sự kết hợp chặt chẽ với công tác thiết kế, chỉnh trang đô thị và quản lý kiến trúc, cấp phép xây dựng. Với các trường hợp mặt bằng không đủ điều kiện xây dựng, nằm ngoài chỉ giới làm đường, cần thu hồi, lập dự án đồng thời với dự án xây dựng tuyến giao thông, áp dụng theo đúng quy định đền bù, giải phóng mặt bằng của UBND TP Hà Nội để tạo sự công bằng cho các hộ dân, đồng thời phải có chế tài xử lý những trường hợp cố tình không chấp hành. Có như vậy mới ngăn chặn triệt để tình trạng nhà “siêu mỏng, siêu méo”.

LÃ ANH

Tin cùng chuyên mục