Nhà thiết kế Đức Hùng: Vẻ đẹp của áo dài cần được lan tỏa

Tự nhận mình là người yêu truyền thống đến mức luôn cảm thấy bị tổn thương, nhà thiết kế (NTK) Đức Hùng - người được đặt cho biệt danh là NTK “có bàn tay phù thủy” - lại có góc nhìn vừa hiện đại nhưng cũng rất cổ khi đề cập tới tà áo dài Việt Nam. Làm thế nào để áo dài vừa giữ được bản sắc đặc trưng của dân tộc lại vừa lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống? Đó là trăn trở của NTK Đức Hùng trong suốt bao năm qua.

Tự nhận mình là người yêu truyền thống đến mức luôn cảm thấy bị tổn thương, nhà thiết kế (NTK) Đức Hùng - người được đặt cho biệt danh là NTK “có bàn tay phù thủy” - lại có góc nhìn vừa hiện đại nhưng cũng rất cổ khi đề cập tới tà áo dài Việt Nam. Làm thế nào để áo dài vừa giữ được bản sắc đặc trưng của dân tộc lại vừa lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống? Đó là trăn trở của NTK Đức Hùng trong suốt bao năm qua.

- PHÓNG VIÊN: Thời gian gần đây, Hà Nội, TPHCM và nhiều TP lớn liên tiếp tổ chức các tuần lễ áo dài. Đây là cách tôn vinh áo dài truyền thống không chỉ với người dân trong nước mà còn đưa đến cho bạn bè quốc tế hình ảnh về một đất nước của áo dài. Anh nghĩ gì về cách tôn vinh này?

- NTK ĐỨC HÙNG: Việc thường xuyên tổ chức các lễ hội áo dài là điều rất cần thiết. Những ai đã yêu áo dài thì sẽ cảm thấy yêu hơn, còn những ai chưa mặn mà với trang phục này sẽ bắt đầu cần phải quan tâm, tìm hiểu về nó. Để tôn vinh áo dài có nhiều cách khác nhau và theo tôi, các lễ hội áo dài là một trong những hoạt động khá hiệu quả để truyền cảm hứng, để lan tỏa tình yêu trang phục truyền thống đến với mỗi người.

Bộ sưu tập của NTK Đức Hùng

Tôi không phải là người tham gia nhiều lễ hội áo dài. Nhưng với trách nhiệm cần gìn giữ, tôn vinh nét văn hóa, vẻ đẹp truyền thống của trang phục này, tôi luôn gắng tham gia vào các hoạt động quảng bá hình ảnh áo dài trong và ngoài nước mỗi khi có thể. Không kể đó là lễ hội áo dài ở trong nước hay quốc tế, lễ hội có quy mô toàn quốc, hay chỉ là lễ hội áo dài của các em học sinh, sinh viên trong trường học…, tôi luôn trân trọng đón nhận bởi mỗi hoạt động này tuy có đặc trưng và thông điệp riêng nhưng tựu lại tất cả đều có chung một tình yêu với áo dài.

- Áo dài trong thời gian gần đây không chỉ trở lại trong các lễ hội, trong các dịp lễ tết mà đã xuất hiện nhiều hơn trong cuộc sống thường ngày. Song cùng với đó, sự xuất hiện của trang phục áo dài cách tân cũng đã tạo nên nhiều luồng dư luận trái chiều. Dưới góc nhìn của một NTK, anh suy nghĩ gì về hiện tượng này?

- Có thể nói tôi là một người rất yêu truyền thống, yêu vô điều kiện, vì thế tôi không dùng từ cách tân khi nhận xét về các bộ áo dài mà tôi thích dùng từ cách điệu. Bởi lẽ nếu cách tân là làm mới thì với tôi, cách điệu có nghĩa là làm cho nó đẹp hơn trên nền của cái vốn có.

- Giới hạn nào cho sự cách điệu của áo dài Việt Nam?

- Giới hạn là tình của chính mỗi người cho áo dài truyền thống. Chính tình yêu là giới hạn lớn mà không ai có thể vượt qua được. Những người mặc áo dài cách điệu có thể phá phách nhưng tôi tin trong thẳm sâu, họ vẫn yêu áo dài. Tôi khuyến khích sự sáng tạo của các NTK đối với các trang phục dân tộc trong các cuộc thi sắc đẹp để hội nhập và điều này là cần thiết. Nhưng sự cách điệu đó vẫn phải giữ được hồn cốt, phom dáng của chiếc áo dài truyền thống.

Tôi không quá cực đoan trong việc cách điệu áo dài, bởi thực tế áo dài giờ đây không chỉ mặc trong các dịp lễ hội, mặc trong các cuộc gặp mang tính ngoại giao mà còn được các em học sinh, sinh viên mặc đồng phục đến trường, người lớn mặc đến công sở… Vì thế, việc cách điệu áo dài cho phù hợp hơn như eo áo rộng hơn, tà áo ngắn lên, ống quần hẹp lại, chất liệu co dãn… là điều hoàn toàn có thể chấp nhận được. Nhưng cũng đừng mang danh sáng tạo, cách tân mà làm cho áo dài trở nên lệch lạc, dị hợm, xa rời đường gốc truyền thống ban đầu.

- Liệu có phải là cổ hủ khi không chấp nhận những sản phẩm mới được cách điệu từ áo dài?

- Tôi không đồng ý với quan điểm này, không ai văn minh bằng những người yêu truyền thống đâu. Yêu truyền thống và phát triển truyền thống khác với làm lệch lạc truyền thống.

Bản thân áo dài truyền thống đã là một sản phẩm thời trang hoàn mỹ, nó vừa tôn được vẻ đẹp hình thể lại vừa khích lệ tố chất vốn sẵn có của người phụ nữ. Khi mặc trên người áo dài cách điệu, bạn vẫn có thể leo trèo, nhảy nhót, quậy phá… nhưng nếu mặc áo dài truyền thống thì tự thân mỗi người đều cảm thấy mình cần đi lại nhẹ nhàng, duyên dáng, nữ tính hơn. Đó chính là điều kỳ diệu mà áo dài đem lại.

- Để ra mắt được một bộ sưu tập áo dài, NTK không chỉ đầu tư nhiều tâm huyết, tiền bạc mà họ còn phải tốn khá nhiều thời gian. Song rất nhiều bộ sưu tập vừa ra mắt công chúng đã ngay lập tức bị sao chép. Anh nghĩ gì về điều này?

- Với những người thiết kế khác thì tôi không rõ, song bản thân tôi chưa bao giờ e ngại việc ấy. Ai sao chép của tôi, tôi càng tự hào vì mẫu thiết kế của tôi phù hợp, đã chạm vào trái tim của họ. Họ có thích nó thì họ mới sao chép. Tôi thích mọi người sao chép của tôi vì những cái tôi sáng tạo là những cái rất truyền thống và tôi cần như thế. Tôi đang làm một công việc là để áo dài truyền thống được lan tỏa mạnh mẽ hơn vì thế tôi sẽ không bao giờ khiếu kiện gì những người yêu thích và copy mẫu thiết kế của tôi.

MAI AN (Thực hiện)

Tin cùng chuyên mục