Nhà thiết kế Thuận Việt - Mang “Ước vọng hòa bình” ra thế giới

Nhà thiết kế Thuận Việt - Mang “Ước vọng hòa bình” ra thế giới

Trong khuôn khổ chương trình giao lưu văn hóa “Những ngày Việt Nam” đang diễn ra tại Pháp và Bỉ, nhà thiết kế Thuận Việt lần đầu tiên trình diễn bộ sưu tập áo dài mang tên “Ước vọng hòa bình” gồm 12 mẫu, trong đó 6 mẫu với các họa tiết là hình ảnh những bản đồ cổ của Việt Nam, thể hiện đầy đủ chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa và 6 mẫu với họa tiết sóng biển và chim bồ câu. Sau chương trình biểu diễn ngày 27-6 tại Pháp, nhà thiết kế Thuận Việt đã dành cho phóng viên Báo SGGP cuộc trao đổi ngắn.

* Từ đâu anh có ý tưởng về việc đưa thông điệp chủ quyền biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa lên tà áo dài?

* NTK THUẬN VIỆT: Tôi vinh dự được Sở VH-TT-DL TPHCM mời tham gia trình diễn trong chương trình “Những ngày văn hóa Việt Nam” tại Lyon (Pháp) từ 23 đến 27- 6 và ở Brusseles (Bỉ) từ ngày 28 đến 1-7. Lần này, Ban tổ chức yêu cầu ngoài việc thiết kế các bộ sưu tập thời trang nhằm giới thiệu văn hóa truyền thống Việt Nam còn phải thể hiện được thông điệp yêu chuộng hòa bình và quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Thông qua báo chí và tình cờ được tham gia một vài triển lãm về Hoàng Sa và Trường Sa, tôi biết có rất nhiều hình ảnh bản đồ thể hiện chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Những bản đồ này không chỉ của Việt Nam mà còn của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt của các nước phương Tây từ thế kỷ 17. Tôi nhận thấy đây là một “chất liệu” tốt cho bộ sưu tập mới của mình. Bên cạnh đó, điểm nhấn của bộ sưu tập chính là tinh thần yêu chuộng hòa bình của Việt Nam, một số mẫu thiết kế cũng được thực hiện dựa trên hình tượng những cánh chim bồ câu hòa bình tung cánh trên những đợt sóng biển.

Nhà thiết kế Thuận Việt và các người mẫu.

Nhà thiết kế Thuận Việt và các người mẫu.

* Được biết quá trình thực hiện bộ sưu tập áo dài trên gặp không ít khó khăn. Anh có thể chia sẻ về điều này?

* Đề tài hòa bình và tinh thần yêu nước của Việt Nam cũng đã được nhiều nhà thiết kế trên thế giới cũng như Việt Nam thực hiện. Do vậy, để ý tưởng không bị trùng lặp, tạo được dấu ấn riêng là một việc khó. Việc thể hiện ý tưởng mang tính thời sự trên trang phục thời trang đã khó, việc thực hiện trên áo dài - một trang phục truyền thống - càng khó hơn. Ngành công nghiệp thời trang của chúng ta còn non trẻ nên các công nghệ hỗ trợ cho việc thiết kế không nhiều, do vậy việc tìm chất liệu phù hợp, màu sắc, cách thể hiện ý tưởng đều do các nhà thiết kế tự thân vận động và biến hóa phù hợp với hoàn cảnh.

Việc tìm các bản đồ quả là một khó khăn. Thời buổi công nghệ thông tin, bạn dễ dàng tìm được các mẫu bản đồ trên internet tuy nhiên các file chất lượng không cao. Tôi đã tìm rất nhiều nguồn khác nhau và cuối cùng nhờ một người bạn giúp liên hệ được với anh Trần Thắng - Chủ tịch Viện Văn hóa và giáo dục Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Anh Thắng là người đã tặng cho Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng 43 bản đồ cổ và cuốn atlas Trung Hoa bưu chính dư đồ do Trung Hoa dân quốc xuất bản tại Nam Kinh năm 1919 cho thấy Hoàng Sa và Trường Sa không có trong bản đồ cổ Trung Quốc nhưng luôn có trong các bản đồ cổ Việt Nam. Và rất may mắn là cùng thời điểm này anh đang ở Việt Nam và cũng rất ủng hộ tôi trong ý tưởng này. Bên cạnh đó, còn có sự giúp đỡ của một số bạn trong giới truyền thông đã giúp tôi tìm ra những hình ảnh bản đồ cổ của Việt Nam.

* Anh kỳ vọng gì về bộ sưu tập này của mình? Khán giả quốc tế đón nhận như thế nào với những mẫu thiết kế trên của anh?


* Theo dự định, tôi sẽ thực hiện bộ sưu tập “Ước vọng hòa bình” gồm gần 50 bức bản đồ của các nước khác nhau và trong các thời điểm khác nhau và sẽ kêu gọi tất cả người đẹp Việt Nam cùng tham gia. Tuy nhiên, do thời gian biểu diễn hạn hẹp nên mới có một vài mẫu hoàn thành kịp cho chuyến lưu diễn lần này.

* Sau khi trình diễn ở Pháp và Bỉ, anh có dự định gì với bộ sưu tập trên khi về nước? Liệu anh sẽ thương mại hóa những mẫu thiết kế trên hay chỉ dành nó cho những hoạt động mang biểu trưng văn hóa đơn thuần?

* Trước mắt, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và tìm tòi thêm các nguồn tư liệu để hoàn thiện bộ sưu tập của mình. Sẽ là niềm tự hào khó có thể diễn tả nếu bộ sưu tập được đón nhận rộng rãi và càng tự hào hơn nếu một ngày nào đó chúng ta thấy khắp nơi hình ảnh bản đồ khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam, hình ảnh cánh chim bồ câu hòa bình tung cánh khắp nơi.

* Là người nhiều lần thiết kế trang phục cho các nhan sắc Việt tham gia các đấu trường nhan sắc quốc tế, năm nay anh có dự định tham gia chương trình nào chưa? Nếu có liệu ý tưởng về khẳng định chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa có được anh tiếp tục sử dụng?

* Tôi rất tự hào khi được chọn tham gia thiết kế các trang phục truyền thống của Việt Nam cho các người đẹp Việt Nam tại các cuộc thi sắc đẹp quốc tế trong nhiều năm qua. Năm nay, tôi cũng đang có rất nhiều ý tưởng đặc biệt cho những sáng tạo mới của mình. Tuy nhiên, vẫn phải chờ gương mặt người đẹp nào được lựa chọn vì một mẫu thiết kế hoàn chỉnh còn phải đạt được yếu tố phù hợp và tôn vinh nét nổi bật của người mặc.

KHẮC THI

Tin cùng chuyên mục