Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn: Đi tìm mùa xuân trên lưng xe đạp

Nhân dịp 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, NXB Văn hóa Văn nghệ TPHCM và Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TPHCM vừa ấn hành Chữ nghĩa bay lên bát ngát mùa xuân của nhà thơ - nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn. 
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn: Đi tìm mùa xuân trên lưng xe đạp
Đây là cuốn sách của một tác giả sinh sau năm 1975, viết về những nhà văn từng gắn bó với chiến trường miền Nam, như: Anh Đức, Nguyễn Chí Hiếu, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo, Lê Anh Xuân, Nguyễn Thi, Hoài Vũ, Giang Nam, Huỳnh Văn Nghệ, Diệp Minh Tuyền…  Lê Thiếu Nhơn cho biết, anh viết cuốn sách này “như một sự tri ân chân thành” với thế hệ những nhà văn đi trước đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp thống nhất đất nước: “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đối với thế hệ sinh sau 1975 như tôi, chỉ có thể mường tượng qua những bức ảnh chiến trường hoặc những thước phim tư liệu. Tôi muốn đưa ra câu chuyện khác, câu chuyện của một đội ngũ cầm bút đã in dấu chân qua mùa xuân 1968. Tất nhiên, giá trị văn chương không quyết định bởi hoàn cảnh cụ thể, nhưng cách họ cống hiến, cách họ thao thức, cách họ sáng tạo ngay trong khói lửa… cũng mang lại nhiều suy tư thú vị cho độc giả hôm nay”.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn: Đi tìm mùa xuân trên lưng xe đạp ảnh 1 Nhà thơ - nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn
Trước khi trở thành một nhà thơ, nhà phê bình như hiện nay, Lê Thiến Nhơn là học sinh giỏi văn của Trường chuyên Lương Văn Chánh tỉnh Phú Yên. Học sinh chuyên văn nên rất nhiều tác giả trong Chữ nghĩa bay lên bát ngát mùa xuân từng được anh học trong sách giáo khoa và tìm đọc tác phẩm của họ trong thư viện tỉnh. Có thể nói, tác phẩm của nhiều tác giả trong cuốn sách này ảnh hưởng ít nhiều trong tư duy thẩm mỹ văn học của Lê Thiếu Nhơn sau này. 
Nhà phê bình sinh năm 1978 này cho rằng: “Văn chương Việt Nam có quyền tự hào về những nhân vật đã nằm xuống cho sự nghiệp thống nhất non sông như Lê Anh Xuân, Nguyễn Thi… Văn chương Việt Nam cũng có quyền tự hào về những nhân vật đi qua bom đạn và gặt hái được những thành tựu trong hòa bình như Sơn Nam, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo, Giang Nam… Và văn chương Việt Nam càng tự hào hơn về những nhân vật đóng góp cả tuổi trẻ cho đất nước nhưng ít được vinh danh ở các giải thưởng lớn nhỏ, mà vẫn bền bỉ nâng niu cái thiện và cái đẹp như Hoài Vũ, Diệp Minh Tuyền, Nguyễn Chí Hiếu, Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Kim Ngân…”.
Phương pháp tiếp cận để khắc họa chân dung các nhà văn của Lê Thiếu Nhơn không chỉ thông qua tác phẩm hay gặp trực tiếp tác giả, anh còn về nguồn để cảm nhận sự khốc liệt của chiến tranh. “Hầu hết những nhân vật đề cập trong cuốn sách này đều gắn bó với Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Tôi đã nhiều lần đến mảnh đất chiến khu xưa Tân Biên - Tây Ninh, nhìn những cánh rừng u tịch và những trảng cỏ cháy nắng, để hỏi một niềm riêng đầy sẻ chia: Cảm hứng anh hùng cách mạng đã được nuôi dưỡng như thế nào suốt giai đoạn cam go và khốc liệt? Tôi tự giải mã quá khứ bằng sự nghiêm túc đọc lại tác phẩm của họ, một cách khách quan và hệ thống”. 
Nhà phê bình Tô Hoàng, thế hệ trước của Lê Thiếu Nhơn, nhận xét: “Văn học cách mạng thường được mặc định là khô khan, nhưng qua cách nhìn và cách cảm của Lê Thiếu Nhơn lại mang đến cho bạn đọc nhiều xao xuyến. Cuốn sách có những nhận định khá thấu đáo và thuyết phục. Ví dụ, đánh giá về truyện ngắn Mẹ vắng nhà của nhà văn Nguyễn Thi: “Được viết tháng 6-1966, Mẹ vắng nhà có thể xem như một trong vài truyện ngắn hiếm hoi trên thế giới viết về chiến tranh mà không có cảnh bom rơi, đạn bay, máu đổ và nước mắt. Chiến tranh được nhìn qua lăng kính trẻ thơ, càng hồn nhiên thì càng khốc liệt”. Hoặc nhận định về thơ Lê Anh Xuân: “Sự nghiệp của Lê Anh Xuân chỉ gói gọn 10 năm, ngay trong bom đạn dữ dội, nên tính nghệ thuật nhiều tác phẩm chưa kịp chưng cất thật hàm súc. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ lưỡng những vần điệu Lê Anh Xuân để lại, thì cũng rất bất ngờ khi bắt gặp những câu thơ đậm đà phẩm chất tài hoa của một người đầy mơ mộng “anh là con sông chảy trước nhà em”.
Lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng: “Một huấn luyện viên giỏi không nhất thiết phải là một cầu thủ giỏi” hay “một nhà phê bình giỏi không hẳn phải là một người sáng tác tài năng”. Lê Thiếu Nhơn là trường hợp đặc biệt khi anh vừa sáng tác có thành tựu, lại vừa viết phê bình gặt hái được thành công. Lúc còn trên ghế nhà trường phổ thông, Lê Thiếu Nhơn từng đoạt giải nhất truyện ngắn cuộc thi “Tác phẩm tuổi xanh” của Báo Tiền Phong với Giấc mơ không có con dế nhỏ. Đây là cuộc thi uy tín dành cho các cây viết trẻ lúc đó và truyện ngắn này của Lê Thiếu Nhơn từng được nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ (hiện là Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội) biên tập và đạo diễn Trọng Chinh chuyển thể thành phim truyền hình. 
Trước khi vào đại học, Lê Thiếu Nhơn giành tiếp giải nhất cuộc thi thơ 7 chữ của tuyển tập văn chương Áo Trắng với phần thưởng là một chiếc xe đạp Martin 107 và anh cùng chiếc xe đạp này đi tìm những mùa xuân chữ nghĩa trên hành trình cầm bút của mình. Những năm gần đây, làng văn thiếu bóng dáng các nhà phê bình, nhất là phê bình trẻ - một công việc va đụng trực tiếp với giới sáng tác - thì Lê Thiếu Nhơn không ngần ngại viết phê bình hầu mong góp phần nhỏ bé khỏa lấp khoảng trống này. Và anh cũng gặt hái được thành công khi nhận tặng thưởng của Hội Nhà văn TPHCM 2017 cho tập chân dung - phê bình Hoa rơi hữu ý. Lê Thiếu Nhơn nói: “Cảm ơn chiếc xe đạp của một thời sinh viên ở Trường Đại học KHXH-NV TPHCM đã nhẫn nại cùng tôi khởi hành đi tìm những mùa xuân chữ nghĩa cho riêng mình”.

Tin cùng chuyên mục