Nhật Bản cần cú hích tăng trưởng

Trái với xu thế tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) vẫn tiếp tục duy trì chính sách lãi suất thấp khi nền kinh tế nước này tiếp tục cần kích thích tăng trưởng.
Khác với kinh tế Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục đà hồi phục, đà tăng trưởng kinh tế dài nhất của Nhật Bản kể từ những năm 1980 đã kết thúc. Dữ liệu của Văn phòng Nội các Nhật Bản cho thấy nền kinh tế Nhật Bản đã giảm 0,6% trong quý 1-2018. Sự sụt giảm này đã chấm dứt 8 quý liên tiếp tăng trưởng, chuỗi tăng trưởng dài nhất kể từ giai đoạn giữa năm 1986-1989. Điều này cho thấy chính sách kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe, được gọi là Abenomics đang gặp khó. Tuy vậy, báo Nikkei Asian Review dẫn lời ông Takashi Miwa, nhà kinh tế hàng đầu tại tập đoàn tài chính Nomura cho rằng “Sự sụt giảm kinh tế Nhật Bản là tạm thời”. Phần lớn các nhà kinh tế không xem Nhật Bản rơi vào suy thoái kinh tế với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 2-2018 dự kiến cho thấy sự phục hồi.

Ba lĩnh vực yếu kém làm giảm tăng trưởng của GDP Nhật Bản trong quý 1-2018 là tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư nhà ở. Nhưng con số thống kê hàng tháng kể từ tháng 4-2018 cho thấy rằng tiêu dùng trong nước đã tăng lên và xuất khẩu cũng đã tăng trở lại khi lo ngại chiến tranh thương mại giảm bớt. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 5 nhanh nhất trong 4 tháng qua. Các chuyến hàng xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 5  tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2017, tăng cao hơn so với mức 7,8% trong tháng 4, theo Bộ Tài chính Nhật Bản. Con số này cao hơn mức dự báo trung bình từ các nhà kinh tế được Reuters thăm dò là 7,5%.  Các chuyến hàng đến châu Á đặc biệt mạnh mẽ với mức tăng trưởng 9,8% trong tháng 5, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm 2017. Nhập khẩu cũng tăng trưởng tốt hơn so với cùng kỳ năm ngoái là 14%, cao gấp đôi tốc độ 5,9% trong tháng 4 và vượt xa mức dự báo trung bình là 8,2%. Tốc độ tăng trưởng nhanh hơn từ nhập khẩu đã đẩy Nhật Bản thâm hụt thương mại trong tháng 5 là  578,3 tỷ yen (5,2 tỷ USD) so với mức thặng dư 624,6 tỷ yen trong tháng 4. 

Mặc dù vậy, các nhà kinh tế không rõ liệu đà phục hồi xuất khẩu của Nhật Bản trong quý 3 và 4 sẽ tiếp tục vượt quá quý 2-2018 hay không bởi vì nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại. Ông Ryutaro Kono, nhà kinh tế đứng đầu tại BNP Paribas chi nhánh Nhật Bản, cho rằng “Sự thắt chặt tiền tệ toàn cầu có thể khiến nền kinh tế Nhật Bản trì trệ”. Không chỉ FED và ECB, các ngân hàng trung ương ở châu Á cũng đang trong chế độ thắt chặt chính sách tiền tệ. Ngân hàng dự trữ của Ấn Độ là nơi mới nhất nâng lãi suất lần đầu tiên trong vòng 4 năm qua. Ngân hàng Indonesia cũng đã quyết định tăng lãi suất lần thứ 2 trong một tháng vào tháng 5. Những quyết định này có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới và cuối cùng làm tổn thương nhu cầu xuất khẩu - mà Nhật Bản phụ thuộc rất nhiều. Ngoài ra, kinh tế Nhật Bản cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ bất kỳ sự suy giảm theo chu kỳ hay trong các vấn đề quan tâm toàn cầu như tranh chấp thương mại Mỹ - Trung Quốc, tình hình Triều Tiên, hoặc tình hình chính trị ở nhiều nơi khác.

Tin cùng chuyên mục