Nhiều bãi xe, kho hàng không an toàn cháy nổ

TPHCM hiện có hàng ngàn kho chứa hàng hóa, bãi giữ xe… Tại hầu hết các kho bãi này, công tác PCCC chưa được chính quyền, ngành chức năng, cá nhân, tổ chức trực tiếp quản lý, khai thác quan tâm thực hiện. Thực tế trên đang khiến nguy cơ cháy nổ gia tăng ở các bến bãi, nhất là bến bãi tự phát. 
Vụ cháy bãi xe tải trên địa bàn quận 12
Vụ cháy bãi xe tải trên địa bàn quận 12

Bỏ ngỏ xử lý vi phạm

Giữa trưa nắng gắt, bên trong bãi xe (gần góc đường 34 và đường 17A), khu dân cư Ao Sen (phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TPHCM), nhiều thợ sửa xe đồng thời là nhân viên của bãi hì hục tháo sửa phần máy của một xe khách. Bất chấp nguy hiểm về cháy nổ, các thanh niên này vô tư để xăng dầu tràn xuống đất và lan sang khu vực xe khác đang đậu. Vừa tháo ốc, Linh (thợ sửa xe) vừa phì phèo điếu thuốc lá. Hút xong, người này ném tàn thuốc ra khu vực xăng dầu tràn. Cạnh đó, dây điện, ổ cắm điện để tràn lan, nhiều đoạn dây điện bị hở được nhân viên buộc tạm bằng bao ni lông để gần những vũng nước đọng. Nguồn lửa, nguồn nhiệt như vậy nhưng bên trong bãi xe này không được chủ bãi trang bị bất cứ phương tiện chữa cháy nào. Trường hợp hỏa hoạn xảy ra, hàng trăm ô tô, xe tải, xe khách trong bãi khó tránh khỏi bị thiêu rụi. 

Ngoài bãi xe trên, ở đường 34, khu dân cư Ao Sen, còn có gần chục bãi xe trong tình trạng tương tự - không đảm bảo các quy định về an toàn cháy nổ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn bộ bến bãi trên đường này đều là những bãi xe tự phát, vi phạm nhiều quy định về PCCC, môi trường, an toàn giao thông. Thế nhưng, chính quyền địa phương, ngành chức năng vẫn không có biện pháp xử lý, hoặc xử lý cho có, thiếu quyết liệt. “Trước tết, bãi xe phía trước nhà tôi xảy ra hỏa hoạn; sau tết cảnh sát PCCC, cán bộ phường xuống kiểm tra nhưng sau đó không hiểu sao bãi xe tự phát này vẫn hoạt động”, ông Thành, nhà ở góc đường số 1 và đường 34, bức xúc. 

Tại quận 10, dọc tuyến đường Thành Thái nối dài (phường 14) cũng tồn tại nhiều bãi xe tự phát. Đáng chú ý là bãi xe của ông Dũng. Bên trong bãi xe này, hệ thống điện được giăng mắc, câu nối chằng chịt, không đảm bảo kỹ thuật, rất dễ xảy ra sự cố chạm chập điện. Chủ bãi xe tận dụng tối đa diện tích, bố trí xe đậu bít kín lối đi cũng là lối thoát nạn vào ban đêm; nhân viên bãi xe thường xuyên đun nấu, đốt giấy cúng ngay trong bãi xe… Tương tự, tại các kho hàng nằm trong hẻm C4, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, cũng có nhiều vi phạm về PCCC (nhân viên không nắm rõ kiến thức PCCC, cứu nạn, thoát nạn; kho hàng tồn trữ chất cháy, hóa chất dễ cháy không có trong giấy phép, danh mục cho phép…). Thế nhưng, hoạt động của các kho hàng này vẫn tồn tại từ năm này sang năm khác. 

Đình chỉ cơ sở hoạt động không phép 

Đại diện Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (PC07 - Công an TPHCM) cho biết, đang phối hợp với công an các quận huyện tổng kiểm tra, rà soát các bãi xe, kho hàng trên toàn địa bàn thành phố. Đối với bãi xe, kho hàng được cấp phép hoạt động, nếu phát hiện có vi phạm các quy định về PCCC, cảnh sát PCCC sẽ yêu cầu khắc phục; trong đó tập trung khắc phục các vi phạm: không lắp đặt, đầu tư hệ thống PCCC (phương tiện, thiết bị chữa cháy, cứu nạn); tập huấn, phổ biến kiến thức về PCCC và cứu nạn, thoát nạn cho chủ, nhân viên kho bãi. Riêng đối với kho bãi hoạt động không có giấy phép, cảnh sát PCCC phối hợp với chính quyền địa phương kiên quyết đình chỉ hoạt động.

Thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TPHCM, khuyến cáo các chủ cơ sở, doanh nghiệp cần nâng cao ý thức PCCC tại nhà kho, phân xưởng, bãi xe, nhất là thời điểm mùa khô, nắng gắt, nhiệt độ cao như hiện nay. Tại những khu vực này, phát sinh cháy dễ nhất là do chập điện nên nguồn điện phải tuyệt đối an toàn. Cá nhân, tổ chức trực tiếp khai thác các kho bãi cần lắp đặt hệ thống điện, các thiết bị tiêu thụ điện phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật; lắp thiết bị tự ngắt cho hệ thống điện trong nhà xưởng, kho hàng và từng thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn. Không để hàng hóa dễ cháy gần nguồn điện, nguồn nhiệt, ổ cắm, cầu dao.

Thường xuyên kiểm tra hệ thống công nghệ, thiết bị, dây chuyền sản xuất, hệ thống điện để phát hiện kịp thời những yếu tố mất an toàn và có biện pháp khắc phục. Cấm hàn, cắt kim loại hoặc làm những việc phát sinh tia lửa, tia nhiệt gần khu vực nhà kho, nhà xưởng sản xuất. Ngoài ra, việc thờ cúng, hút thuốc bên trong nhà kho, xưởng sản xuất cần được nghiêm cấm… Không nên cơi nới, thay đổi công năng sử dụng của nhà kho, xưởng sản xuất, chứa hóa chất nguy hiểm trong các khu vực này. Hàng hóa chứa trong kho, nhà xưởng cần được phân loại, sắp xếp riêng biệt đúng quy định. Chủ động trong công tác phòng cháy sẽ hạn chế được thiệt hại về tài sản khi có sự cố cháy nổ xảy ra.

Công an TPHCM yêu cầu ban chỉ huy công an các quận huyện cần quán triệt, yêu cầu các đội, tổ nghiệp vụ trực thuộc phải làm tốt công tác theo dõi địa bàn; kịp thời phát hiện, nhắc nhở cá nhân, tổ chức vi phạm khắc phục. Nơi nào để vi phạm tồn tại, xảy ra sự cố cháy nổ, nhất là cháy lan cháy lớn, lãnh đạo, chỉ huy ở đó sẽ bị xử lý.

Tin cùng chuyên mục