Phát huy truyền thống năng động sáng tạo để phát triển TPHCM

Nhiều băn khoăn chi trả thu nhập tăng thêm

Chính sách chi thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là công chức) theo Nghị quyết 03 của HĐND TPHCM đã tạo thêm động lực để đội ngũ công chức an tâm công tác và phấn đấu thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao. Tuy vậy, nhiều cơ quan, đơn vị đang gặp lúng túng, băn khoăn về tính công bằng khi một số nhóm người lao động bị “bỏ sót”.
Giáo viên trong thời gian nghỉ hè nhưng thực tế vẫn làm việc, cần được hưởng thu nhập tăng thêm
Giáo viên trong thời gian nghỉ hè nhưng thực tế vẫn làm việc, cần được hưởng thu nhập tăng thêm

Khó “chia sẻ” thu nhập tăng thêm

Nghị quyết 03 của HĐND TPHCM (về việc chi thu nhập tăng thêm cho công chức, thực hiện theo Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM) chỉ đề cập chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, đối với người làm việc theo Hợp đồng 68 thì chi thu nhập tăng thêm theo sự “chia sẻ” từ  nguồn thu nhập tăng thêm của đơn vị. Còn những người làm việc theo hợp đồng với cấp quận, với trường học, hợp đồng tạm tuyển, hợp đồng khoán… lại không thuộc đối tượng được chi thu nhập tăng thêm. Ghi nhận tại nhiều đơn vị trên địa bàn TPHCM cho thấy, quy định như vậy đã “bỏ sót” những người làm việc theo diện hợp đồng không được hưởng thu nhập tăng thêm một cách hợp lý. Chính sự khác biệt về đối tượng hưởng thu nhập tăng thêm như trên đang khiến nhiều đơn vị lúng túng và chưa thể sớm thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho mọi người một cách suôn sẻ.

Tại Trường Tiểu học Võ Văn Hát (quận 9) có 72 cán bộ, giáo viên, nhân viên; trong đó có 10 người thuộc diện hợp đồng. Các nhân sự này làm kế toán, thủ quỹ, thư viện, y tế, bảo vệ, phục vụ. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay các nhân viên hợp đồng tạm tuyển, Hợp đồng 68/2000/NĐ-CP và hợp đồng khoán không được hưởng chế độ thu nhập tăng thêm. Điều này đang ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của mọi người, gây không ít khó khăn cho đơn vị trong quá trình thực hiện đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mọi người nói chung. 

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thiện Thuật (quận 3), bà Trần Thị Kim Lan, cho hay phải mất nhiều ngày suy nghĩ, tính toán xem nên “chia sẻ” thu nhập tăng thêm cho 5 người làm việc theo diện hợp đồng như thế nào? Sau đó, nhà trường thống nhất tạm thời chia sẻ bằng cách…tùy tâm mỗi công chức (20 người), sau khi nhận thu nhập tăng thêm sẽ bỏ tiền vào phong bì tặng 5 người làm việc theo diện hợp đồng. 

Trường Mầm non Măng Non 1 (quận 10) có 96 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Người được hưởng thu nhập tăng thêm chủ yếu thuộc ban giám hiệu, giáo viên; còn 34  người không được hưởng thu nhập tăng thêm, chiếm tỷ lệ gần 40%, gồm các nhân viên hợp đồng. Nguồn thu của nhà trường năm học này giảm do số học sinh giảm theo mô hình Trường tiên tiến hội nhập khu vực và quốc tế (từ 1.158 học sinh, nay chỉ còn 799 học sinh) và phải chi cho hoạt động dạy và học nhiều nên việc chia sẻ thu nhập tăng thêm trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị sẽ khó thực hiện. Hiệu trưởng nhà trường, bà Phan Thị Bích Liên, nhận xét, tâm lý của những người không được hưởng thu nhập tăng thêm sẽ bất ổn, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Điều này cũng diễn ra ở Trường THCS Hoàng Văn Thụ (quận 10). 

“Các nhân sự làm việc theo hợp đồng rất buồn khi biết mình không được hưởng thu nhập tăng thêm theo chính sách mà là thu nhập tăng thêm theo hướng “chia sẻ”. Sức làm việc của các lao động này giảm rõ rệt, thường túm tụm bàn tán, tâm tư”, ông Nguyễn Khoa Khanh, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Văn Thụ, trăn trở. 

Theo lãnh đạo các nhà trường, những người làm việc theo chế độ hợp đồng đã đóng góp rất lớn cho cảnh quan môi trường, an ninh trật tự, bữa ăn cho học sinh trong trường học. Và công việc của họ cũng nằm trong định mức biên chế cần có của mỗi trường học. Để đảm bảo công bằng, các trường học cùng có chung đề nghị TP xem xét, chi thu nhập tăng thêm cho người làm việc theo chế độ hợp đồng.

Cần quy định cụ thể hơn

Ông Trương Hoài Phong, Trưởng phòng Nội vụ UBND quận 10, cho biết quận cũng có nhiều băn khoăn. Công chức trong quý có thời gian nghỉ trên 22 ngày có được đánh giá hiệu quả thời gian thực tế còn lại trong quý hay không? Trường hợp công chức được luân chuyển, điều động công tác thì sẽ tính thế nào? Công chức được điều động từ các đơn vị khác qua Hội Chữ thập đỏ được “xếp” vào đâu để đánh giá công tác, chi thu nhập tăng thêm, bởi Hội Chữ thập đỏ không thuộc cơ quan hành chính, không thuộc đơn vị sự nghiệp, không thuộc tổ chức chính trị - xã hội?

Tại quận 9, đến nay toàn bộ 84 cơ quan, đơn vị trong quận đã đánh giá, xếp loại và chi thu nhập tăng thêm cho công chức trong quý 2 và quý 3-2018. Tổng số cả quận có 2.820 cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ không chuyên trách. Trong đó, quý 2-2018, quận có 2.221 người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 598 người hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có ai ở mức hoàn thành nhiệm vụ và có một người không đủ điều kiện xếp loại. Quý 3-2018, toàn bộ công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (2.459 người) và hoàn thành tốt nhiệm vụ (353 người). Tổng số tiền chi thu nhập trong 2 quý trên là 29,5 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch UBND quận 9 Trần Văn Bảy, đây là việc làm mới của TP, nhưng văn bản quy định các nội dung tiêu chí chưa cụ thể nên các đơn vị còn lúng túng trong việc đánh giá hiệu quả công việc của công chức. Ông Trần Văn Bảy kiến nghị TP cần quan tâm, bổ sung đối tượng hưởng thu nhập tăng thêm là viên chức trong thời gian tập sự do chưa có quyết định bổ nhiệm ngạch chính thức; cán bộ, công chức Hội Chữ thập đỏ; các chức danh kế toán, thủ quỹ, y tế… các trường và đơn vị sự nghiệp; nhân viên lái xe, bảo vệ, phục vụ diện Hợp đồng 68...TP cũng cần hướng dẫn cụ thể việc đánh giá, xếp loại đối với viên chức ngành giáo dục trong thời gian nghỉ hè; cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học tập trung; cán bộ, công chức nghỉ hưu theo chế độ nhưng trước đó có tháng làm việc trong quý được đánh giá.

Riêng nhân viên thuộc diện hợp đồng lao động tại các đơn vị sự nghiệp tự chủ hoàn toàn về biên chế, kinh phí (như Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng; Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình), những nhân viên này có nhiều đóng góp tích cực trong việc đầu tư xây dựng cơ bản, giải phóng mặt bằng nhiều dự án trọng điểm của TP nhưng không được hưởng thu nhập tăng thêm. Trong khi đó, nguồn thu của đơn vị không đảm bảo chi hoạt động. UBND quận 9 đề nghị TP xem xét có chủ trương cho đơn vị thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ diện hợp đồng từ nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị.

Về đánh giá, UBND quận 9 kiến nghị UBND TPHCM, Sở Nội vụ điều chỉnh lại mẫu đánh giá hàng quý theo các tiêu chí, định lượng cụ thể và phạm vi đánh giá cần hẹp hơn các tiêu chí của đánh giá cả năm để các cơ quan, đơn vị dễ thực hiện, vì thời gian thực hiện đánh giá, phân loại hàng quý không nhiều.  

Bà THI THỊ TUYẾT NHUNG (Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM):

               Chia sẻ theo tinh thần tự nguyện, không phải ban phát 

Trong tháng 1-2019, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM đi khảo sát các quận huyện, sở ngành, cơ quan, đơn vị và một trong những nội dung chúng tôi đặc biệt quan tâm là sự chia sẻ, chính sách đối với người làm việc theo chế độ Hợp đồng 68/2000/NĐ-CP và các hợp đồng khác.

Với công chức nói chung, Nghị quyết 03 của HĐND TPHCM đã nói kỹ và UBND TPHCM cũng hướng dẫn cách đánh giá, phân loại hàng quý theo hiệu quả công việc để xét thu nhập tăng thêm. Song, với người làm việc theo chế độ Hợp đồng 68, sự chia sẻ và trả thu nhập tăng thêm của từng đơn vị như thế nào? Bởi dù là người làm việc theo chế độ hợp đồng, nhưng họ đã góp sức cùng đơn vị hoàn thành nhiệm vụ nên sự chia sẻ của đơn vị là cần thiết để đảm bảo sự công bằng. 

Trong việc chia sẻ thu nhập tăng thêm cho người làm việc theo chế độ hợp đồng, sự quyết định của tập thể trong hội nghị cán bộ công chức tại đơn vị là cực kỳ quan trọng. Cũng cần lưu ý, sự chia sẻ cần theo tinh thần tự nguyện, bởi mọi người đều cống hiến hoàn thành nhiệm vụ chung, chứ không phải ban phát, bố thí. Qua khảo sát, chúng tôi ghi nhận kinh nghiệm, cách làm hay cũng như nắm bắt các vướng mắc, khó khăn phát sinh để trình Thường trực HĐND TPHCM xem xét, cùng UBND TPHCM có hướng sớm tháo gỡ.

Ông VÕ MINH HOÀNG (Phó trưởng Phòng công chức - viên chức, Sở Nội vụ TPHCM):

                       Sẽ đề xuất hướng có lợi nhất cho người lao động

Đối với công chức nghỉ hưu, nghỉ việc, luân chuyển, chuyển công tác… các đơn vị vẫn đánh giá theo hiệu quả công việc, làm tới tháng nào thì tính tới tháng đó để hưởng thu nhập tăng thêm. 

Đối với các giáo viên có thời gian nghỉ hè nhưng thực tế vẫn làm việc, Sở Nội vụ TPHCM đang phối hợp với các sở cùng tham mưu, trình UBND TPHCM theo hướng nếu giáo viên có làm việc thì được hưởng thu nhập tăng thêm. Trong trường hợp công chức cử đi học, sở cũng phối hợp, tham mưu UBND TPHCM theo 2 hướng: Nếu người do đơn vị cử đi học thì được đánh giá để hưởng thu nhập tăng thêm; còn người tự đi học thì xem xét lại. Với viên chức tập sự, sở đang xin ý kiến Bộ Nội vụ và sẽ tham mưu UBND TPHCM theo hướng viên chức tập sự cũng được hưởng thu nhập tăng thêm. 

Các công chức được tăng cường từ các đơn vị khác tới Hội Chữ thập đỏ công tác cũng đang được sở xin ý kiến Bộ Nội vụ rồi trình UBND TPHCM xem xét việc có hay không được hưởng thu nhập tăng thêm.

Tin cùng chuyên mục