Nhiều bất cập trong thi hành Luật Bình đẳng giới

Luật Bình đẳng giới đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2007, gồm 6 chương và 44 điều. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 4 nghị định, 3 thông tư hướng dẫn. 
Phiên xử đầu tiên của Tòa Gia đình và người chưa thành niên TAND TPHCM . Ảnh: ÁI CHÂN
Phiên xử đầu tiên của Tòa Gia đình và người chưa thành niên TAND TPHCM . Ảnh: ÁI CHÂN
Tuy nhiên, trong công tác bình đẳng giới vẫn còn khoảng cách giữa những quy định pháp luật và việc thực hiện trên thực tế, dẫn đến những hạn chế nhất định trong việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. 
Thiếu quan tâm nạn nhân của bất bình đẳng
Với mục tiêu xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội - gia đình, Luật Bình đẳng giới đặt ra nguyên tắc “bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật”. Tuy nhiên, trên thực tế nguyên tắc này vẫn chưa thực sự được đảm bảo. Điển hình là Luật Trợ giúp pháp lý hiện hành vẫn chưa có quy định nào nhằm bảo vệ nạn nhân của bất bình đẳng; quy định về người được trợ giúp pháp lý không đề cập đến đối tượng là nạn nhân của bất bình đẳng giới, mặc dù trên thực tế số lượng nạn nhân này là một con số không hề nhỏ (theo thống kê, từ năm 2011 - 2015, cứ mỗi ngày ở Việt Nam lại có 64 phụ nữ là nạn nhân của bạo hành gia đình. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, theo con số thống kê chưa đầy đủ, đã có hơn 20 phụ nữ thiệt mạng do bạo lực gia đình). Điều này cho thấy nhà làm luật vẫn chưa có sự quan tâm thỏa đáng đối với những đối tượng được Luật Bình đẳng giới bảo vệ, cũng như việc các quy định của pháp luật vẫn chưa được đảm bảo thi hành trên thực tế.
Ngoài ra, Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 (viết tắt Luật PCBLGĐ) có đưa ra một số quy định nhằm góp phần đảm bảo cũng như hỗ trợ việc thi hành Luật Bình đẳng giới, tuy nhiên trong đó còn có một số điều luật chưa thực sự khả thi. Điển hình là quy định tại điểm d khoản 1 Điều 19: “Cấm người có hành vi bạo lực gia đình đến gần nạn nhân”. Tuy nhiên, muốn biện pháp này được áp dụng thì phải đáp ứng đủ điều kiện như: có đơn yêu cầu; mức độ của hành vi bạo lực; người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc (theo quy định tại điều 20, 21 Luật PCBLGĐ). Trong thực tế, quy định này rất khó thực hiện. Bên cạnh đó, liệu quyết định cấm tiếp xúc (đến gần nạn nhân) có được chấp hành hay không, trong khi vẫn chưa có cơ chế đảm bảo thực hiện?
Giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến phụ nữ, trẻ em
Trong lĩnh vực tư pháp, cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa có sự chú trọng đến việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người phụ nữ và trẻ em. Ví dụ như trong giải quyết ly hôn và xử lý hành vi bạo lực đối với phụ nữ. Trong hầu hết các mối quan hệ, phụ nữ và trẻ em luôn là bên yếu thế, cần sự quan tâm đặc biệt. Do đó, khi việc ly hôn xảy ra thì quyền lợi của hai đối tượng này phải được đưa lên hàng đầu. Do đặc thù mối quan hệ giữa con cái với mẹ thường sâu nặng hơn với cha, nên các trường hợp người mẹ không được trực tiếp nuôi con (đặc biệt là con nhỏ) sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của người mẹ, thậm chí có thể dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh về tâm thần. Ngoài ra, việc này còn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ sau này. 
Trẻ em là đối tượng dễ tổn thương do thiếu khả năng thích ứng với thử thách, chưa nhiều trải nghiệm sống, kỹ năng sống. Khi có một sự kiện khủng khiếp tác động một cách bất ngờ thì khả năng trẻ em bị khủng hoảng nghiêm trọng về tâm lý sẽ xảy ra gần như tuyệt đối. Nhưng hiện nay, trong các trường hợp tham gia tố tụng, quyền lợi của trẻ em vẫn chưa được đảm bảo; các biện pháp để bảo vệ lợi ích cũng như phẩm chất của trẻ em còn nhiều hạn chế, đặc biệt là trong các vụ án liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em. Thực tế cho thấy, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng vẫn chưa có sự quan tâm thích đáng, dẫn đến thực trạng tâm lý của trẻ bị tổn thương trầm trọng kéo theo lối sống lệch lạc sau này, một số trường hợp dẫn đến tự sát. Vì lẽ đó, khi tiến hành hoạt động tố tụng cần có các biện pháp để hạn chế sự tiếp xúc của trẻ em với các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của trẻ. Cụ thể là phải giảm thiểu sự tiếp xúc giữa trẻ và bị can, bị cáo trong một giai đoạn của quá trình tố tụng; hạn chế số lần lấy lời khai của trẻ và số phiên xét xử bắt buộc sự có mặt của trẻ; sử dụng các thiết bị ghi hình hoặc màn hình để tạo điều kiện lấy lời khai của trẻ, giúp trẻ không phải trực tiếp đối mặt với bị cáo...

Tin cùng chuyên mục