Nhiều biện pháp kiểm soát điểm nóng giao thông

Để kiểm soát và giảm thiểu các điểm nóng ùn tắc giao thông trên địa bàn TPHCM, thời gian qua, nhiều biện pháp đã được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP lần lượt triển khai.
Nhiều biện pháp kiểm soát điểm nóng giao thông
Bên cạnh các giải pháp đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông đường bộ, việc điều chỉnh - tổ chức lại giao thông cũng là phương cách được ngành GTVT TP chú trọng để giải quyết bài toán đi lại cho người dân; đặc biệt, tại các điểm nóng có nguy cơ ùn tắc giao thông cao.

Xây hầm chui

Điển hình tại nút giao An Sương thuộc địa bàn quận 12. Nút giao An Sương là giao lộ của 2 trục giao thông quan trọng ở cửa ngõ Tây Bắc TP, đó là tuyến quốc lộ 22 và quốc lộ 1. Trong khi quốc lộ 22 giữ vai trò vận chuyển hàng hóa, hành khách từ Tây Ninh và Campuchia về thành phố, nối  vào trục xuyên tâm là đường Trường Chinh thì tuyến quốc lộ 1 có tác dụng vận chuyển hàng hóa, hành khách nối các tỉnh miền Đông với miền Tây Nam bộ.
Chính sự “hội tụ” này đã dẫn tới sự tập trung khối lượng lớn các loại phương tiện lưu thông qua nút giao này và mặc dù hướng giao thông đi thẳng trên quốc lộ 1 hiện đã có cầu vượt qua nút giao, thế nhưng tất cả các hướng giao thông khác đều có khuynh hướng tập trung vào vòng xoay trung tâm, từ đó gây quá tải tại nút giao An Sương. Trên thực tế, hướng giao thông quốc lộ 22 - đường Trường Chinh dẫn về trung tâm TP và ngược lại chiếm lưu lượng xe lớn nhất đổ qua nút giao, gây ùn tắc, ùn ứ giao thông. Giải pháp được chọn sau khi đã xây cầu vượt là xây thêm hầm chui theo hướng đường Trường Chinh - quốc lộ 22 và là hầm chui kép, mỗi hướng giao thông một hầm, hiện nhánh hầm hở trên đường Trường Chinh đang được thi công.

Khu Quản lý giao thông đô thị (KQLGTĐT) số 3 (thuộc Sở GTVT TP) cũng đang chuẩn bị triển khai phần hầm kín, đồng thời với phần hầm hở trên nhánh quốc lộ 22. Trước đó, việc mở rộng, cải tạo tiểu đảo các nhánh của quốc lộ 1 và quốc lộ 22 (hướng đi Tây Ninh và nhánh đường Trường Chinh) đã được thực hiện để dọn đường thi công hầm chui. Theo ông Phạm Ngọc Dũng, Phó giám đốc phụ trách KQLGTĐT số 3, việc tổ chức, sắp xếp lại giao thông cho nút giao này cũng giữ vai trò quan trọng trong suốt quá trình thi công hầm chui. Vì thế, KQLGTĐT số 3 đã tổ chức giao thông phù hợp từng giai đoạn thi công, kết hợp tổ chức hướng dẫn giao thông từ xa để các phương tiện chủ động khi đến gần nút giao.

Trong khi đó, tuyến đường An Dương Vương, đoạn từ đường Tân Hòa Đông đến đường Khiếu Năng Tĩnh (thuộc quận 6) cũng có sự bức xúc giao thông vào các giờ cao điểm bởi mật độ phương tiện tập trung đông trên các tuyến đường An Dương Vương, Tân Hòa Đông, Phan Anh và tỉnh lộ 10. Tại giao lộ Tân Hòa Đông - Phan Anh - An Dương Vương và nút giao An Dương Vương - Bà Hom - tỉnh lộ 10 có tình trạng giao cắt giữa các dòng xe rẽ trái và dòng xe đi thẳng trên đường An Dương Vương.

Thực trạng này khiến tốc độ thoát xe qua nút rất chậm, dòng xe phải dừng chờ kéo dài trên đường An Dương Vương. Để giải quyết điểm nóng này, từ ngày 8-4 vừa qua, phương án được chọn là điều chỉnh cho phép lưu thông 2 chiều đối với xe 2 bánh và 1 chiều đối với ô tô trên đường An Dương Vương, theo hướng từ đường Tân Hòa Đông đến đường Khiếu Năng Tĩnh trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Nhờ đó, an toàn giao thông qua khu vực được cải thiện, kéo giảm dòng phương tiện chờ đợi trên đường An Dương Vương, cũng như tăng tốc độ thoát xe qua giao lộ Tân Hòa Đông - Phan Anh - An Dương Vương và giao lộ An Dương Vương - Bà Hom - tỉnh lộ 10.

Một điểm nóng giao thông khác cũng thuộc quận 6 là trên tuyến đường Đặng Nguyên Cẩn. Tuyến đường này vào giờ cao điểm có mật độ phương tiện tham gia giao thông rất lớn, đặc biệt tại nút giao Tân Hòa Đông - Đặng Nguyên Cẩn. Nhận thấy tuyến đường An Dương Vương rộng 7m nên sẽ cải thiện được tình hình nếu tổ chức lại giao thông và từ ngày 6-5, Sở GTVT điều chỉnh cho phép lưu thông 2 chiều xe 2 bánh nhưng chỉ lưu thông 1 chiều xe ô tô trên đường An Dương Vương, theo hướng từ đường Đặng Nguyên Cẩn đến đường Tân Hóa; cấm ô tô lưu thông theo chiều ngược lại trong khoảng thời gian từ 6 -22 giờ.

Dựng cầu vượt

Cũng có thể nhắc đến điểm nóng tại nút giao vòng xoay Phạm Văn Đồng - Nguyễn Thái Sơn - Bạch Đằng - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Kiệm thuộc địa bàn quận Gò Vấp. Tại nút giao này đang được xây cụm công trình cầu vượt thép hình chữ N và nhánh cầu vượt đầu tiên, nhánh Hoàng Minh Giám - Nguyễn Thái Sơn đã được thông xe hồi đầu tháng 7 vừa qua; tuy nhiên, tình hình giao thông vẫn chưa được cải thiện nhiều vì đây là nút giao đầu mối với lưu lượng xe rất lớn ra vào trung tâm TP và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Việc này chỉ có thể chuyển biến rõ rệt nếu hoàn tất dự án cầu vượt chữ N; đó là hoàn thành nhánh cầu vượt lưu thông từ đường Nguyễn Kiệm sang đường Hoàng Minh Giám và nhánh từ đường Nguyễn Kiệm qua đường Nguyễn Thái Sơn. Vừa qua, Bệnh viện Quân y 175 đã bàn giao mặt bằng để thi công nhánh cầu vượt Nguyễn Kiệm - Hoàng Minh Giám, tuy nhiên vẫn còn vướng vật kiến trúc, hàng rào bảo vệ cũ nên hiện vẫn chưa thi công được nhánh cầu vượt quan trọng này. Trong khi chờ đợi, Sở GTVT đã điều chỉnh tổ chức giao thông 2 chiều cho xe 2 bánh trên đường Nguyễn Kiệm, đoạn từ vòng xoay Nguyễn Thái Sơn đến ngã sáu Gò Vấp và đường Nguyễn Văn Nghi, đoạn từ ngã sáu Gò Vấp đến giao lộ Nguyễn Văn Nghi - Nguyễn Thái Sơn, trở lại lưu thông 2 chiều như trước đây.

Chuyển sang điểm nóng giao thông khác là nút giao Mỹ Thủy thuộc quận 2. Nút giao thông này có vai trò quan trọng trong việc thông thương ra vào cảng Cát Lái, trong khi khu vực cảng này suốt thời gian dài được xác định là điểm… rất nóng, không chỉ trong các giờ cao điểm. Muốn giải quyết căn cơ điểm nóng này cần phải thực hiện đồng thời nhiều biện pháp, cũng như cần có thời gian. Một trong những giải pháp được chọn là triển khai xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy. Giai đoạn 1 của dự án này đã được khởi công từ tháng 6-2016, nhưng nút giao Mỹ Thủy sẽ chỉ phát huy tối ưu công năng nếu có sự phát triển đồng bộ của nhiều hạng mục công trình khác.

Trong chiều hướng này, có thể nhắc đến dự án nâng cấp đường Vành đai phía Đông, đoạn từ nút giao thông Mỹ Thủy đến đường Vành đai 2, hay dự án cầu Ba Cua và dự án nâng cấp đường Nguyễn Thị Định hiện hữu. Nếu được nâng cấp, đường Vành đai phía Đông sẽ giúp tăng từ 2 lên 3 làn xe và có điều kiện để tách làn xe 2 bánh ra khỏi làn ô tô. Trong khi đó, dự án cầu Ba Cua bắc qua rạch Ba Cua cũng có vai trò quan trọng vì nằm trên tuyến đường Vành đai phía Đông. Dự án nâng cấp đường Nguyễn Thị Định, đoạn từ nút giao thông Mỹ Thủy đến phà Cát Lái tuy không phải là dự án lớn nhưng cũng có vai trò đảm bảo giao thông cho tuyến đường huyết mạch của khu vực.

Tin cùng chuyên mục