Nhiều chính sách có hiệu lực từ tháng 8

Nhiều chính sách về lương, thưởng, phụ cấp, trợ cấp, điều kiện kinh doanh, hỗ trợ liên kết nông nghiệp… sẽ có hiệu lực trong tháng 8 này.

Lương của giáo viên dự bị đại học

Theo Thông tư 07/2018/TT - BNV do Bộ Nội vụ ban hành về quy định bổ nhiệm và xếp lương giáo viên dự bị đại học, từ ngày 1-8, viên chức được bổ nhiệm vào các chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học quy định tại Thông tư số 06/2017/TT-BNV và Thông tư số 30/2017/TT-BGDĐT được áp dụng bảng lương tương ứng ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, như sau:

- Chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng I (mã số V.07.07.17) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 (nhóm A2.1), từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.

- Chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng II (mã số V.07.07.18) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 (nhóm A2.2), từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38.

- Chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng III (mã số V.07.07.19) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.

Hỗ trợ với công chức, viên chức Hà Nội

HĐND TP Hà Nội khóa XV, kỳ họp thứ 6 đã thông qua Nghị quyết số 04/2018/NQ - HĐNT quy định về việc ban hành nội dung, mức chi đặc thù thuộc thẩm quyền của HĐND TP Hà Nội.

Theo đó, từ ngày 1-8-2018 đến ngày 31-12-2020, công chức, viên chức chuyên trách về công nghệ thông tin tại Hà Nội sẽ được hỗ trợ 2.780.000 đồng/người/tháng nếu có trình độ đại học trở lên hoặc 2.085.000 đồng/người/tháng nếu có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp.

Nghị quyết 04/2018/NQ - HĐNT cũng nêu rõ, trong thời gian trên, một số khoản chi sẽ được quy định như sau: Chi hỗ trợ ban đầu cho cán bộ bị thương, tai nạn khi đang làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) là 2.000.000 đồng/người; chi hỗ trợ ban đầu cho gia đình cán bộ hy sinh đang làm nhiệm vụ đảm bảo TTATGT là 5.000.000 đồng/người. Bồi dưỡng thành viên của Ban An toàn giao thông thành phố 700.000 đồng/người/tháng.

Chi hoạt động kiểm tra, giám sát về TTATGT là 100.000 đồng/người/ca (4 giờ trở lên); chi bồi dưỡng cán bộ thanh tra giao thông 1.000.000 đồng/người/tháng.

Các điều kiện về kinh doanh khí

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh khí có hiệu lực thi hành từ 1-8, trong đó nêu rõ điều kiện kinh doanh khí với thương nhân xuất nhập khẩu khí qua cầu cảng hoặc đường ống ngoài.

Theo đó, thương nhân muốn sản xuất, chế biến khí cũng cần đáp ứng các điều kiện như doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có bồn chứa khí an toàn, đủ điều kiện về phòng - chữa cháy theo quy định…

Thương nhân kinh doanh mua bán khí qua đường ống còn phải có đường ống vận chuyển khí và trạm cấp khí đáp ứng đầy đủ các điều kiện về an toàn, phòng - chữa cháy theo quy định của pháp luật.

Thương nhân pha chế khí phải có phòng thử nghiệm chất lượng khí hoặc có hợp đồng thuê tối thiểu 1 năm với tổ chức đủ năng lực thử nghiệm các chỉ tiêu theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và phải đăng ký cơ sở pha chế với Bộ Khoa học và Công nghệ.

Nhiều chính sách có hiệu lực từ tháng 8 ảnh 1 Từ 1-8, thương nhân muốn sản xuất, chế biến khí cũng cần đáp ứng các điều kiện như doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật. Ảnh: TTXVN

Mức phụ cấp với cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ

Nghị định 90/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cảnh vệ sẽ có hiệu lực từ ngày 10-8.

Theo đó, cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ được hưởng phụ cấp đặc thù từ 15% đến 30% tính trên mức lương cấp bậc hàm hoặc phụ cấp cấp bậc hàm hiện hưởng ngoài các chế độ phụ cấp khác (nếu có).

- Mức phụ cấp 30% áp dụng đối với cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ: Bảo vệ tiếp cận; bảo vệ khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam; tuần tra, canh gác tại nơi ở, nơi làm việc, khu vực trọng yếu, sự kiện đặc biệt quan trọng; cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, chỉ huy; cán bộ, chiến sĩ không giữ chức vụ có cấp bậc hàm từ trung úy hoặc có mức lương tương đương cấp bậc hàm trung úy trở xuống; chiến sĩ hưởng phụ cấp cấp bậc hàm.

- Mức phụ cấp 25% áp dụng đối với cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ: Lái xe bảo vệ tiếp cận, lái xe nghiệp vụ, dẫn đường, hộ tống; kiểm tra chất nổ, chất cháy, chất phóng xạ hoặc vật nguy hiểm khác, kiểm nghiệm độc chất; tác chiến; trinh sát; thông tin phục vụ công tác bảo vệ; đặc nhiệm; cơ động; cán bộ, chiến sĩ không giữ chức vụ có cấp bậc hàm thượng úy, đại úy hoặc có mức lương tương đương cấp bậc hàm thượng úy, đại úy…

Mức trợ cấp mới cho cán bộ xã già yếu nghỉ việc

Thông tư 08/2018/TT-BNV của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng tới cán bộ xã đã nghỉ việc theo QĐ 130-CP ngày 20-6-1975 của Hội đồng Chính phủ và QĐ 111-HĐBT ngày 13-10-1981 của Hội đồng Bộ trưởng (gọi tắt là cán bộ xã già yếu nghỉ việc) sẽ có hiệu lực từ ngày 15-8.

Theo đó, việc điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã già yếu nghỉ việc theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 88/2018/NĐ-CP ngày 15-6-2018 của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng tăng thêm 6,92% mức trợ cấp hàng tháng trên mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 6-2018.

Tăng mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công

Theo Nghị định 99/2018/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng, có hiệu lực thi hành từ ngày 27-8, mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng được quy định như sau:

- Mức trợ cấp đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945: Diện thoát ly là 1.693.000 đồng; diện không thoát ly 2.874.000 đồng.

- Trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 1 liệt sĩ là 1.515.000 đồng; trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 2 liệt sĩ là 3.030.000 đồng; trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 3 liệt sĩ trở lên là 4.545.000 đồng.

- Về trợ cấp ưu đãi hàng năm được quy định như sau: Liệt sĩ không còn người hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng thì người thờ cúng liệt sĩ được hưởng trợ cấp thờ cúng là 500.000 đồng.

- Trợ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng không hưởng lương hoặc sinh hoạt phí khi đi học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học là 300.000 đồng.

Nhiều hỗ trợ liên kết nông nghiệp

Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có hiệu lực từ ngày 20-8. Đối tượng áp dụng nghị định gồm nông dân, các cá nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp...

Khi liên kết, các đối tượng có thể được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết (tối đa không quá 300 triệu đồng). Nhà nước cũng hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị, xây dựng nhà xưởng, bến bãi phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (tổng hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng).

Ngoài ra, các đối tượng cũng có thể được hỗ trợ về khuyến nông, đào tạo, tập huấn, giống, vật tư… Để được nhận hỗ trợ, các bên tham gia liên kết phải đáp ứng một số điều kiện quy định rõ tại nghị định.

Tin cùng chuyên mục