Nhiều cơ hội đầu tư mới ở Việt Nam

Cơ hội đầu tư từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, mua bán nợ xấu, cơ hội cho ngành tiêu dùng là những vấn đề nóng được các chuyên gia và các nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu và mổ xẻ nhiều nhất tại Hội nghị “Gateway to Vietnam” (Cổng đến Việt Nam) do Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) tổ chức trong 2 ngày 11 và 12-9 tại TPHCM, với sự tham dự của hơn 400 quỹ đầu tư trong và ngoài nước.

Cơ hội đầu tư từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, mua bán nợ xấu, cơ hội cho ngành tiêu dùng là những vấn đề nóng được các chuyên gia và các nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu và mổ xẻ nhiều nhất tại Hội nghị “Gateway to Vietnam” (Cổng đến Việt Nam) do Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) tổ chức trong 2 ngày 11 và 12-9 tại TPHCM, với sự tham dự của hơn 400 quỹ đầu tư trong và ngoài nước.

“Nóng” cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Ông Nguyễn Trọng Dũng, Vụ trưởng Vụ Đổi mới DN (Văn phòng Chính phủ) cho biết, trong 2 năm 2014 - 2015 sẽ cổ phần hóa (CPH) 432 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), trong đó có 1 tập đoàn là Tập đoàn Dệt may; 3 Tổng Công ty 91 là Hàng không, Xi măng và Hàng hải; 54 Tổng Công ty 90 và còn lại là các DN thuộc các bộ ngành địa phương. Cập nhật thông tin mới nhất, ông Nguyễn Trọng Dũng cho biết, tính đến ngày 10-9-2014, có 65 DN đã được Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành phê duyệt chuyển thành công ty cổ phần, trong đó có Tập đoàn Dệt may và Vietnam Airlines.

Ông Nguyễn Trọng Dũng cũng cho biết thêm, sau khi CPH, Vietnam Airlines buộc phải niêm yết ngay trên thị trường chứng khoán để tạo thanh khoản, thu hút đầu tư. Sau đó, chọn thời điểm thích hợp để giảm tỷ lệ phần vốn nhà nước từ 75% còn khoảng 65% vốn điều lệ.

Đánh giá về việc các tập đoàn, tổng công ty lớn sẽ lên sàn chứng khoán Việt Nam trong năm 2014 - 2015, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới sẽ hấp dẫn hơn do có nhiều sản phẩm tốt.

Tuy nhiên, ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ, ông không quan tâm đến con số 432 DNNN sẽ tiến hành CPH trong giai đoạn 2014 - 2015 mà chỉ quan tâm đến khoảng 100 DN là những tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn vì theo ông, đây mới là vấn đề cốt lõi của tiến trình CPH khối DNNN.

Ông Võ Trí Thành cũng nhìn nhận chưa bao giờ ý chí thực hiện CPH DNNN của Chính phủ lại rõ ràng như hiện nay nhưng theo ông, quá trình CPH DNNN còn quá nhiều rào cản và khó khăn trong việc định giá; việc tìm kiếm các đối tác chiến lược cũng không đơn giản; các vấn đề xã hội liên quan… vì khi DNNN CPH sẽ ảnh hưởng đến hàng ngàn, thậm chí hàng vạn lao động và áp lực phải lên sàn niêm yết.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá còn nhiều tiềm năng so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á nên kế hoạch CPH DNNN thu hút sự quan tâm hàng đầu của các quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Các nhà đầu tư nước ngoài nêu yêu cầu, để định giá DN, họ cần có thông tin minh bạch và được tiếp cận DN.

Cần chính sách thu hút nhà đầu tư xử lý nợ xấu

Theo ông Nguyễn Khắc Hải, Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI, hiện nay có rất nhiều cơ hội ở thị trường mua bán nợ tại Việt Nam. Công ty Quản lý Quỹ SSI cũng đã nhận được rất nhiều lời đề nghị từ các tổ chức uy tín ở nước ngoài về việc kết hợp với các đối tác Việt Nam mua bán, đầu tư, giải quyết nợ xấu nhưng vẫn chưa thực hiện được vì vướng mắc về cơ chế.

Hiện chỉ có công ty quản lý tài sản thuộc Ngân hàng Nhà nước (VAMC), công ty quản lý tài sản của Bộ Tài chính và các công ty xử lý tài sản của các ngân hàng (AMC) mới được mua bán nợ.

Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện CIEM cho rằng, đây là thời điểm tốt để Việt Nam mời gọi đầu tư nước ngoài. Theo ông Võ Trí Thành, rủi ro từ nợ xấu là điều cần được đón nhận như là tính tất yếu của sự phát triển và cần có chính sách để nhà đầu tư nhìn vào cảm thấy ổn thỏa. Khi thấy quy định rõ ràng thì họ sẵn sàng vào cuộc để giúp Việt Nam giải quyết vấn đề.

Trong khuôn khổ hội nghị, nói về cơ hội đầu tư tại Việt Nam, đại diện nhà đầu tư nước ngoài, ông George Joseph Ghorra đến từ Công ty Tài chính quốc tế (IFC) cho biết, thời gian qua IFC đã đầu tư 6 quỹ khác nhau trong các công ty quản lý tài sản tại Việt Nam và phần lớn vốn đầu tư vào thị trường tài chính.

Ông George Joseph Ghorra cũng nhấn mạnh, không chỉ đang tích cực đầu tư tại Việt Nam mà IFC sẽ sẵn sàng hỗ trợ đầu tư các nguồn lực tài chính và giúp đỡ các DN và chấp nhận mọi khoản rủi ro. Vị đại diện IFC này cũng cho rằng, so với các thị trường Đông Nam Á, thị trường chứng khoán Việt Nam đang cho lợi nhuận đáng kể. Bên cạnh đó, cơ hội đầu tư vào ngành ngân hàng và cơ hội đầu tư thông qua các phi vụ mua bán sáp nhập (M&A) cũng rất lớn.

HẠNH NHUNG - ĐÌNH LÝ

Tin cùng chuyên mục