Nhiều địa phương “bất lực” với chó thả rông

Liên quan sự việc cả đàn chó hung dữ cắn khiến một cháu bé 7 tuổi ở huyện Kim Động (Hưng Yên) tử vong, trả lời câu hỏi của báo giới vào ngày 5-4, Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) Đàm Xuân Thành cho biết, đến nay vẫn chưa hề có địa phương nào xử phạt, quản lý được tình trạng thả rông chó, mặc dù hệ thống văn bản pháp lý để quản lý đã có. 

Theo ông Thành, hiện nay mới chỉ có TPHCM là thành lập được đội săn bắt chó thả rông, còn tại Hà Nội và một vài địa phương khác thì mới bắt đầu thí điểm làm. Theo quy định thì nuôi chó mà thả rông, không đeo rọ mõm là vi phạm, song nhiều chủ nuôi vẫn không chấp hành. Đáng lo ngại là chó thả rông không chỉ gây nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng người dân, nhất là trẻ em, mà còn là nguyên nhân lây lan, làm phát sinh bệnh dại. Mặc dù hiện đang bắt đầu vào mùa bệnh dại nhưng tỷ lệ tiêm phòng cho chó vẫn còn rất thấp, dẫn đến việc nhiều năm qua vẫn xảy ra tình trạng chó dại cắn người, nhiều người tử vong vì chó dại cắn.

Đề cập tới vụ việc cụ thể tại Hưng Yên, ông Thành cho biết, theo Nghị định 90/2017 (về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y) thì trách nhiệm trước hết thuộc về chủ vật nuôi. Nuôi chó mà không đăng ký, không tiêm phòng, thả chó ra đường nhưng không có chủ đi kèm có thể bị xử phạt hành chính. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự.

Đáng tiếc là cho đến nay, chưa có trường hợp nào bị xử lý hành chính khi để chó thả rông, không rọ mõm, không đăng ký. Về trách nhiệm của lực lượng thú y, ông Thành cho rằng, ngành thú y chỉ có chức năng quản lý về dịch bệnh, tiêm phòng cho đàn vật nuôi, còn việc quản lý chó thả rông thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương. Theo Nghị định 90, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm giám sát đàn chó trên địa bàn, yêu cầu chủ nuôi đăng ký. 

Tin cùng chuyên mục