Nhiều địa phương quan tâm hệ thống TE-FOOD

Sau khi Báo SGGP đăng bài viết “Để giảm thiểu thiệt hại từ dịch tả heo châu Phi: Nên áp dụng  ngay công nghệ cao vào việc xử lý dịch bệnh”, số ra ngày 10-3, đã có nhiều tỉnh thành quan tâm và đề nghị Hội Công nghệ cao TPHCM trình bày giải pháp TE-FOOD quản lý đàn chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh khẩn cấp. 

Cụ thể, ngày 15-3 vừa qua, Sở NN-PTNT và Sở Công thương TP Cần Thơ đã gửi công văn đề nghị Hội Công nghệ cao TPHCM tham dự cuộc họp với lãnh đạo các tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long để phối hợp triển khai hiệu quả kế hoạch số 45 của UBND TP Cần Thơ về ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả heo, không chỉ riêng Cần Thơ mà cần có sự phối hợp đồng bộ của cả khu vực. Hiện dịch tả đang tiếp tục lan rộng nhưng chưa có vắc xin phòng dịch, do đó, việc xây dựng, vận hành phần mềm hệ thống quản lý đàn chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh của cả vùng là rất cần thiết và cấp bách. 

Trước đó, Sở NN-PTNT và các sở ngành chức năng của tỉnh Đồng Nai cũng có buổi làm việc với Hội Công nghệ cao TPHCM về hệ thống TE-FOOD. Qua thảo luận, các bên nhất trí ủng hộ việc triển khai đưa hệ thống TE-FOOD vào quản lý đàn chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh khẩn cấp. Trên cơ sở này, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận chủ trương cho phép Hội Công nghệ cao TPHCM lập kế hoạch triển khai các bước thực hiện hệ thống TE-FOOD trên địa bàn tỉnh. 

TS Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TPHCM, cho rằng dịch bệnh thì chưa có thuốc điều trị, nhưng chúng ta có thể phát hiện ổ dịch bệnh rất nhanh, kiểm soát được khâu vận chuyển và phương tiện vận chuyển; cơ sở giết mổ, phân phối nhằm hạn chế mức độ lây lan, khoanh vùng dịch, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất thông qua việc ứng dụng các công nghệ 4.0.

Cũng theo TS Đào Hà Trung, việc áp dụng hệ thống TE-FOOD sẽ vô cùng thuận lợi, không chỉ tại TPHCM mà còn cho tất cả các tỉnh cung cấp heo cho TP. “Trên cơ sở đang vận hành phần “Truy xuất nguồn gốc” với 19 tỉnh,  chắc chắn chúng ta sẽ làm tốt hơn việc phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, hệ thống không tự giải quyết được vấn đề mà cần sự tham gia hỗ trợ tích cực của cơ quan chức năng và  báo đài, cùng sự hợp tác của người chăn nuôi trong thời điểm này. Chúng tôi kỳ vọng được là đơn vị cung cấp công cụ hỗ trợ các cơ quan chức năng trong quản lý bệnh dịch, giảm thiểu thiệt hại cho người dân”, TS Đào Hà Trung cho hay. 

Trước tình hình dịch tả heo châu Phi đang lây lan trên diện rộng tại các tỉnh, thành trên cả nước, các đơn vị chức năng đã khuyến cáo người dân nên chọn mua thịt heo tại các điểm bán có uy tín và truy xuất được nguồn gốc để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Tin cùng chuyên mục