Nhiều giải pháp bình ổn giá hàng tết

Từ đầu năm đến nay, chỉ số giá nhóm thực phẩm trên địa bàn TPHCM giảm 2,08%, chủ yếu do tác động của một số mặt hàng trong chương trình bình ổn thị trường. 
Với điều kiện thuận lợi này, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết sẽ giữ ổn định giá bán trong tháng trước và tháng sau tết (từ ngày 15-1 đến 15-3-2018). Đồng thời, thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận tết đối với các mặt hàng thiết yếu.
Nhiều giải pháp bình ổn giá hàng tết ảnh 1 Các nhà bán lẻ liên tục thực hiện giảm giá, khuyến mãi dịp cuối năm
 Chỉ số thực phẩm giảm

Theo Sở Công thương TPHCM, trong năm 2017, chỉ số giá nhiều nhóm thực phẩm trên địa bàn giảm như thịt gia súc (giảm 8,54% - 10,54%), thịt gia cầm (0,24% - 3,39%), trứng gia cầm (1,55% - 6,08%), thủy sản tươi sống (0,75% - 7,6%), trái cây các loại (0,03% - 3,74%), đường các loại (0,77%)... và các mặt hàng còn lại có chỉ số giá tương đối ổn định. Đây là cơ sở thuận lợi để TPHCM triển khai các chương trình bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và chuẩn bị nguồn hàng Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Đồng thời, theo dõi tình hình giá cả hàng hóa và biến động thị trường trong những tháng cuối năm. 

Theo đại diện Sở Công thương TPHCM, đơn vị này đã có kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị tốt nguồn nguyên vật liệu đáp ứng sản xuất, buôn bán phục vụ nhu cầu người dân vào dịp tết. Trong đó, chú trọng triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả của chương trình bình ổn, tăng cường kiểm tra thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đẩy giá; hàng gian, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng đưa vào thị trường tết. Nhất là với các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm, vui chơi tết của người dân. 
 
Năm nay, Tết Dương lịch và Tết Âm lịch cách nhau 1,5 tháng, thời gian nghỉ tết dự kiến khoảng 7 ngày nên các đơn vị sản xuất, kinh doanh dự đoán thời gian cao điểm mua sắm hàng tết sẽ tăng đột biến từ đầu tháng 2-2018. Ngay từ tháng 10-2017, nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch hàng tết năm nay, với sản lượng tăng 10% - 30% so với Tết Nguyên đán 2017. Trong đó, Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) dự kiến sẽ cung ứng ra thị trường trên 3.000 tấn thịt heo và bò tươi sống, tăng 30%; trên 3.500 tấn thực phẩm chế biến các loại, tăng 15%. Công ty Sài Gòn Food cũng chuẩn bị hơn 800 tấn hàng thành phẩm, với mục tiêu doanh số thị trường nội địa năm 2018 tăng trưởng 2,5 lần.

TPHCM nhiều năm qua đã có kinh nghiệm và triển khai tốt công tác chuẩn bị hàng tết và bình ổn thị trường, nhưng đồng chí Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, vẫn nhắc nhở, đây là nhiệm vụ quan trọng nên không được chủ quan. Các sở, ngành cần khẩn trương triển khai kế hoạch đã được thành phố thông qua và bám sát tình hình sản xuất, kinh doanh những mặt hàng thiết yếu mà người dân có nhu cầu mua sắm cao trong những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. đồng chí Lê Văn Khoa, giao Sở Công thương chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành trên địa bàn thành phố đảm bảo triển khai tốt các mục tiêu đã đề ra trong kế hoạch, góp phần mang lại không khí tết ấm no, sum vầy cho người dân; giao Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM phải tập trung thực hiện các giải pháp truyền thông và tuyên truyền về sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trong thời điểm tết.  

Phát triển điểm bán

Hiện TPHCM có 239 chợ, gồm: 3 chợ đầu mối, 14 chợ loại 1, 54 chợ loại 2, 168 chợ loại 3 và chợ tạm. Mạng lưới chợ đã từng bước được sắp xếp, phân bố phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân ở từng khu vực; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia tổ chức quản lý, sắp xếp lại ngành hàng để phát huy công năng sử dụng. Các chợ bán buôn chuyên ngành và 3 chợ đầu mối phát huy hiệu quả điều phối nguồn hàng, ổn định giá cả thị trường, định hướng sản xuất theo hướng văn minh, an toàn, hiệu quả.

Riêng hệ thống phân phối hiện đại trên địa bàn TPHCM đến nay đã phát triển khoảng 210 siêu thị, tăng 18 siêu thị so với đầu năm; 43 trung tâm thương mại (tăng 3 trung tâm); 1.100 cửa hàng tiện lợi (tăng 218 cửa hàng). Trong đó, các thương hiệu dẫn đầu về phát triển mạng lưới bán lẻ có thể kể đến là Co.opFood, SatraFoods, Vissan, Foodcomart, Shop & Go, Circle K, Family mart, Cocomart… Tổng số điểm bán của 4 chương trình bình ổn giá đã đạt đến hơn 10.600 điểm, tăng 1.397 điểm bán so với năm 2016.
 
Nhằm đảm bảo đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng, góp phần ổn định thị trường, từ nay đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường dự kiến phát triển thêm 221 điểm bán trên địa bàn TPHCM. Trong đó, Thành đoàn TPHCM sẽ thực hiện tăng tần suất chuyến bán hàng lưu động, cũng như tổ chức các phiên chợ hàng Việt, phiên chợ Thanh niên, phiên chợ Thanh niên công nhân... phục vụ đối tượng công nhân và người lao động tại các khu chế xuất - khu công nghiệp.

Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM cho biết sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền vận động hội viên tham gia bán hàng bình ổn thị trường, phát triển điểm bán tại chợ truyền thống; phối hợp với Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Sài Gòn Co.op) phát triển cửa hàng liên kết… Đặc biệt, tăng cường nguồn hàng cung ứng vào chợ truyền thống; tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát nguồn hàng đầu vào để đảm bảo an toàn thực phẩm, tiểu thương kinh doanh niêm yết và bán đúng giá quy định.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, dự báo thị trường tết tại TPHCM sẽ có thêm nhiều hàng hóa đặc sản của các địa phương, lượng hàng dồi dào, ổn định, chất lượng cao, giá cả hợp lý thông qua các hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM đang tăng tốc mở rộng thị phần và mạng lưới phân phối. Trong tháng cận Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, nhằm kích thích mua sắm tiêu dùng, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố sẽ thực hiện hơn 1.500 đợt khuyến mại, tập trung vào các mặt hàng tết như nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo... với giá trị khoảng 1.200 tỷ đồng. Riêng doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cùng các hệ thống phân phối đã xây dựng kế hoạch khuyến mãi, giảm giá sâu đồng loạt nhiều mặt hàng vào các ngày cận tết. Song song đó, các hệ thống phân phối lớn như Sài Gòn Co.op, Satra, Aeon - Citimart, BigC cũng tổ chức nhiều chương trình khuyến mại giảm giá từ 5% - 49% đối với hàng ngàn mặt hàng.
Không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá
Đánh giá công tác bình ổn giá cả thị trường trong những tháng cuối năm 2017 và dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, bà Nguyễn Huỳnh Trang cho biết, từ nay đến tết, TPHCM sẽ tăng cường kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá. Đây là năm thứ 3 các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá trong 2 tháng trước và sau tết (từ ngày 15-1 đến 15-3-2018); đồng thời giảm giá sâu trong 2 ngày cận tết đối với các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm...

Tin cùng chuyên mục