Nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC đã lạc hậu

Ngày 16-8, phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã bế mạc. Trước đó, UBTVQH đã tiến hành giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014 - 2018.

Theo báo cáo từ đoàn giám sát của UBTVQH tại phiên họp, mặc dù hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn phục vụ công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC đã được ban hành, song nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn không còn đáp ứng với sự tiến bộ của khoa học, công nghệ cũng như sự phát triển của kinh tế - xã hội. Một số công trình mới xuất hiện tại Việt Nam có tính chất đặc thù vẫn chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC (điển hình như các tòa nhà chung cư cao trên 75m, nhà công năng khác cao trên 50m, trung tâm thương mại ngầm, nhà máy lọc hóa dầu, công nghiệp khí đốt, kho ngầm bảo quản xăng dầu, cơ sở bảo quản chế biến LPG bằng công nghệ lạnh...), phải vận dụng, căn cứ vào các tiêu chuẩn nước ngoài. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc vận dụng, áp dụng các tiêu chuẩn của nước ngoài cũng làm nảy sinh không ít khó khăn, do hệ thống cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật của Việt Nam và các quốc gia chưa đồng bộ, tương ứng. 

Đặc biệt, hiện nay cả nước vẫn còn tới 2.662 công trình đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC. Trong số này, tính đến tháng 7-2018, có 110 công trình chung cư, nhà cao tầng. Trong khi đó, trang thiết bị, lực lượng PCCC nhìn chung vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Báo cáo cung cấp thông tin: số xe chữa cháy đã sử dụng lâu, trên 20 năm chiếm khoảng 29,6%; số lượng xe chất lượng kém, hư hỏng chiếm tới 23,5%. Việc trang bị xe thang, xe chuyên dùng phục vụ chữa cháy, xe phục vụ công tác cứu nạn cứu hộ còn thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Hiện mới có 90/392 đội chữa cháy được trang bị xe thang, 61/392 đội đã được trang bị xe cứu nạn cứu hộ. 

Nhấn mạnh đến yêu cầu đáp ứng đủ trang thiết bị về PCCC, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh băn khoăn: “Việc sử dụng trực thăng chữa cháy tiến hành thế nào? Khi xảy ra cháy gây chết người thì trách nhiệm thuộc về ai ?”. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nêu thực tế, hầu hết người dân ở chung cư khi xảy ra cháy chỉ biết “tẩu vi thượng sách”, vì các tòa nhà không được thiết kế PCCC tốt, không có đầy đủ trang thiết bị chữa cháy, mặc dù công tác chữa cháy tại chỗ là hết sức quan trọng. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, hiện nay chưa có thang chữa cháy nào “với” lên hết các tòa nhà cao tầng, trong khi sử dụng trực thăng để chữa cháy chưa hiệu quả do không phải loại chuyên dụng; do vậy đầu tư cho công tác PCCC tại chỗ là bắt buộc, trong khi nhiều nơi nhận thức chưa đúng, vẫn chỉ coi là khoản chi “hỗ trợ”. 

Xã hội hóa công tác PCCC, cứu nạn cứu hộ là một kiến nghị đáng lưu ý khác của nhiều thành viên UBTVQH tại phiên họp, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn hạn chế. Chủ nhiệm Ủy ban Văn háo, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề xuất: “Nên cân nhắc quy định cho phép khu vực tư nhân tổ chức dịch vụ cứu nạn cứu hộ, PCCC”. Mặt khác, theo ông, cũng cần có cơ chế buộc người gây ra cháy do lỗi chủ quan phải chịu trách nhiệm vật chất.

Tin cùng chuyên mục