Nhiều rào cản trong nghiên cứu khoa học ở các trường đại học

Nhóm nghiên cứu (NNC) được xem như là “tổ ấm” để thu hút các nhà khoa học cùng tham gia hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học ở các trường đại học (ĐH). 

Hiện cả nước có 945 NNC, đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, số lượng công bố quốc tế trong 5 năm qua. Tuy nhiên, việc thành lập các NNC chủ yếu do các trường tự quyết định và chưa hề có hành lang pháp lý về tiêu chuẩn NNC phải như thế nào, đầu tư ra sao cho hiệu quả.

Đòn bẩy từ NNC

Theo khảo sát của GS Nguyễn Đình Đức (ĐH Quốc gia Hà Nội) tiến hành trên 216 cán bộ và 264 nghiên cứu sinh của 40 trường ĐH trên phạm vi cả nước, tác động tích cực của NNC đều rất cao.

Cụ thể, NNC góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ thông qua đào tạo nghiên cứu sinh, công bố quốc tế, tăng chất lượng và số lượng TS, PGS, GS của đơn vị đạt mức 4,31/5 (mức đánh giá tối đa là 5); tăng cường số lượng và chất lượng công bố khoa học, phát minh sáng chế của đơn vị đạt mức 4,3/5; nâng cao chất lượng luận án TS đạt 4,27/5.

Nhiều rào cản trong nghiên cứu khoa học ở các trường đại học ảnh 1 Nhóm nghiên cứu vật liệu MOF của Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử (ĐH Quốc gia TPHCM) đang làm việc tại phòng thí nghiệm
Bên cạnh đó, đóng góp lớn nhất của NNC trong 5 năm qua là đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, số lượng công bố quốc tế. Giai đoạn 2011-2015, toàn Việt Nam chỉ có 10.034 bài báo quốc tế, nhưng từ năm 2017 đến tháng 6-2018, chỉ riêng các công bố của 30 trường ĐH hàng đầu của Việt Nam đã có đến 10.515 bài.

Sự gia tăng công bố quốc tế cũng tỷ lệ thuận với gia tăng các NNC ở các trường ĐH. 80% các nghiên cứu sinh trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ (của các trường ĐH tốp trên) nhờ trưởng thành từ các NNC nên khi bảo vệ luận án TS đều đã có bài báo trên ISI; 65,3% các giảng viên tham gia NNC được khảo sát đều có công bố quốc tế trên ISI/SCPUS.

Cũng từ kết quả khảo sát trên đã chỉ ra những bất cập đang tồn tại: Có đến 37,5% giảng viên chưa có công bố quốc tế ISI/Scopus; chỉ có 44,4% các NNC là do các GS, PGS dẫn dắt (số cán bộ trưởng NNC đa phần là non trẻ, ít kinh nghiệm); 55% cho rằng kinh phí và nguồn lực cho đề tài còn thấp và cấp chậm; 2,2% trả lời không có nhu cầu tham gia NNC, 15,7% chưa rõ lợi ích tham gia NNC.

Bên cạnh đó, thiết bị đầu tư cho nghiên cứu không có, hoặc rất thiếu, không đồng bộ. Ngoài ra, chưa có những chính sách để hỗ trợ và thúc đẩy hình thành các NNC trong các trường ĐH, hoặc nếu có cũng rất ít, chỉ vài ba chục triệu đồng/năm...

Đầu tư không thể cào bằng

Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, hiện nay chúng ta đang lãng phí rất lớn về đầu tư công cho nghiên cứu khoa học. Nhiều phòng thí nghiệm, nhất là những phòng thí nghiệm trọng điểm đầu tư cả triệu USD nhưng mỗi năm chỉ sử dụng có vài lần. Chi phí bảo trì, bảo dưỡng quá lớn rồi để gỉ sét... Do đó, nếu đầu tư phải tính toán đến hiệu suất khai thác, phối hợp sử dụng giữa các cơ sở đào tạo; không nên đầu tư theo kiểu “trường này có thì trường kia cũng phải có”.

Từ kết quả khảo sát và kinh nghiệm thực tế gần 10 năm làm trưởng NNC, GS Nguyễn Đình Đức kiến nghị: “Thực tế cho thấy các NNC thuộc các lĩnh vực khác nhau cần có những chính sách khác nhau. Ví dụ, với NNC về khoa học tự nhiên, công nghệ - kỹ thuật thì trang thiết bị phục vụ nghiên cứu là cực kỳ quan trọng. Do đó, các chính sách đầu tư phải hợp lý chứ không thể cào bằng dẫn đến lãng phí, hiệu quả không cao. Có thể chia NNC thành 3 loại cơ bản là NNC cấp trường, NNC mạnh cấp quốc gia, NNC quốc tế. Từ đó sẽ đưa ra những chính sách đầu tư và yêu cầu chuẩn đầu ra cho phù hợp với từng NNC”. 

Nhấn mạnh về việc công bố quốc tế của Việt Nam hiện nay chỉ ở tầm trung khu vực, GS-TS Trần Đại Lâm, Viện Kỹ thuật nhiệt đới, cho rằng việc thành lập các NNC mạnh - với hạt nhân là những nhà khoa học uy tín - rất cần thiết. Để có trường ĐH đẳng cấp quốc tế, trung tâm nghiên cứu xuất sắc, nghiên cứu cơ bản - ứng dụng có hàm lượng khoa học cao, đạt chuẩn quốc tế thì phải có những chính sách phát triển khoa học đồng bộ, cần tạo cơ chế đặc biệt cho NNC mạnh.

Đồng tình với những kiến nghị của đại diện các trường, NNC, PGS-TS Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế là khẳng định danh tiếng, đẳng cấp của một trường ĐH.

“Thế nhưng, chúng ta cũng chỉ nằm tốp giữa của khu vực, trên 90% nguồn thu của các trường là học phí. Trong khi đó, khi trao đổi và đi thực tế, tôi biết doanh thu từ nghiên cứu khoa học của Trường ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc) lên đến 900 triệu USD/năm, ĐH Quốc gia Hàn Quốc từ 300 - 400 triệu USD/năm. Nghiên cứu khoa học của các trường ĐH Việt Nam tuy nhiều tiềm năng để phát triển, nhưng thực tế còn quá non kém vì nhiều rào cản. Ở các nước, doanh nghiệp gắn chặt với các trường, các ý tưởng, sáng chế, phát minh đều xuất phát từ trường ĐH và sau đó triển khai ứng dụng, thành lập doanh nghiệp”, PGS-TS Nguyễn Văn Phúc nói.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, hành lang pháp lý cho NNC và NNC mạnh hiện nay chưa có, mà chủ yếu do các trường tự xây dựng. Trong khi phải có hành lang pháp lý rõ ràng thì mới tạo được cơ chế thúc đẩy phát triển các NNC mạnh; có cơ chế tốt thì mới thu hút các nhà khoa học, chuyên gia quốc tế làm việc, phát huy năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học. Từ đó, công bố quốc tế sẽ được đẩy mạnh và vị thế các trường ĐH Việt Nam được khẳng định.

Vấn đề này, nếu chỉ một mình Bộ GD-ĐT gỡ khó thì chưa đủ, mà cần phải có sự thay đổi từ các bộ ngành khác như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính; thay đổi, bổ sung Luật Đầu tư công, Luật Tài sản công, các luật về thuế…

Trong 2 ngày 22 và 25-4, tại TPHCM và Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo Xây dựng và phát triển NNC mạnh, chính sách đầu tư phòng thí nghiệm gắn với chương trình nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. Hội thảo thu hút các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ hơn 100 trường ĐH trên cả nước trao đổi, thảo luận và góp ý để Bộ GD-ĐT xây dựng các cơ chế, chính sách.

Trên cơ sở đó, Bộ GD-ĐT đề xuất xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục ĐH sửa đổi, tạo cơ sở thúc đẩy hoạt động chung của các cơ sở giáo dục ĐH, trong đó có hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ. 

Tin cùng chuyên mục