Nhiều trẻ em chờ ghép tạng vì vướng luật

Kỹ thuật ghép tạng cho trẻ em ở Việt Nam được triển khai từ năm 2004, tuy nhiên đến nay số trẻ được ghép tạng vẫn còn rất ít so với nhu cầu. Nguyên nhân được các chuyên gia y tế chỉ ra là sự khan hiếm nguồn tạng được hiến tặng, sâu xa hơn là do các quy định của luật pháp vẫn chưa thực sự phù hợp với thực tế.
Nhiều bệnh nhi chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Nhi đồng 2
Nhiều bệnh nhi chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Nhi đồng 2

Xếp hàng chờ ghép tạng

Ròng rã 7 năm qua, bé Nguyễn Văn Minh (14 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng) bỏ ngang việc học hành để chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2. Chị Mai Thị Hiền (mẹ bé Minh) kể, từ lúc 1 tuổi, Minh có dấu hiệu xanh xao, ốm yếu, xuống ký nên gia đình đưa xuống TPHCM khám bệnh và phát hiện bé bị suy thận, suy giáp bẩm sinh. Điều trị đến 7 tuổi thì Minh chính thức chuyển sang giai đoạn suy thận mạn, phải chạy thận nhân tạo để duy trì sự sống, với 3 lần chạy thận nhân tạo mỗi tuần. Chị Hiền phải bỏ nhà cửa, nương rẫy xuống TPHCM để nuôi con. Tương tự, em Tô Cẩm Lụa (14 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau) cũng đã phải đón 6 cái tết trong BV Nhi đồng 2 để chạy thận. Tuần 3 lần, Lụa phải đến BV để các bác sĩ gắn thiết bị lọc máu vào tay. Lắm lúc, Lụa đau đến ứa nước mắt nhưng vẫn phải chịu đựng bởi đây là phương thức duy nhất để giữ sự sống. Chị Chung Thị Kim Tiên (mẹ bé Lụa) cho hay, hai vợ chồng chị đã nhiều lần xin hiến thận để ghép cho con nhưng bản thân đều mắc các bệnh lý về gan, tiết niệu nên các bác sĩ từ chối. 

Tại Khoa Thận - Nội tiết BV Nhi đồng 2 lúc nào cũng đông đúc bệnh nhi và người nhà chờ đến lượt chạy thận. Bác sĩ Hoàng Ngọc Quý, Trưởng đơn vị Thận nhân tạo BV Nhi đồng 2, cho biết hiện đơn vị này đang điều trị chạy thận nhân tạo cho 40 bệnh nhi suy thận mạn giai đoạn cuối. Ngoài chạy thận nhân tạo, bệnh nhi phải phối hợp điều trị nội khoa, sử dụng thuốc để kiểm soát huyết áp, bổ sung canxi, thuốc tạo máu… Đây là bệnh lý mạn tính, quá trình điều trị bắt buộc phải lâu dài và liên tục. Trung bình mỗi tuần, các em phải được lọc máu 3 lần, mỗi lần 4 giờ. Cùng với suy thận, đa số trẻ em mắc các biến chứng khác như cao huyết áp, suy tim… cần được ghép thận sớm. Tuy nhiên, hiện nay nguồn thận hiến để ghép cho trẻ em rất hiếm. “Nhiều bố mẹ sẵn sàng hiến thận để ghép cho con nhưng rất tiếc là sức khỏe không đảm bảo, không thể lấy tạng. Nếu không được ghép thận thì những đứa trẻ này phải sống nhờ vào máy lọc thận”, bác sĩ Quý cho hay.

Cần điều chỉnh luật về hiến tạng 

Nói về tình trạng khan hiếm nguồn tạng hiến, bác sĩ Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc BV Nhi đồng 2, cho biết từ năm 2004, BV Nhi đồng 2 đã tiên phong trong việc ghép tạng cho trẻ em tại khu vực phía Nam. Thế nhưng, đến nay BV chỉ thực hiện được 16 ca ghép thận và 12 ca ghép gan. Đây là con số vô cùng ít ỏi so với nhu cầu thực tế. “Nguyên nhân là số lượng tạng được hiến tặng quá ít. 28 ca ghép tạng tại BV Nhi đồng 2 đều do người lớn trong gia đình hiến tặng. Không có nguồn tạng hiến chính là rào cản khiến nhiều bệnh nhi mắc bệnh nặng không được ghép tạng, phải sống lay lắt hàng ngày”, bác sĩ Tùng cho hay. 

Giáo sư Trần Đông A, cố vấn Đơn vị ghép tạng BV Nhi đồng 2, cho biết, Điều 5 của Luật Hiến, lấy, ghép mô và bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác ghi rõ “Cấm trẻ em dưới 18 tuổi không được hiến tạng”. Điều này hoàn toàn phù hợp bởi cơ thể của trẻ em đang trên đà phát triển, nếu thiếu bất kỳ bộ phận tạng nào sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, luật lại chưa phù hợp thực tế khi không tận dụng được nguồn tạng của trẻ em chết não. Cụ thể hơn, Giáo sư Trần Đông A đưa ra trường hợp của bé Hải An (7 tuổi, Hà Nội) - người đã hiến tặng 2 giác mạc của mình để ghép cho 2 người khác hồi tháng 2 vừa qua. Tuy gia đình bé Hải An có ý nguyện hiến tất cả tạng sau khi bé qua đời nhưng do vướng luật nên những bộ phận đó không được sử dụng. “Thật sự rất lãng phí khi không tận dụng được nguồn tạng hiến này trong khi có rất nhiều em bé đang mòn mỏi chờ được ghép tạng ở khắp các bệnh viện trong cả nước”, Giáo sư Trần Đông A nhìn nhận.

Cũng theo Giáo sư Trần Đông A, cùng với trẻ suy thận mạn thì hiện nay có hàng trăm trẻ mắc bệnh lý teo đường mật bẩm sinh đang chờ được ghép gan. Hiện trung bình mỗi tuần, BV Nhi đồng 2 tiến hành 3-4 ca phẫu thuật kasai cho bệnh nhi mắc căn bệnh này. Tuy nhiên, phẫu thuật kasai chỉ là giải pháp tạm thời (cứu trẻ khỏi tử vong trong vòng 9-15 tháng), về lâu dài các em phải được ghép gan thì mới hy vọng bảo tồn được sự sống.

Giáo sư Trần Đông A kiến nghị, đã đến lúc cần phải sửa lại các quy định để phù hợp với thực tế. Điều 34 Luật Hiến, lấy, ghép mô và bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định, ưu tiên ghép tạng cho trẻ em nhưng sự ưu tiên này mới chỉ dừng lại ở văn bản, trên thực tế thì trẻ em tại Việt Nam vẫn chưa được ưu tiên trong vấn đề ghép tạng. Ở các nước, luật của họ luôn ưu tiên cho ghép tạng trẻ em. Cụ thể tại Mỹ, mỗi năm có hơn 3.000 ca ghép tạng và họ luôn ưu tiên cho trẻ em, chính vì thế danh sách chờ ghép ở người lớn ngày một nhiều hơn nhưng ở trẻ em thì ngày càng giảm đi. Chỉ cần điều chỉnh một chi tiết nhỏ nhưng vô cùng quan trọng sẽ khiến Luật Hiến, lấy, ghép mô và bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác trở nên có ý nghĩa nhân văn rất lớn và mở ra hy vọng sống cho nhiều trẻ em đang mòn mỏi chờ ghép tạng.

Tin cùng chuyên mục