Nhiều trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp

TPHCM thời gian qua được biết đến như là “cái nôi” của khởi nghiệp khi đây là địa phương có cộng đồng khởi nghiệp nhiều nhất cả nước với hơn 800 startup. 
Nhiều trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ảnh 1 Không gian khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (SIHUB) - nơi hỗ trợ tốt các hoạt động khởi nghiệp tại TPHCM. Ảnh: TẤN BA
TPHCM thời gian qua được biết đến như là “cái nôi” của khởi nghiệp khi đây là địa phương có cộng đồng khởi nghiệp (startup) nhiều nhất cả nước với hơn 800 startup (chiếm tỷ lệ 42% tổng số startup cả nước), sự đa dạng trong mô hình, cách thức hỗ trợ cùng nhiều chính sách pháp luật khuyến khích phong trào khởi nghiệp. Tuy nhiên trong lĩnh vực này, thành phố cũng có cách làm rất riêng.
Đa dạng hình thức hỗ trợ
Thông tin từ Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao (SHTP-IC) trực thuộc Khu Công nghệ cao TPHCM cho biết, từ 2014 đến nay SHTP-IC đã ươm tạo 38 dự án, trong đó có 22 dự án đã thương mại hóa sản phẩm thành công; đã “tốt nghiệp” cho 9 dự án xuất sắc. Năm 2017, tổng doanh thu của các dự án ươm tạo là 41,4 tỷ đồng. Một số dự án ươm tạo không chỉ cung cấp sản phẩm cho thị trường nội địa mà còn xuất khẩu như Acis, Gremsy, Vexere. Tại SHTP-IC ngoài các hoạt động ươm tạo công nghệ cho doanh nghiệp còn giúp các doanh nghiệp và dự án được tham gia những hoạt động như xác lập quyền sở hữu trí tuệ, nghiên cứu thị trường, hoàn thiện sản phẩm mẫu, tham gia hội chợ - triển lãm, kết nối chương trình trợ vốn, quỹ đầu tư mạo hiểm. Theo ông Lê Thành Nguyên, Giám đốc SHTP-IC, đó là tín hiệu tích cực của một mô hình ươm tạo doanh nghiệp công nghệ công lập.
Ngay từ năm 2007, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) TPHCM cũng đã triển khai chương trình thử nghiệm vườn ươm doanh nghiệp công nghệ. Sở đã hợp tác và hỗ trợ Trường Đại học Nông Lâm, Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TPHCM, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao và các đơn vị có liên quan hình thành 3 mô hình vườn ươm doanh nghiệp công nghệ với các hệ thống hỗ trợ tư vấn, kỹ thuật và dịch vụ đi kèm. Hướng đi này đặt một nền móng để ra đời hàng loạt trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp dành cho những đối tượng chuyên biệt gần đây. Nhiều trường đại học trên địa bàn TPHCM đã thành lập những trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp dành cho học sinh, sinh viên. Song song đó là các trung tâm ươm tạo tư nhân như Vườn ươm doanh nghiệp phần mềm Quang Trung (SBI), FPT Ventures. 
Nhờ sự đa dạng về loại hình vườn ươm, nên khi có nhu cầu về vốn cho mô hình khởi nghiệp, tìm đối tác cùng triển khai dự án hay quảng bá dự án, các startup dễ dàng tìm được những địa chỉ hỗ trợ phù hợp. 
Hướng đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Để thúc đẩy khởi nghiệp, TPHCM đã ban hành nhiều chính sách như Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo (ĐMST), nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016 - 2020, Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020…
Các cơ chế, chính sách này nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo sức bật cho cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp và bước đầu cho những kết quả khả quan. Tuy nhiên, theo đánh giá chung của Sở KH-CN TPHCM, đa số startup trên địa bàn TP được đầu tư mới ở giai đoạn hạt giống, quy mô nhỏ, khả năng tăng trưởng đột phá không cao. Lực lượng này cần có sự hỗ trợ đặc biệt từ Nhà nước, các mô hình hợp tác công tư và những đóng góp tích cực từ các thành phần khác nhau trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Song, một thực tế là ở các cơ sở ươm tạo công lập do những đặc thù về cơ chế, chính sách, tính chất hoạt động nên chưa đủ sức hấp dẫn các nhà tài trợ. Ngược lại, các cơ sở ươm tạo tư nhân có kết quả ươm tạo khá tốt, tỷ lệ doanh nghiệp tốt nghiệp trên 60%, cao hơn so với cơ sở ươm tạo nhà nước. Về lâu dài, mô hình trung tâm ươm tạo hợp tác công-tư là xu hướng phù hợp cho TP. 
Thêm nữa, các chuyên gia cũng cho rằng TPHCM cần tập trung thúc đẩy và khuyến khích khởi nghiệp ĐMST. Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TP, cho rằng không riêng Sở KH-CN, mà các tổ chức ươm tạo khác cần khuyến thích, hỗ trợ kịp thời các bạn trẻ, học sinh, sinh viên nghiên cứu và thực hiện khởi nghiệp ĐMST vì đây là những đối tượng rất tiềm năng. “Khi hỗ trợ các cá nhân hoặc doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, phát triển công nghệ ĐMST và áp dụng vào các hoạt động kinh doanh sản xuất cũng chính là đang giúp cải thiện cuộc sống cho người dân và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế”, ông Nguyễn Việt Dũng nhận định.
Đến năm 2020, TPHCM đặt mục tiêu hỗ trợ cho 2.000 dự án, mô hình doanh nghiệp KN-ĐMST. Trong đó, TP tiếp tục hỗ trợ hình thành các không gian hoạt động KN-ĐMST theo hình thức là hợp tác công tư; triển khai đề án liên kết nguồn lực thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về các phòng thí nghiệm, năng lực nghiên cứu, các tổ chức khoa học quốc gia; xây dựng những quy định về nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất các tổ chức KH-CN có sự đầu tư của Nhà nước; xây dựng và đẩy mạnh các chương trình mục tiêu trong các lĩnh vực quan trọng như đô thị thông minh, vi mạch, tế bào gốc…

Tin cùng chuyên mục