Nhiều vấn đề giáo dục cần lấy ý kiến

Mới đây, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT phối hợp với Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam vừa tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Xin ý kiến 2 phương án

Theo Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Đức Cường, một số chính sách mới đáng chú ý của dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) liên quan đến nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên tiểu học, giáo viên THCS, giảng viên đại học, thạc sĩ; học phí học sinh, sinh viên sư phạm; chế độ cử tuyển; chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập; nâng chuẩn trình độ đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm…

Các vấn đề nổi bật mà Bộ GD-ĐT cần xin ý kiến các chuyên gia cũng như xin ý kiến nhân dân rộng rãi, gồm quy định về triết lý giáo dục (TLGD), học phí, chính sách học phí sư phạm, phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp…

Trong đó, về quy định TLGD, Bộ GD-ĐT cho hay, Luật Giáo dục hiện hành không có điều luật nào có tên là TLGD, việc này có thể dẫn đến cách hiểu nhầm rằng Việt Nam chưa có TLGD. Hiện nay, quy định về TLGD được thể hiện chủ yếu tại 2 điều luật của Luật Giáo dục 2005 (Điều 2: Mục tiêu của giáo dục; Điều 3: Tính chất, nguyên lý giáo dục).

Bộ GD-ĐT cho rằng, TLGD có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược đổi mới, phát triển GD-ĐT ở nước ta. Nhưng cũng như các nước khác trên thế giới, ở Việt Nam cũng có nhiều quan điểm khác nhau về TLGD, cho nên dễ dẫn đến những tranh luận về TLGD.

Trong khi đó, Điều 2 và Điều 3 của Luật Giáo dục 2005 chưa thể hiện đầy đủ quan điểm, đường lối của Đảng trong Nghị quyết số 29-TW/NQ (cũng thể hiện tư tưởng TLGD Việt Nam) về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT ở Việt Nam và tinh thần của Điều 61 Hiến pháp 2013 về GD-ĐT “phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Do đó, Bộ GD-ĐT có hướng sửa đổi, bổ sung Điều 2 và Điều 3 của Luật Giáo dục 2005 theo hướng thể hiện quan điểm, đường lối đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT của Đảng.

Bộ GD-ĐT xin ý kiến về 2 phương án. Phương án 1: Vẫn thể hiện TLGD tại 2 điều luật có tên gọi như hiện nay, nhưng có sửa đổi bổ sung. Phương án 2: Hợp nhất Điều 2 và Điều 3 thành một điều luật mới là TLGD.

Không nên định danh TLGD?

Thảo luận về điều này, ý kiến nhiều chuyên gia không đồng ý có điều luật về TLGD trong Luật Giáo dục (sửa đổi). Th.S Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam, đề nghị giữ nguyên như phương án 1 nhưng bổ sung thêm để làm rõ và thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết 29.

Trong đó bổ sung thêm một cụm từ có tính nguyên lý, phương pháp tiếp cận giáo dục hiện đại ở Việt Nam, đó là lấy tiếp cận nội dung là chủ đạo sang một nền giáo dục chú trọng dạy phương pháp, kỹ năng trên nền tảng kiến thức chuyên môn cần thiết để phát triển năng lực người học và dạy làm người.

GS-TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam, cũng cho rằng không nên có riêng một điều về TLGD trong luật, mà nên chỉnh sửa lại Điều 2, Điều 3. Đó cũng là quan điểm của ông Nguyễn Vi Khải, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ. Còn ông Nguyễn Bá Lãm, Hiệp hội Các trường đại học - cao đẳng Việt Nam, cho rằng vấn đề TLGD còn chưa có cách hiểu thống nhất và nhiều tranh luận, vì thế không nên đưa thành một điều luật riêng.

Đáng chú ý, dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi cũng nêu vấn đề phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp. Theo đó, dự kiến bổ sung quy định đặc thù về xác định biên chế và cơ chế tuyển dụng giáo viên cho sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm vào các cơ sở giáo dục công lập. Tuy nhiên, vấn đề này cần phải sửa Luật Viên chức, cũng như sửa đổi các quy định về lương và phụ cấp của giáo viên cho phù hợp với ngành giáo dục.

Do vậy, ban soạn thảo đưa 2 phương án xin ý kiến. Phương án 1: Quy định cụ thể trong Luật Giáo dục và sửa Luật Viên chức về biên chế và chế độ tuyển dụng đặc thù đối với giáo viên các cơ sở giáo dục công lập; quy định chế độ lương, phụ cấp đặc thù với giáo viên. Phương án 2: Luật Giáo dục sửa đổi chỉ quy định các nguyên tắc và giao cho Chính phủ quy định cụ thể.

Tin cùng chuyên mục