Nhiều vướng mắc trong kinh doanh bến thủy nội địa

Về hoạt động tại bến thủy nội địa trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và cầu Mống, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM vừa kiến nghị UBND TP giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở GTVT, UBND các quận 1, 3, 4 hướng dẫn nhà đầu tư xây dựng nhà điều hành, nhà chờ, nhà vệ sinh công cộng, khu vực giữ xe của bến thủy nội địa trên bờ theo đúng quy định nhằm bảo đảm mỹ quan, phù hợp với nhu cầu sử dụng, không tác động xấu đến cây xanh, mảng xanh công cộng trong khu vực.

Ở chiều ngược lại, Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn cũng như Công ty TNHH Du thuyền Hoàng Gia Toàn Cầu kiến nghị Sở GTVT TPHCM xem xét, chấp thuận đầu tư xây dựng các hạng mục phụ trợ trên bờ (nhà điều hành, nhà chờ, nhà vệ sinh công cộng, khu vực giữ xe).

Tuy nhiên, theo Sở GTVT, vấn đề là khu vực để xây dựng các công trình trên bờ, phục vụ khách du lịch này đều là đất công thuộc phạm vi hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch. Để sử dụng phần đất này, nhà đầu tư phải thực hiện các thủ tục thuê đất theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện nay, Sở GTVT đang phối hợp với các sở ngành, UBND các quận, huyện xây dựng cơ chế đầu tư, dự kiến trình UBND TPHCM xem xét, ban hành trong quý 4-2019. Do đó, trong giai đoạn từ nay đến khi ban hành cơ chế nêu trên, nhà đầu tư sẽ không thể đầu tư các hạng mục này.

Theo Sở GTVT, bến thủy nội địa trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè do Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn đầu tư, gồm 2 bến: bến gần cầu Thị Nghè (cách cầu Thị Nghè 30m về phía thượng lưu, thuộc phường Đa Kao, quận 1) và bến gần chùa Candaransi (cách chùa Candaransi 150m về phía hạ lưu, thuộc phường 7 quận 3). Giai đoạn 1 của đề án phát triển du lịch đường thủy nội đô trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè do công ty này lập vào tháng 7-2015.

Tuy nhiên hiện nay, tại khu vực bến, một số hạng mục công trình được chủ bến sử dụng không đúng theo mục đích của đề án và chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Cụ thể, khu vực nhà chờ được sử dụng làm nơi kinh doanh giải khát, phục vụ cho cả những người dân không có nhu cầu đi thuyền. Lối lên xuống cầu tàu cũng như phạm vi vỉa hè tiếp giáp lan can kè kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được sử dụng để giữ xe. Khu vực bán hàng lưu niệm để trống hoặc làm nhà kho.

Bến thủy nội địa gần cầu Mống do Công ty TNHH Du thuyền Hoàng Gia Toàn Cầu đã đầu tư cầu dẫn bằng thép kết nối phao nổi, biển báo hiệu, bích neo, đệm va; không có các công trình trên bờ (nhà điều hành, nhà chờ, nhà vệ sinh công cộng, khu vực giữ xe) để phục vụ đưa - rước hành khách du lịch.

Từ năm 2016 đến nay, hoạt động chủ yếu của bến này chỉ là tiếp nhận hành khách rồi di chuyển ngay bằng đường bộ đến các địa điểm khác, do không có chỗ trên bờ để phục vụ du khách dừng chân, thư giãn, vệ sinh trong lúc chờ tàu, cũng như giữ xe dành cho du khách vãng lai. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của bến thủy nội địa cầu Mống (trung bình chỉ tiếp nhận khoảng 230 lượt phương tiện, tương ứng với 1.500 lượt hành khách/tháng).

Tin cùng chuyên mục