Nhiều vướng mắc trong phân loại biệt thự cũ

Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (Thường trực Hội đồng Phân loại biệt thự và Tổ kỹ thuật) vừa báo cáo tình hình phân loại biệt thự cũ trước năm 1975 trên địa bàn TP tính đến cuối tháng 8-2019. 

Cần có thời gian thực hiện

Trên cở sở tiếp nhận đề nghị phân loại biệt thự cũ từ các chủ sở hữu và cơ quan chức năng liên quan, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đã tổng hợp, rà soát và lập hồ sơ phân loại biệt thự cũ.

Theo đó, tổng cộng có 898 biệt thự được đề nghị phân loại biệt thự cũ từ các chủ sở hữu và cơ quan chức năng (UBND TP, các sở ngành và UBND quận, huyện). Trong đó, 780 trường hợp được đề nghị phân loại nhưng chưa đủ điều kiện trình Hội đồng Phân loại biệt thự thẩm định, do chưa có phiếu kiểm kê và phiếu đánh giá do Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc thực hiện và Sở QH-KT thông qua; chưa có ý kiến bằng văn bản về việc kiểm đếm, phân loại của UBND các quận, huyện…

Còn đối với 86 trường hợp đã được thẩm định, có 16 trường hợp thuộc nhóm 1, 49 trường hợp thuộc nhóm 2, 17 trường hợp thuộc nhóm 3 và 4 trường hợp không thuộc đối tượng biệt thự cũ hoặc đã từng là biệt thự cũ nhưng đã “biến mất”. 7 trường hợp được đề nghị xem xét lại kết quả thẩm định và 25 trường hợp đủ điều kiện trình thẩm định. 

Nhiều vướng mắc trong phân loại biệt thự cũ ảnh 1 Một biệt thự tại quận 3, TPHCM. Ảnh: PHAN LÊ
Theo tiêu chí phân nhóm biệt thự cũ do UBND TPHCM ban hành, các biệt thự cũ được phân loại thành 3 nhóm. Nhóm 1 và nhóm 2 cần được bảo tồn theo nguyên tắc giữ nguyên hình dáng kiến trúc bên ngoài, cấu trúc bên trong, mật độ xây dựng, số tầng, độ cao. Nhóm 3 không cần bảo tồn, được phép tháo dỡ khi có nhu cầu đầu tư xây dựng công trình mới.

Theo Viện Nghiên cứu phát triển, trong qua trình phân loại và thẩm định, Hội đồng Phân loại biệt thự và Tổ kỹ thuật gặp một số khó khăn nhất định. Cụ thể, về lĩnh vực chuyên môn, lĩnh vực bảo tồn di sản khá phức tạp, việc phân loại biệt thự rất mới mẻ tại TPHCM nên cần có thời gian để thực hiện. Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng Phân loại biệt thự và Tổ kỹ thuật chỉ làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi cũng như chưa được bố trí kinh phí bổ sung để phục vụ các hoạt động trong năm 2019. 

Ngoài những khó khăn trên, hiện có 2 vướng mắc lớn mà Hội đồng Phân loại biệt thự và Tổ kỹ thuật cần phải được giải quyết. Cụ thể, đối với 780 trường hợp được các chủ sở hữu và các cơ quan chức năng liên quan đề nghị phân loại nhưng chưa đủ điều kiện trình Hội đồng Phân loại biệt thự thẩm định, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đã có các công văn đề nghị Sở QH-KT và UBND các quận, huyện hỗ trợ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy phản hồi từ các cơ quan này. Riêng đối với trường hợp biệt thự cũ chưa được các chủ sở hữu và cơ quan chức năng đề nghị phân loại, hiện trên địa bàn TPHCM còn khá nhiều.

Trong đó, có không ít biệt thự cần bảo tồn (thuộc nhóm 1 và nhóm 2). Để Hội đồng Phân loại biệt thự nắm đầy đủ số lượng và có kế hoạch phân loại các biệt thự cũ, viện cũng đã có công văn đề nghị UBND quận, huyện tiếp tục rà soát danh mục các biệt thự cũ xây dựng trước năm 1975, hạn chế tình trạng bỏ sót. Tuy nhiên, đến nay viện chỉ mới nhận được công văn phản hồi từ UBND các quận, huyện: 11, Bình Thạnh, Thủ Đức và Cần Giờ. 

Ưu tiên phân loại nhóm biệt thự bảo tồn 

Đại diện Viện Nghiên cứu phát triển cho biết, theo kế hoạch phân loại biệt thự cũ từ nay cuối tháng 12-2019, trên cơ sở tiếp tục tiếp nhận phiếu kiểm kê và phiếu đánh giá do Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc thực hiện và được Sở QH-KT thông qua, có ý kiến bằng văn bản về việc kiểm đếm, phân loại của UBND quận, huyện, Viện Nghiên cứu phát triển sẽ lập hồ sơ phân loại biệt thự cũ, trình Hội đồng Phân loại biệt thự thẩm định; ưu tiên các trường hợp biệt thự cũ thuộc nhóm 1 và nhóm 2; các biệt thự cũ được UBND TP và chủ sở hữu đề nghị phân loại. Ngoài việc tiếp nhận đề nghị phân loại biệt thự cũ từ các chủ sở hữu và cơ quan chức năng liên quan, viện sẽ tiếp nhận và rà soát thông tin từ các phương tiện truyền thông, hiệp hội ngành nghề liên quan… để nắm đầy đủ số lượng biệt thự cũ trên địa bàn TP.

Theo thống kê từ Sở QH-KT TPHCM, tính đến cuối năm 2017, TPHCM có khoảng 1.200 hồ sơ khuôn viên biệt thự nguồn gốc trước năm 1975; trong đó, nhiều khuôn viên không còn công trình biệt thự hoặc đã xuống cấp, không còn hình thái biệt thự. Trong các biệt thự cũ, chỉ những căn có giá trị đặc trưng về kiến trúc, có khả năng bảo tồn, khai thác mới được đề xuất giữ lại thuộc nhóm 1 và 2.

Nhằm đảm bảo chất lượng và tiến độ công tác phân loại biệt thự cũ trên địa bàn TP, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM kiến nghị UBND TP và các sở ngành, UBND quận, huyện xem xét phê duyệt kết quả thẩm định hồ sơ phân loại biệt thự đã được Hội đồng Phân loại biệt thự thông qua. Đề nghị Sở QH-KT thực hiện kiểm kê và đánh giá 651 biệt thự cũ và UBND quận, huyện kiểm đếm, phân loại đối với 273 biệt thự cũ. Ngoài ra, viện cũng đề nghị Sở Tài chính hỗ trợ trong việc lập, thẩm định trình UBND TP phê duyệt kinh phí bổ sung phục vụ hoạt động của Hội đồng Phân loại biệt thự và Tổ kỹ thuật trong năm 2019.

Cùng với đó, UBND các quận, huyện cần tiếp tục rà soát để kiểm đếm, phân loại tất cả các biệt thự cũ được xây dựng trước 1975, hạn chế tối đa bỏ sót các biệt thự cũ trên địa bàn; đồng thời bổ sung kết quả kiểm đếm, phân loại cho Sở Xây dựng và Hội đồng Phân loại biệt thự. Tăng cường giám sát trong lĩnh vực quản lý xây dựng đối với các biệt thự cũ thuộc nhóm 1 và nhóm 2.

Tin cùng chuyên mục