Nhìn lại 7 chương trình đột phá - Bài 2: Vấp… “đá tảng”

Kết quả thực hiện 7 chương trình đột phá sau nửa nhiệm kỳ vẫn còn hạn chế, ngổn ngang nhiều đầu việc. Với tiến độ này, nếu thiếu giải pháp đột phá và sự chỉ đạo quyết liệt cho những vấn đề đang đặt ra thì khó có thể mang lại những kết quả như mong muốn; đặc biệt là các giải pháp lối ra cho nguồn vốn đầu tư. 
Dự án chống ngập do triều có tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng đang gặp vướng mắc về thủ tục
Dự án chống ngập do triều có tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng đang gặp vướng mắc về thủ tục
Kẹt vốn 
Vướng mắc chung lớn nhất mà các chương trình đột phá gặp phải là nguồn vốn đầu tư. Ngay cả Chương trình Cải cách hành chính (CCHC), nguồn kinh phí cho hoạt động này cũng gặp khó. Đặc biệt là kinh phí đào tạo, bồi dưỡng công chức, ứng dụng công nghệ thông tin hay đầu tư trang thiết bị làm việc. Trong khi đó, tổng nhu cầu vốn cho Chương trình Giảm ngập giai đoạn 2016-2020 cần gần 96.330 tỷ đồng, nhưng hiện còn khoảng 46.530 tỷ đồng chưa xác định được nguồn.
Tương tự, việc thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị bằng nguồn ngân sách cần 21.520 tỷ đồng để di dời gần 13.840 căn nhà ven và trên kênh rạch, TP rất vất vả nhưng vẫn chưa cân đối được, thì việc xây mới chung cư cũ, nâng cấp chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu… cần vốn hơn gấp nhiều lần càng khiến TP khó khăn hơn. Do đó, TP phải “cựa quậy” bằng cách vận dụng chính sách huy động nhà đầu tư cải tạo chung cư cũ; kêu gọi người dân hiến đất làm đường hoặc đóng góp cùng Nhà nước nâng cấp, cải tạo hẻm. Sở Xây dựng nhận xét, các dự án chỉnh trang đô thị chưa nằm trong danh mục ưu tiên đầu tư. Ngân sách TP cùng lúc cân đối cho các chương trình đột phá như giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập, giảm ô nhiễm. Danh mục đầu tư “xếp hàng” đến nay gần 240 dự án, với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 860.000 tỷ đồng. Trong đó, giao thông là chương trình được ưu tiên nhưng vẫn vấp điểm nghẽn về vốn. Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2018, TP huy động được khoảng 46.630 tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông nhưng chỉ đáp ứng hơn 26% nhu cầu.
Tính cả nhiệm kỳ, dự kiến TP chỉ có thể huy động vốn cho khoảng… 15% nhu cầu. Tại một hội thảo mới đây, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đánh giá, cơ sở hạ tầng giao thông của TP vẫn chưa phát triển kịp để đáp ứng nhu cầu giao thông đô thị. Hiện nay, TP thiếu đường vành đai, đường cao tốc, hệ thống giao thông công cộng liên vùng. Tính chung, mật độ đường mới đạt 1,98km/km², trong khi theo quy chuẩn phải là 10km - 13,3km/km².
Đây là một trong những nguyên nhân chính mà ngành giao thông TPHCM nhận thấy đến cuối nhiệm kỳ khó có thể hoàn thành chỉ tiêu về xây dựng tổng chiều dài làm mới đường, tổng số cầu xây mới. Vì lẽ đó, ngành giao thông đã đề nghị giảm một số chỉ tiêu.
Nhìn lại 7 chương trình đột phá - Bài 2: Vấp… “đá tảng” ảnh 1
 Thiếu cơ chế, chính sách
Một thách thức lớn khác, trong nhiều trường hợp, dù có vốn nhưng nhiều công trình, dự án cũng thực hiện một cách ì ạch. Đơn cử như một đoạn đường Vành đai 2, từ nút giao Gò Dưa đến đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức) đã có nhà đầu tư nhưng hiện vẫn chưa bàn giao hết mặt bằng. Do đó, dự án này khó có thể đảm bảo thời hạn hoàn thành theo Nghị quyết của HĐND TPHCM. Cùng với đó, nhiều công trình khác được bố trí vốn, được thi công một thời gian rồi… đứng hình!
Theo Sở GTVT, việc đầu tư hạ tầng giao thông gặp nhiều trở ngại lớn. Đầu tiên là vốn như đã nêu. Kế đến là ách tắc trong giải phóng mặt bằng, về thủ tục theo Luật Đầu tư công. Nhiều dự án mất nhiều thời gian thực hiện các thủ tục trước khi thu hồi và bàn giao mặt bằng để thi công. Thời gian trung bình kéo dài 14 - 18 tháng, thậm chí 24 - 36 tháng. “TPHCM chưa xây dựng được cơ chế đột phá trong giải phóng mặt bằng. Việc huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông cũng chưa đạt kỳ vọng”, Sở GTVT nhận xét.
Giao thông có vai trò đặc biệt đối với yêu cầu phát triển kinh tế, phát triển đô thị bền vững, đã được khẳng định là “phải đi trước một bước”. Vậy nhưng, kết quả hiện nay cho thấy chương trình này đứng trước các thách thức rất lớn, khó thể đạt được nhiều chỉ tiêu đặt ra từ đầu nhiệm kỳ. Ngành giao thông TPHCM cũng nhận định, với kết quả trong giai đoạn 2016-2018, nếu tiếp tục thực hiện theo phương thức cũ mà không có các giải pháp quyết liệt, đột phá trong thời gian tới thì rất khó thể đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.
Tương tự, Chương trình Giảm ngập nước cũng gặp vướng về thủ tục, cách thức quản lý, triển khai dự án. Điển hình là dự án chống ngập do triều có tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng, lẽ ra hoàn thành từ ngày 30-4-2018 nhưng đến nay chỉ đạt 72% khối lượng và phải dừng thi công. Trong khi đó, việc chống ngập chung lại đang đối diện với nguy cơ hao tốn tiền của nhưng hiệu quả không như mong muốn vì bị sụt lún mặt đất, biến đổi khí hậu. Chẳng hạn, đường Võ Văn Kiệt, đoạn từ cầu Lò Gốm đến nút giao Tân Kiên (dài hơn 4km), vừa được “bổ sung” 120 tỷ đồng nâng mặt đường lên khoảng 0,6m để bù lún, chống ngập. Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, trong bối cảnh khó khăn chung thì một số nội dung chưa thể hoàn thành theo đúng kế hoạch, làm ảnh hưởng đến kết quả chung của cả nhiệm kỳ.

Tin cùng chuyên mục