Nhìn lại 7 chương trình đột phá-Bài 4: Cơ chế đặc thù tạo đòn bẩy cho các chương trình đột phá

Cùng với việc triển khai 7 chương trình đột phá, TPHCM cũng tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP; xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh và hình thành khu đô thị sáng tạo phía Đông. 3 chương trình bổ sung này được cho là sẽ tác động tích cực, tạo đòn bẩy cho 7 chương trình đột phá.

Tháo gỡ vướng mắc
PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, phân tích 7 chương trình đột phá của TPHCM được thiết kế và tiến hành với mục tiêu thúc đẩy quá trình phát triển của TP nhanh, bền vững.
Trong bối cảnh quy mô dân số và mật độ dân số của TP lớn nhất cả nước và tiếp tục tăng hàng năm, các chương trình này tạo dựng một nền tảng quan trọng để giải quyết các thách thức mà TP phải đối mặt như về giao thông, môi trường, ngập nước, giáo dục, y tế…
Theo PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, một đô thị đặc biệt như TPHCM có lực hấp dẫn lớn về nguồn nhân lực. Tuy nhiên, nó cũng là sức ép tạo nên mật độ dân số gấp 15 - 20 lần bình quân cả nước.
Đi kèm đó là các nhu cầu về điện, đường, trường, trạm và các yêu cầu khác ngày càng đa dạng. Giải quyết các vấn đề này không những đòi hỏi mức độ đầu tư lớn hơn trên một đơn vị diện tích, mà còn cần một khung chính sách đặc thù phù hợp với đô thị đặc biệt như TP.
“Nghị quyết 54 của Quốc hội tạo một khung chính sách để thúc đẩy các chương trình đột phá mà TP đang thực hiện”, PGS-TS Huỳnh Thành Đạt nhận xét và dẫn chứng về chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Cụ thể, Nghị quyết về mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học đối với lĩnh vực mà TP có nhu cầu thu hút giai đoạn 2018-2022 được HĐND TP thông qua đã cụ thể hóa Nghị quyết 54.
Nhìn lại 7 chương trình đột phá-Bài 4: Cơ chế đặc thù tạo đòn bẩy cho các chương trình đột phá ảnh 1 Sinh viên học lập trình tự động hóa tại Khu Công nghệ cao TPHCM . Ảnh: CAO THĂNG
Qua đó, một cơ chế, chính sách đặc thù để TP thu hút chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ nhân lực sáng tạo trẻ về công tác trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập của TP đã được thiết kế. Về vấn đề này, Sở Nội vụ cũng khẳng định, các cơ chế, chính sách đặc thù này sẽ tạo đòn bẩy đối với Chương trình Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Tương tự, việc tập trung triển khai thực hiện các nội dung, đề án thực hiện Nghị quyết 54, trong đó có đề án đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền sẽ góp phần tháo gỡ một số tồn tại trong Chương trình Cải cách hành chính (CCHC).
Ở một góc độ khác, TS Trần Anh Tuấn, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (HIDS), đánh giá Nghị quyết 54 còn trao cho TP sự linh hoạt, chủ động hơn trong việc triển khai 7 chương trình đột phá.
Cụ thể, Nghị quyết 54 cho phép TP được quyết định đầu tư một số dự án nhóm A, góp phần đảm bảo một số công trình nhóm A (như đường Vành đai 3 - PV) sớm được thi công, đưa vào sử dụng.
Ngoài ra, TP cũng được nâng mức huy động nguồn lực từ xã hội và chủ động hơn trong việc huy động trái phiếu, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai. Điều này sẽ giúp TP có thêm nhiều nguồn để thực hiện các chương trình đột phá. 
Nâng cao chất lượng phục vụ người dân
Đối với Chương trình CCHC, thời gian qua chương trình có điểm nổi bật là việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân.
Cùng với đó, Sở Nội vụ đánh giá, việc triển khai hiệu quả đề án xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh sẽ có tác động tích cực, giúp các nhiệm vụ của chương trình, kế hoạch đảm bảo tiến độ đã đề ra.
Là người trực tiếp tham gia triển khai đề án, TS Trần Anh Tuấn phân tích trong công tác CCHC, việc ứng dụng khoa học công nghệ thông tin vào quản lý sẽ giúp chất lượng hành chính công, dịch vụ công ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. 
Hiện nay, UBND TPHCM đang triển khai đề án nói trên thông qua việc xây dựng 4 trung tâm. Trong đó, trung tâm dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở là một nhiệm vụ trọng tâm.
PGS-TS Huỳnh Thành Đạt nhận xét, việc hoàn thành tốt nhiệm vụ này có tác động quan trọng đến các chương trình đột phá. Ví dụ trong lĩnh vực giao thông, việc tích hợp thông tin giao thông giữa các cơ quan chức năng cùng với dữ liệu của các chủ phương tiện tham gia lưu thông sẽ giúp nâng cao khả năng quản lý, giảm tai nạn, tránh ùn tắc (như giám sát tình hình giao thông, nắm bắt tình hình để điều chỉnh thời gian của đèn tín hiệu, xử phạt các vi phạm giao thông…).
Mặt khác, việc này cũng tạo ra các tiện ích giúp người dân và doanh nghiệp tham gia giao thông một cách hiệu quả, ít tốn kém nhất, thông qua việc lựa chọn lộ trình di chuyển phù hợp, chọn phương tiện hợp lý, theo dõi các hoạt động liên quan đến các diễn tiến trên đường di chuyển.
TS Trần Anh Tuấn cũng cho rằng, việc quản lý một đô thị lớn như TPHCM có nhiều vấn đề phức tạp, phát sinh khó lường. Do đó, để thực hiện thành công 7 chương trình đột phá, nghĩa là giải quyết những bất cập hiện nay, thì đòi hỏi nguồn lực, thời gian và phải có những giải pháp căn cơ.
“Đề án xây dựng đô thị thông minh tạo được dữ liệu cơ bản đầu vào để việc phân tích, dự báo được chính xác hơn”,  TS Trần Anh Tuấn nhận xét và khẳng định điều này giúp chính quyền TP đưa ra các quyết sách đúng đắn, kịp thời.
PGS-TS Huỳnh Thành Đạt nhận xét, thời gian qua, 7 chương trình đột phá đã đạt được một số kết quả nhất định như cải thiện chỉ số CCHC của TP; mạng lưới cơ sở đào tạo nâng cao về chất lượng, nhiều cơ sở, ngành học đã đạt chuẩn kiểm định chất lượng của quốc gia và khu vực. Tương tự, các con số thống kê cho thấy sự chuyển dịch của nền kinh tế thiên về đổi mới, sáng tạo. Những chỉ số này là thước đo sự hiệu quả của các chương trình đang thực hiện, cũng như chỉ dấu thể hiện các tác động tích cực đến đời sống dân sinh.
Song, những hình ảnh trong đời sống hàng ngày là kẹt xe, ngập nước vẫn còn nhức nhối. Thủ tục hành chính còn bị than phiền, đâu đó các giấy phép đang làm “nản lòng” các ý tưởng kinh doanh sáng tạo. Tương tự, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các dự án quan trọng như xây dựng TP thông minh, đô thị sáng tạo vẫn là một sự trăn trở.

Tin cùng chuyên mục