Ai cho phép bán rác thải y tế?

Đọc bài “Hầu hết bệnh viện ở Hà Nội đều bán rác thải” đăng trên trang 2 báo SGGP số ra ngày 29-8, tôi thật sự bị “choáng” trước những thông tin mà báo nêu. Từ năm 2002 đến nay, Bệnh viện Việt-Đức đã bán cho riêng bà Triệu Thị Quý, ở thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội… gần 300 tấn rác thải y tế!. Thử hỏi, với một người mà đã mua gần 300 tấn rác thải của một bệnh viện thì với những người mua rác thải y tế khác ở gần 20 bệnh viện thì sẽ có bao nhiêu tấn rác thải độc hại đưa vào tái sản xuất?. Lo ngại hơn, trong số rác thải y tế đó, có rất nhiều xi-lanh của người bị nhiễm HIV, của những người bị bệnh lao. Theo một Phó Giám đốc BV Việt- Đức: “Để nấu nhựa làm đồ dùng sinh hoạt phải cần nhiệt độ đến 300oC và muốn tiêu diệt những loại vi trùng, vi khuẩn gây bệnh thì phải cần tới từ 1.000-1.200oC”. Vậy mà hàng trăm tấn rác thải không qua xử lý đã được tung ra thị trường!?. Theo một xét nghiệm khoa học, nếu không xử lý rác thải thì mỗi một gram bệnh phẩm sẽ truyền… 11 tỷ vi khuẩn gây bệnh ra ngoài!

Qua những con số trên, là người dân, chúng tôi không khỏi lo lắng cho sức khỏe cộng đồng, phải chăng đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho ngày càng nhiều người bị ung thư và các loại bệnh tật khác? Lẽ ra, đội ngũ y bác sĩ tại BV Việt-Đức hơn ai hết, phải biết rõ mối nguy hiểm của rác thải y tế và khi được tái sử dụng mà chưa qua khử trùng, diệt khuẩn, thế nhưng, chỉ vì 6.000 đồng/kg rác gây quỹ cho Công đoàn mà họ sẵn sàng bán rẻ sức khỏe và tính mạng cộng đồng. Rõ ràng, đây là một việc làm đáng lên án. Theo chúng tôi, ngành Công an không thể chỉ dừng lại ở mức phạt quá nhẹ 20 triệu đồng, mà cần phải khởi tố vụ án và xử lý nghiêm những người có liên quan trong việc bán rác thải tại BV Việt-Đức và tại nhiều BV khác ở Hà Nội. Chúng tôi đề nghị ngành Công an cần nhanh chóng vào cuộc điều tra rõ nguyên nhân, hậu quả, tìm đầy đủ nhân chứng, vật chứng trong qua trình bán rác thải y tế để xử lý nghiêm những người có liên quan. 

MINH YẾN

Tin cùng chuyên mục