Chủ dự án lừa đảo đất ở quận Gò Vấp

Có thể bị truy cứu hình sự

Có thể bị truy cứu hình sự

Báo SGGP số ra ngày 13-8 và 27-9-2008 có các bài viết “Dang dở các dự án phân lô hộ lẻ”, “Đề nghị khởi tố vụ án lừa bán đất” phản ánh một số chủ dự án có dấu hiệu lừa đảo trong việc thực hiện phân lô hộ lẻ ở quận Gò Vấp sai quy hoạch khiến hơn 20.000 hộ dân không cấp được giấy tờ nhà đất và nhiều gia đình có nguy cơ phải tháo dỡ nhà vì xây dựng trên đất công. Để giúp bạn đọc biết thêm thông tin về hướng xử lý đối với các dự án vi phạm này, Báo SGGP đã trao đổi với ông Nguyễn Hồng, Phó Chủ tịch UBND Q.Gò Vấp TPHCM.

Có thể bị truy cứu hình sự ảnh 1

Khu dân cư ở phường 8 quận Gò Vấp đã hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng nhưng không được cấp giấy tờ nhà vì xây dựng sai quy hoạch đã phê duyệt.

- PV: Thưa ông, đến thời điểm này UBND quận Gò Vấp đã xử lý những vi phạm mà Báo SGGP phản ánh như thế nào?

Ông NGUYỄN HỒNG: Hiện có 124 dự án đất phân lô hộ lẻ, trong đó có 47 dự án tự phát, 17 dự án có nguồn gốc đất quốc phòng và 60 dự án có thỏa thuận quy hoạch. Tất cả các dự án này đều có sai phạm. Hơn 1 năm qua, quận đã quyết tâm xử lý 60 dự án đất có thỏa thuận quy hoạch.

Tuy nhiên, đến thời điểm này mới có 6 dự án được UBND quận ra quyết định khắc phục và phê duyệt đề cương kiểm định đánh giá chất lượng công trình; 22 dự án có quyết định khắc phục nhưng chủ đầu tư chưa lập đề cương kiểm định; 29 dự án chưa ban hành quyết định khắc phục và đã có 2 dự án đã được khắc phục hoàn chỉnh.

Đó là dự án của ông Trương Đức Thông ở phường 17 và Nguyễn Văn Dương ở phường 12. Hai dự án này có diện tích lớn, mức độ sai phạm tương đối nặng nhưng chủ đầu tư đã sớm khắc phục sai phạm. Cụ thể, ông Dương đã khắc phục và bàn giao 646m² đất cây xanh tập trung, 2.758m² đất ranh giới giải tỏa kênh Tham Lương cho chính quyền, và đã xây dựng xong hệ thống hạ tầng như lòng đường, vỉa hè, cống thoát nước. Còn ông Thông đã bàn giao 7.732m² đất cây xanh, 1.208m² thuộc hành lang rạch Bà Miên và làm xong hạ tầng gồm lòng đường, vỉa hè, cống thoát nước. Hệ thống hạ tầng của 2 dự án này được UBND quận, chủ đầu tư và đơn vị giám sát thiết kế ký quyết định nghiệm thu. Kết quả là những hộ dân nằm trong 2 dự án này đã được làm thủ tục để cấp giấy tờ nhà đất.

- Đâu là bài học, kinh nghiệm khi xử lý, khắc phục các dự án sai phạm?

Quan điểm của UBND quận là đặt quyền lợi của người dân lên hàng đầu để từ đó đưa ra biện pháp khắc phục khả thi nhất. Cán bộ quận đã xuống làm việc với từng chủ đầu tư, làm rõ từng dự án để đưa ra phương án xử lý thích hợp, theo phương thức chính quyền, chủ đầu tư và người dân cùng thực hiện. Đối với những sai phạm nhỏ như xây nhà lấn đường, khuôn viên cây xanh thì chủ đầu tư và người dân phối hợp tháo dỡ phần vi phạm. Đối với mức độ sai phạm lớn hơn thì chủ đầu tư phải mua lại đất, nhà của dân để hoàn trả lại phần đất đã bị lấn chiếm.

Còn những dự án quy hoạch bị phá vỡ nghiêm trọng, khó phục hồi thì chủ đầu tư phải mua đất nơi khác, có cùng diện tích để giao cho chính quyền xây dựng công trình công cộng, khu cây xanh. Với cách giải quyết linh hoạt này nhiều chủ dự án đã khắc phục được những sai phạm. Như trường hợp bà Hàng Ngọc Điểu chủ dự án ở phường 6 do đã bán đất đường, cây xanh nên phải bù lại một mảnh đất rộng 1.362m2 tại phường 15 để quận xây dựng khu cây xanh tập trung.

- Còn đối với những chủ dự án chây lì, lừa đảo thì quận xử lý như thế nào?

Không riêng dự án ở phường 14 mà Báo SGGP đã phản ánh, chủ trương của UBND quận là đối với những chủ đầu tư lừa đảo hoặc cố tình chây lì chậm khắc phục sai phạm sẽ được chuyển cho các cơ quan bảo vệ pháp luật để làm rõ và có thể truy cứu hình sự. Dự án của ông Đoàn Xuân Ký ở phường 17 cũng được Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (Công an TPHCM) đang tiến hành làm việc.

Hiện nay, UBND quận chủ động đề xuất và phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra để sớm đưa những chủ đầu tư có sai phạm nặng ra truy tố trước pháp luật, nhằm đẩy nhanh tiến độ khắc phục dự án và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân.

Trần Yên

Tin cùng chuyên mục