Về phương án thu phí lưu hành xe

Có thể hạn chế ùn tắc giao thông

Có thể hạn chế ùn tắc giao thông

Thành phố Hồ Chí Minh đang phải đương đầu với nạn ùn tắc giao thông ngày một nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người dân. Việc đóng phí lưu hành xe gắn máy là một trong các nhóm giải pháp chống ùn tắc giao thông mà theo tôi, có tính khả thi cao nhằm hạn chế số lượng xe cá nhân đang ngày một phát triển với tốc độ chóng mặt.

Tôi rất mừng vì sau nhiều năm “thai nghén” nay phương án đóng phí lưu hành xe gắn máy đã có “hình hài” cụ thể. Theo đề xuất mới đây của cơ quan chức năng, dự kiến tiền phí lưu hành mỗi xe máy là 500 ngàn đồng/năm, đối với ô tô dưới 7 chỗ là 10 triệu đồng/năm.

Để tránh quá tải, việc thu phí lưu hành xe sẽ giao về cho cán bộ phường, xã và biên lai nộp phí được quy định như một loại giấy tờ bắt buộc kèm với giấy đăng ký xe khi thực hiện kiểm tra giấy tờ xe; các trường hợp không nộp phí sẽ bị xử phạt…

Có thể hạn chế ùn tắc giao thông ảnh 1

Thu phí lưu hành và tăng mức nộp phạt xe máy sẽ phần nào giảm nạn kẹt xe. Ảnh: HOÀNG ANH THƯ

Hiện thành phố có khoảng 3,56 triệu xe gắn máy và 360.000 xe ô tô, chưa kể khoảng 700.000 xe gắn máy và 60.000 xe ô tô từ các tỉnh khác lưu thông ở thành phố.

Bình quân mỗi năm thành phố có trên 400.000 mô tô, xe gắn máy được đăng ký mới. Nếu áp dụng thu phí lưu hành cho các loại xe nêu trên, tính sơ, mỗi năm ngân sách thành phố sẽ có thêm 6.530 tỷ đồng.

Với số tiền này, mỗi năm chúng ta có thể phóng, mở thêm nhiều tuyến đường mới, phát triển thêm xe buýt, xe điện ngầm...

Như vậy, thời điểm hiện nay việc tăng các loại phí lưu hành xe có ý nghĩa quan trọng vì nó sẽ làm cho ngân sách thành phố dồi dào, đủ mạnh để giải quyết nạn ùn tắc và tai nạn giao thông.

Cùng với việc thu phí lưu hành xe, thành phố cũng kiến nghị tăng gần gấp đôi so với mức hiện hành về lệ phí đăng ký xe mới (phí trước bạ), điều chỉnh nâng mức thu phí đậu ô tô.

Mức xử phạt vi phạm giao thông cũng sẽ được điều chỉnh khá lớn, tăng gấp 10 đến 50 lần, như ô tô quay xe không đúng quy định; dừng, đỗ xe gây ùn tắc giao thông; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; đi vào đường cấm... tăng mức phạt từ 100.000 đồng lên 5 triệu đồng. Xe máy không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu giao thông, đi vào đường cấm, dàn hàng ngang sẽ bị tăng mức phạt từ 80.000 đồng lên 1 triệu đồng.

Các hành vi chiếm dụng hè phố, lòng đường gây cản trở giao thông, tăng mức phạt từ 50.000 đồng lên 500.000 đồng… Tôi tin rằng với mức phí và mức phạt này, nếu được áp dụng sớm, thành phố sẽ rút ngắn được thời gian giải quyết vấn đề ùn tắc và tai nạn giao thông.

Uy Dũng
(P.11, Q.Tân Bình, TPHCM)

  • Chỉ là một trong những giải pháp

Hàng ngày, tôi đưa đón con đi học và đi làm đều bằng xe gắn máy, vì vậy khi đọc tin trên báo cho biết việc UBND TPHCM đề xuất Bộ Tài chính đề án thu phí lưu hành xe, tôi không khỏi băn khoăn… Nếu vì mục đích chống kẹt xe thì việc thu phí xe gắn máy vào thời điểm này mới chỉ là một trong những giải pháp, vì trước đó thành phố đã có tới 8 giải pháp chống kẹt xe nhưng đến nay đều bất lực! Để chống kẹt xe, theo tôi không chỉ là vấn đề thu phí mà là chuyện mở đường, chống ngập. Đáng nói, những người đi xe máy chủ yếu là công chức nhà nước và dân lao động nghèo… nếu thu phí đối tượng này chỉ làm tăng thêm gánh năïng cuộc sống cho họ mà thôi.

Chuyện thu phí cầu đường không phải là việc làm mới mà thành phố đã từng thu phí ở nhiều tuyến đường xây dựng hoành tráng. Tại những con đường này, người dân được đi lại dễ dàng nên khi thu phí ai cũng vui vẻ chấp nhận. Còn hiện nay, hàng ngày người dân phải đối mặt với nạn kẹt xe, ngập nước mà yêu cầu họ nộp phí thì quả là khó thuyết phục.

Theo tôi, để chống kẹt xe và tiến tới giảm lượng xe máy, trước hết thành phố nên chỉ đạo các đơn vị thi công khẩn trương hoàn tất các công trình đào đường để sớm trả lại lòng đường thông thoáng cho người lưu thông; xử phạt nặng những chủ phương tiện phóng nhanh, vượt ẩu, vi phạm Luật Giao thông; nên giảm nhập khẩu xe gắn máy, đẩy nhanh tiến độ xây dựng xe điện ngầm, đường trên cao đồng thời tăng thêm lượng xe buýt, xe bốn bánh loại nhỏ và các loại xe đưa rước công nhân, học sinh, sinh viên… để đảm bảo phương tiện lưu thông cho mọi người.

Thiết nghĩ, khi những phương tiện giao thông đáp ứng được yêu cầu đi lại thuận lợi cho tất cả mọi người thì không cần phải có biện pháp chế tài nào người dân cũng bỏ dần phương tiện xe gắn máy, đi lại bằng những phương tiện khác tiện ích hơn, góp phần đem lại trật tự giao thông cho thành phố.

Mai Khanh
(Quận 12, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục