Vùng nuôi tôm công nghiệp thành nơi… nuôi dê

Vùng nuôi tôm công nghiệp thành nơi… nuôi dê

Dự án “Vùng nuôi tôm công nghiệp Cam Ranh” được lập với mục đích tạo ra nguồn tôm nguyên liệu đảm bảo chất lượng, ổn định cho chế biến xuất khẩu của địa phương và cả nước, tạo công ăn việc làm cho người dân… Thế nhưng, đã 7 năm trôi qua, dự án này không mang lại hiệu quả; dân trong vùng dự án phải lao đao vì không có đầm, đìa canh tác trong khi đất dự án đang biến thành... bãi chăn thả dê.

  • Bàn giao... khi xuống cấp
Vùng nuôi tôm công nghiệp thành nơi… nuôi dê ảnh 1
Trạm bơm được xây kiên cố nhưng không hoạt động và đang xuống cấp

Với vị trí giáp biển, lại có nhiều bãi bồi tự nhiên nên xã Cam Thịnh Đông (thị xã Cam Ranh, Khánh Hòa) rất thuận lợi cho việc nuôi tôm công nghiệp (CN), vì thế, tháng 7-2000, nơi đây đã được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt dự án “Vùng nuôi tôm CN Cam Ranh” bằng nguồn vốn của Bộ Thủy sản (nay là Bộ NN-PTNT).

 Theo hồ sơ, dự án nuôi tôm CN ở đây được xây dựng ở hai khu vực, với tổng kinh phí gần 40 tỷ đồng, trên diện tích 160ha ở thôn Mỹ Thanh, xã Cam Thịnh Đông. Năm 2001, dự án được triển khai trên diện tích 75ha, với kinh phí trên 17 tỷ đồng chia làm 5 gói thầu và dự án được thực thi trong 3 năm (2000-2002).

Thiết kế khu công nghiệp này bao gồm các hạng mục như: Xây dựng hệ thống 44 hồ nuôi với 44 cống thoát nước, một trạm bơm nước ngọt, hệ thống đường ống dẫn nước ngọt, ao chứa, đê bao, kênh cấp nước… Cuối năm 2003, tất cả 4/5 gói thầu đầu tiên được hoàn thành. Riêng chỉ còn lại gói thầu số 5 là chưa thi công.

Để kịp tiến độ, ngày 6-11-2003, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt kết quả đấu thầu xây lắp gói thầu số 5 do Công ty TNHH Khánh Phương (Nha Trang) trúng thầu thi công, với các hạng mục: Trạm bơm nước ngọt và đường ống dẫn nước ngọt (đường ống dẫn bằng thép), với kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Theo hợp đồng, gói thầu này sẽ hoàn chỉnh và bàn giao cho chủ đầu tư vào đầu năm 2004, tuy nhiên mãi đến năm 2007 đơn vị này mới hoàn thành.

Giải thích nguyên nhân, ông Trần Văn Ớt, Phó phòng Kinh tế thị xã Cam Ranh, cho rằng: “Do giá cả thép vào thời điểm thi công quá cao, đơn vị này làm văn bản xin chuyển đổi ống thép sang ống gang (giá ống gang chỉ bằng một nửa so với ống thép) nên chúng tôi phải mất một thời gian làm thủ tục xin tỉnh; hơn nữa, việc đặt trạm bơm nước ngọt lại nằm trên địa phận tỉnh Ninh Thuận nên khó khăn về thủ tục xin đặt trạm”. Dù bất cứ lý do gì đi chăng nữa, việc công trình chỉ có kế hoạch được thi công trong vòng 70 ngày nhưng nó đã kéo lê gần 4 năm trời mới bàn giao là điều khó chấp nhận. Khi bàn giao xong gói thầu số 5, thì cũng chính là lúc các hạng mục khác đã bị xuống cấp nghiêm trọng.

  • Dân hứng thiệt thòi

Đến khu vực dự án nuôi tôm công nghiệp Cam Thịnh Đông, hình ảnh đầu tiên chúng tôi bắt gặp được ở những công trình hàng chục tỷ đồng này là sự xuống cấp của trạm bơm nước. Những ao tôm lớn, nhỏ được bao chắn bằng bê tông hóa rất hoành tráng nay đã trở thành... bãi chăn thả dê của một số người dân. Thậm chí, nhà điều hành có khuôn viên rộng thênh thang của BQL khu công nghiệp này lập ra cũng chỉ để ngắm; và hơn hết là công trình này chưa một lần đi vào hoạt động.

Anh Đỗ Mạnh Hùng, người có hơn 10 năm canh tác tại khu vực này, cho biết: “Gia đình tôi có 6 sào nuôi tôm, sau ngày có dự án, chúng tôi phải bàn giao mặt bằng lại cho thị xã xây dựng KCN và được nhận số tiền đền bù là 13 triệu đồng và chờ ngày được vào dự án nuôi tôm. Thế nhưng, 7 năm qua gia đình tôi và các hộ dân nơi đây phải chờ đỏ mắt mà không thấy dự án triển khai.

Do không có việc làm nên 5 thành viên của gia đình tôi phải trở về quê cũ (Bình Định) làm thuê”. Không có việc làm, anh Hùng chỉ biết bám trụ lại đây, tận dụng những ao hồ còn nước đọng trong khu dự án để nuôi cá rô phi kiếm sống qua ngày. Về vấn đề này, ông Ngô Quang Phúc, Trưởng thôn Mỹ Thanh, xã Cam Thịnh Đông, phản ánh: “Trước khi dự án được đầu tư bà con phấn khởi lắm nhưng hiện nay dự án vẫn chưa được triển khai nên nhiều nông dân khu vực bị giải tỏa sống rất khó khăn, nhiều gia đình phải rời làng tìm kế mưu sinh khác khi diện tích nuôi trồng thủy sản có nhưng bỏ hoang”.

Để khắc phục tình trạng bỏ hoang này, ngày 26-9-2007, UBND thị xã Cam Ranh đã có công văn số 3271/UBND trình UBND tỉnh Khánh Hòa xin thành lập công ty cổ phần (CTCP) do Công ty TNHH Thông Thuận, trụ sở đóng ở thị xã Cam Ranh, làm chủ đầu tư để quản lý KCN này. Như vậy, từ một dự án có số vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng, lại có hẳn hoi BQL như đã đệ trình phê duyệt nay sắp “biến” thành CTCP. Hơn thế, trong điều lệ mà Công ty TNHH Thông Thuận trình duyệt, chẳng thấy điều khoản nào nói rõ lợi ích của người dân như mục đích của dự án này đã “hứa” như lúc đầu?.

Văn Ngọc

Tin cùng chuyên mục