Giải quyết nạn ùn tắc giao thông bắt đầu từ đâu

Quy hoạch đô thị phải gắn liền với tỷ lệ dân số

Những năm gần đây, lượng dân nhập cư từ các tỉnh, thành trong cả nước đổ về TPHCM ngày càng đông khiến hệ thống cơ sở hạ tầng (CSHT) lâm cảnh… quá tải. Có thể thấy rõ vào những dịp lễ, tết khi những người dân nhập cư về quê thì đường sá ở TP rất thông thoáng. Khi hết tết, họ trở lại làm việc, buôn bán thì TP lại tái diễn cảnh đông đúc, ngột ngạt.

Vẫn biết dân nhập cư đã đóng góp nguồn nhân công lao động không nhỏ cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội của TPHCM, nhưng với đà tăng dân số cơ học đến chóng mặt như hiện nay thì cần xem xét lại việc nhập hộ khẩu vào TP.

Bởi lẽ, trước ngày giải phóng, hệ thống CSHT chỉ đáp ứng nhu cầu cho khoảng 3 triệu dân, nhưng nay nó phải oằn mình gánh tới gần 10 triệu dân! Chính vì thế, tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra thường ngày trên địa bàn TP là điều khó tránh khỏi. Dù TPHCM đang gánh chịu sự quá tải về lượng người và xe, nhưng dân nhập cư vẫn đang tiếp tục đổ về TP.

Đó là chưa kể, trong số hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp đại học hàng năm, có rất ít người trở về quê cũ làm việc. Ngoài ra số lao động thất nghiệp ở các vùng nông thôn cũng tìm đường về TP kiếm sống bằng đủ thứ nghề. Đáng nói là kể từ ngày 1-7-2007, khi TPHCM thực hiện Luật Cư trú thì làn sóng dân nhập cư tăng rõ rệt. Kết quả, TP đã giải quyết cho 318.000 người nhập hộ khẩu vào TP; 960.000 người tạm trú và tiếp nhận thông báo lưu trú cho hơn 1,6 triệu người khác…

Như vậy, chỉ trong vòng một năm thực hiện Luật Cư trú đã có gần 3 triệu người nhập hộ khẩu vào TP. Với đà tăng dân số cơ học như hiện nay thì đến năm 2010 không biết lấy đường sá đâu mà đi, lấy kinh phí đâu mà xây nhà ở, trường học, bệnh viện… để đáp ứng nhu cầu của hàng chục triệu dân?

Vẫn biết Hiến pháp nước ta cho phép “công dân VN có quyền lưu trú bất cứ nơi nào trên lãnh thổ VN”, thế nhưng Chính phủ và lãnh đạo TP cần phải có quy hoạch và đầu tư kinh phí xây dựng CSHT trước khi đón nhận dân nhập cư nhập hộ khẩu vào TP. Theo tôi, một trong những giải pháp quan trọng để chống ùn tắc giao thông tại TP là nên hạn chế việc tăng dân số cơ học như hiện nay.

Mặt khác, TP nên tổ chức thêm các đô thị vệ tinh để giãn dân và thu hút dân nhập cư đến làm việc. 

NGUYỆT NGA (TPHCM) 


Mời chuyên gia nước ngoài tham gia tìm “thuốc” chữa trị

Như Báo SGGP phản ánh trong bài viết “Chống kẹt xe-tia sáng cuối đường hầm?” đăng ngày 20-10, UBND TPHCM đã đề ra hàng loạt giải pháp nhằm làm giảm nạn ùn tắc giao thông trên địa bàn nhưng vì chưa có giải pháp nào phát huy tác dụng nên người dân đang rất sốt ruột. Theo tôi, TP không thể cứ bàn mãi mà vẫn không tìm được lối ra cho đề án chống ùn tắc giao thông nội thị. Lẽ ra khi chỉ có khoảng 3-4 triệu dân, TP phải ưu tiên dồn tiền của đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống giao thông công cộng như xe buýt, metro… chứ đợi đến khi đường sá đông đúc, chật hẹp, TP mới đầu tư cho mạng lưới xe buýt thì đã quá muộn.

Riêng việc đầu tư quá nhiều xe buýt loại lớn chiếm diện tích đường là nguyên nhân gây kẹt xe, cũng cho thấy ngành giao thông vận tải TP thiếu tầm nhìn khi đầu tư. Việc mua 1.318 xe buýt quá nhỏ loại 12 chỗ không được lưu hành vào cuối năm 2008 cũng là việc làm gây lãng phí lớn. Dự án đầu tư xây dựng hệ thống metro ở TP triển khai cũng quá chậm nên không biết đến bao giờ người dân mới có thể chọn nó để thay thế phương tiện cá nhân.

Rõ ràng, càng đưa ra nhiều giải pháp chống ùn tắc giao thông, các ngành chức năng ở TP càng cảm thấy bất lực. Vì thế, dự án nào cũng thực hiện theo kiểu đối phó, manh mún, kém hiệu quả. Để tìm phương thuốc hữu hiệu trị căn bệnh ùn tắc giao thông mãn tính, đề nghị TP hãy tổ chức hội thảo quốc tế và mời các chuyên gia tư vấn nước ngoài tham gia hiến kế cho TP hoặc thuê những chuyên gia nước ngoài, những nhà quản lý đô thị có kinh nghiệm, giỏi chuyên môn vào làm việc ở những vị trí chủ chốt về quy hoạch đô thị, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông nhằm thực hiện những dự án mang tính đột phá. Có như thế mới hy vọng tạo ra tia sáng cuối đường hầm cho bộ mặt giao thông ở TP trong tương lai gần. 

HUYỀN TRÂN (Quận Tân Bình)

Tin cùng chuyên mục