Tăng giá điện

Một kiểu bắt chẹt khách hàng

Giá điện ở VN cao nhất khu vực

Bộ Công thương đang lấy ý kiến nhân dân về chuyện ngành điện sẽ tăng giá điện. Đây là một chuyện khó hiểu, đánh đố người dân vì có mấy ai hiểu rõ chuyện bếp núc của ngành điện từ giá cả đầu vào, chi phí sản xuất, chi phí quản lý, tình trạng tổn thất kỹ thuật trong khâu truyền tải và tệ trạng thất thoát trong kinh doanh.

Đó là chưa kể chuyện cũ khiến dư luận bất bình “lừa dân lấy hàng vài trăm tỷ đồng mua điện kế điện tử dỏm bắt dân sử dụng không được để rồi phải bỏ xó” hoặc tổng số tiền thực lãi qua việc bán điện thương mại từ việc áp đặt giá điện sinh hoạt bậc thang, nhân danh việc bù chéo giá điện cho dân nghèo vùng nông thôn…(!?).

Chúng tôi, những người dân tiêu thụ điện chỉ biết rằng theo thông tin chính thức từ báo chí thì hiện nay giá điện ở nước ta thuộc loại cao nhất trong các nước Đông Nam Á. Mà đó mới chỉ là tính giá bán điện cơ bản, chưa tính theo kiểu giá bán điện sinh hoạt lũy tiến theo bậc thang. Hiện nay khi đòi hỏi tăng giá điện, ngành điện đã cố ý lờ đi chuyện công bố chính thức phương án tính giá thành 1 kWh điện ở nước ta.

Vừa qua, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) còn thông báo rằng do nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao, tổng công suất phát điện các nguồn phát thuộc ngành quản lý không đáp ứng nổi buộc ngành điện phải mua điện bên ngoài giá cao nên phải chịu lỗ.

Xin hỏi EVN mua điện của ngành than và khoáng sản VN với giá bao nhiêu tiền 1 kWh, rồi mua điện Hiệp Phước, điện Trung Quốc giá bao nhiêu, cộng thêm chi phí truyền tải, phân phối điện… thì giá thành 1 kWh sẽ là bao nhiêu để đủ bảo đảm có lãi cho quý vị?

Một điều khiến người dân tiêu thụ điện bất mãn hơn nữa là chuyện ngành điện vận động phải hạn chế sử dụng điện phục vụ sinh hoạt bằng việc tăng giá bán theo bậc thang. Thế nhưng các bậc thang của họ thì quá nhỏ bé (chỉ 50kWh hoặc 100 kWh) trong lúc giá sau cao vọt bất ngờ, từ 550 đồng lên 1.110 đồng, rồi tiếp tục các mức 1.470 - 1.600 - 1.720 đồng và từ mức sử dụng trên 400 kWh người dân hiện phải trả giá đồng loạt 1.780 đồng/kWh, tức giá mắc hơn rất nhiều giá bán điện bình quân mà ngành điện tự đặt ra và đề nghị Thủ tướng duyệt cách nay ít lâu.

Đừng để người tiêu dùng chịu thiệt

Như vậy chỉ với kiểu bán điện theo giá bậc thang, ngành điện đã có khoản siêu lợi nhuận khổng lồ thu được tại các hộ tiêu dùng điện nhiều ở các đô thị, trong lúc họ chấp nhận bán giá điện sinh hoạt 550 đồng cho 100 kWh ban đầu chẳng thiệt bao nhiêu cho các hộ dân nông thôn ít sử dụng điện.

Ngành điện nói rằng phải bán điện sinh hoạt giá cao để bù chéo cho giá điện bù lỗ cho nông dân và dân nghèo thành thị chỉ xài điện trong và dưới định mức 100 kWh/tháng. Vậy xin hỏi EVN có dám công bố chính thức các số liệu trung thực của chuyện bù chéo này không? Hàng năm ngành đã thu được bao nhiêu tiền từ các hộ xài điện ít và thu được bao nhiêu từ giá bán điện bậc thang vô lối kia cũng như số tiền chênh lệch thu được bao nhiêu sau khi đã bù đắp cho các hộ tiêu thụ ít?

Thực ra việc bù chéo này rất vô lý vì EVN không thể vừa kinh doanh vừa làm từ thiện trong việc bán điện. Trong cơ chế thị trường, các khách hàng cần phải được đối xử bình đẳng với giá bán ngang nhau. Thậm chí khách hàng mua nhiều sản phẩm phải được ưu đãi và giảm giá chứ không ai làm chuyện ngược đời như ngành điện xứ ta, càng xài điện nhiều càng bị ép giá cắt cổ.

Vả lại nếu tăng giá điện sinh hoạt lên, bảo đảm tính đúng tính đủ giá thành và có lãi… thì số hộ tiêu dùng điện mức thấp có phải chi trả thêm tiền cũng chẳng bao nhiêu so với các hộ tiêu thụ điện nhiều trên mức 300 kWh/tháng ở các đô thị lớn (mà phần nhiều các hộ này đều phải dùng trên 1.000 kWh/tháng mới đủ vì mọi tiện nghi sinh hoạt đều phải dùng điện).

Từ những bất hợp lý nêu trên, người dân chúng tôi kiến nghị Chính Phủ trước lúc duyệt phương án tăng giá điện hãy tổ chức thanh tra, kiểm tra toàn diện hoạt động của EVN. Để tránh độc quyền, ép giá điện, đề nghị sớm thực hiện cổ phần hóa đối với tập đoàn này, thực hiện cơ chế công bằng “lời ăn, lỗ chịu”.

Khi thu tiền điện theo giá bán bậc thang, một hộ dân TP sử dụng hết 526 kWh/tháng sẽ phải trả tiền như sau: 55.000 đồng cho 100 kWh đầu và tiếp theo là 55.500 - 73.000 đồng cho 50 kWh tiếp theo; 160.000 - 172.000 đồng cho 100 kWh tiếp theo; cuối cùng là 224.280 đồng cho 126 kWh cuối, tức ở mức hộ gia đình tiêu thụ trên 400 kWh điện. Tổng cộng lại, hộ này sẽ phải trả tiền điện (đã cộng thuế GTGT 10%) là 814.308 đồng. Đem số tiền này chia cho số 526 kWh đã tiêu thụ, cái giá mua điện bình quân 1 kWh của hộ này sẽ là trên 1.548 đồng/kWh, một cái giá cao không thể hiểu nổi nếu giá thành 1kWh nhiệt điện chạy xăng theo các chuyên gia điện tính chỉ vào khoảng 5 cents US. Nếu quy đổi tiền VND ra đôla Mỹ, giá bán điện như vậy đã xấp xỉ 9,3 cents US/kWh, một cái giá cao nhất thế giới trong lúc ở các nước khác quanh ta, ngành điện chỉ dám đòi giá cao tới 6 cents US/kWh đã bị Chính phủ ngăn cấm bởi sợ làm vậy sẽ gây ra phản ứng xấu trong dân, sẽ tạo những xáo trộn trong xã hội. Nếu hộ tiêu dùng điện sinh hoạt nói trên tiêu thụ trên 1.000 kWh điện/tháng thì số tiền chi trả cho ngành điện sẽ còn tăng vọt lên nhiều nữa.


TRẦN NAM PHƯƠNG
(P10 quận Phú Nhuận, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục