Xử lý nghiêm những hành vi gây ô nhiễm sông rạch

Xử lý nghiêm những hành vi gây ô nhiễm sông rạch

Dư luận và bạn đọc Báo SGGP không chỉ bất bình mà còn lên án hành vi phạm tội nghiêm trọng, cố tình gây ô nhiễm môi trường của Công ty Vedan. Từ việc bắt quả tang Công ty Vedan xả nước thải ra sông Thị Vải, nhiều bạn đọc cho rằng các cơ quan chức năng ở TPHCM cần vào cuộc - “mai phục” để bắt quả tang những thủ phạm đang “đầu độc” những con kênh, dòng sông trên địa bàn TPHCM.

  • Công ty Vedan phải bị xử lý nghiêm minh
Xử lý nghiêm những hành vi gây ô nhiễm sông rạch ảnh 1

Dòng sông Thị Vải bị ô nhiễm nặng, váng nổi kín cả mặt sông. Ảnh: T.L.

Theo dõi vụ Cục Cảnh sát môi trường (C36B) Bộ Công an phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) bắt quả tang Công ty Vedan VN (Đồng Nai) xả nước thải chưa xử lý ra sông Thị Vải, người dân lẫn dư luận thấy hả lòng hả dạ. Bởi lẽ lâu nay, việc “bắt tận tay” thủ phạm gây ô nhiễm môi trường, xả nước thải chưa qua xử lý ra kênh rạch sông ngòi được coi là công việc cực kỳ khó khăn đối với các cơ quan chức năng.

Vì thế, việc C36B mai phục, trinh sát suốt 3 tháng trời để phát hiện hành vi phạm tội hủy hoại môi trường một cách tinh vi của Công ty Vedan là một việc làm rất đáng nhân rộng. Để “che mắt” cơ quan chức năng, công ty đã lắp đặt hệ thống nước thải chưa qua xử lý một cách tinh vi, kín kẽ. Rõ ràng, với hành vi phạm tội nghiêm trọng này, Công ty Vedan phải bị pháp luật nghiêm trị để làm gương răn đe những doanh nghiệp khác đang đầu độc những dòng kênh, con rạch và những tuyến sông lớn nhỏ ở TP. Cũng cần nhắc lại nỗi đau ô nhiễm nặng nề ở kênh Ba Bò (Thủ Đức).

Dòng kênh đen này đã gây ra bao nỗi nhức nhối cho người dân. Ai cũng bất bình khi chứng kiến hình ảnh những người dân vô tội hàng ngày gánh chịu bệnh tật, bị tra tấn bởi mùi hôi thối nồng nặc như thế nhưng chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đành “bó tay” vì không tìm ra “thủ phạm” trực tiếp gây ô nhiễm, trực tiếp xả nước thải chưa qua xử lý ra dòng kênh (!?). Vì thế, từ vụ việc bắt quả tang Vedan xả nước thải độc hại giết chết dòng sông Thị Vải, thiết nghĩ các cơ quan chức năng ở TPHCM và tỉnh Bình Dương sớm ra tay mai phục bắt tận tay những kẻ giấu mặt, xả nước đen xuống kênh Ba Bò. Chẳng lẽ, C36B Bộ Công an và Bộ TN-MT mai phục để bắt được quả tang Vedan vi phạm, không lẽ các cơ quan chức năng của TPHCM và tỉnh Bình Dương không làm được?

Nguyễn Vân Thy (TPHCM)

  • Trách nhiệm của cơ quan chức năng ở đâu?

Trong mục Tiêu điểm của Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng tối 9-9-2008 về tình trạng ô nhiễm môi trường nước và không khí ở TPHCM, tôi thấy người đại diện của cơ quan bảo vệ môi trường đã trả lời chưa hết trách nhiệm được giao. Khi phóng viên đài truyền hình đặt câu hỏi “vì sao chưa xử lý được các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, nhất là khu vực kênh Ba Bò (quận Thủ Đức) và khu công nghiệp (KCN) Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh)”, những người có trách nhiệm bảo vệ môi trường ở TPHCM và tỉnh Bình Dương lại trả lời rằng phải bắt quả tang mới xử lý được?

Thực trạng ô nhiễm ở kênh Ba Bò, nỗi đau bệnh tật của các nạn nhân sống trong khu vực ô nhiễm của con kênh này và hiện tượng lá cây ở KCN Lê Minh Xuân bị bạc trắng, không phải là “vật chứng” hay sao? Việc đốn bỏ hàng cây xanh ở KCN Lê Minh Xuân rành rành ra đó chỉ để đối phó với các nhà quản lý và công luận? Tại sao cơ quan quản lý môi trường không đi kiểm tra, kể cả “mật phục” để bắt quả tang các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường? Rồi trách nhiệm của Ban quản lý các KCN trong công tác bảo vệ môi trường ở đâu?

Có ai đã một lần lội trong dòng nước đen sánh như dầu hắc mới thấu hiểu được nỗi khổ của những người dân đang phải sống chung với ô nhiễm của nước thải công nghiệp. Tôi đã từng đi thực tế ở những nơi như thế và nếm trải nỗi khổ khi phải rửa đi rửa lại bằng xà bông và nước muối mới hết ngứa trong kẽ ngón chân. Quần áo của tôi cũng phải giặt đi giặt lại nhiều lần và phải ngâm, tẩy mới hết mùi hôi. Thế đó, nếu hiểu được nỗi khổ này của người dân ở những con kênh đang bị ô nhiễm nặng thì những người có trách nhiệm mới hiểu mình phải làm gì cho đúng chức trách được giao.

B.H. (TPHCM)

  • Đó là tội ác!

Tôi không nghĩ việc Công ty Vedan lắp đặt hệ thống xả dịch thải để tuồn chất thải xuống sông Thị Vải và bị “bắt quả tang” chỉ là vi phạm quy định thông thường về bảo vệ môi trường mà là tội ác “phá hoại môi trường”. Với hành vi vi phạm nghiêm trọng này, Công ty Vedan phải bị xử lý thích đáng theo quy định của pháp luật.

Là một trong những hộ dân nuôi nghêu trên bãi biển thị trấn Cần Thạnh, nơi mà dòng sông Thị Vải mang chất thải (chứ không phải chất phù sa!) “ghé” qua nên cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Trong vụ mùa vừa qua người dân chúng tôi phải chứng kiến nghêu ở đây chết sạch một cách bất thường và đến nay chưa xác định rõ nguyên nhân. Phải chăng, thủ phạm gây ô nhiễm bãi nuôi nghêu Cần Thạnh cũng chính là do dòng nước bị ô nhiễm? Hiện nay các bãi nuôi nghêu ở Cần Thạnh vẫn trống vắng, thiệt hại về kinh tế làm sao tính được?

Người dân chúng tôi chờ đợi và hy vọng với sự ra tay của C36B và đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Tài Nguyên - Môi trường, cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp xử lý thích đáng đối với Công ty Vedan. Từ bài học xử lý nghiêm các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, hy vọng môi trường nuôi nghêu của người dân Cần Thạnh được cải thiện để nghề nuôi nghêu hoạt động trở lại như ngày nào. Đó là những ngày dòng sông Thị Vải chưa hề bị ô nhiễm nặng nề như bây giờ!

Nguyễn Đắc Nghĩa (Cần Giờ TPHCM)

Tin cùng chuyên mục