Khấu trừ và khai thuế thế nào?

Hỏi - Đáp

Nghị định 100/2008/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) vừa được Chính phủ ban hành ngày 8-9-2008. Trong đó có rất nhiều điểm quy định về hoạt động đăng ký thuế, khấu trừ và khai thuế TNCN. Chúng tôi trích đăng một số vấn đề được nhiều người quan tâm nhất.

Trường hợp nào phải đăng ký thuế? Cá nhân có thu nhập (TN) chịu thuế và tổ chức, cá nhân trả TN chịu thuế thực hiện đăng ký thuế để được cơ quan thuế cấp mã số thuế. Trường hợp tổ chức, cá nhân trả TN đã được cấp mã số thuế thì được tiếp tục sử dụng mã số đó.

Khấu trừ thuế là gì? Đó là việc tổ chức, cá nhân trả TN tính trừ số thuế phải nộp vào TN của đối tượng nộp thuế trước khi chi trả TN.

Thu nhập nào phải khấu trừ? Những loại TN phải khấu trừ thuế gồm: TN của cá nhân không cư trú, tính cả trường hợp cá nhân không hiện diện tại Việt Nam; TN từ tiền lương, tiền công; đầu tư vốn; chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán; trúng thưởng; bản quyền; nhượng quyền thương mại.

Những TN không phải khấu trừ thuế gồm: TN từ kinh doanh của cá nhân cư trú; chuyển nhượng bất động sản; chuyển nhượng vốn góp của cá nhân; nhận thừa kế, quà tặng của cá nhân.

Khai thuế TNCN như thế nào?

1. Đối với tổ chức, cá nhân chi trả TN thì khai theo tháng và theo năm như sau: Khai thuế theo tháng. Trường hợp tổng số thuế khấu trừ hàng tháng dưới 5 triệu đồng thì tổ chức, cá nhân chi trả TN thực hiện khai tạm nộp thuế theo quý. Khai thuế năm: tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập phải khai quyết toán thuế năm, số thuế đã khấu trừ và các khoản giảm trừ khác.

2. Đối với cá nhân người nộp thuế:

Cá nhân kinh doanh, cá nhân hành nghề độc lập khai thuế theo quý. Cá nhân khai thuế theo từng lần phát sinh đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn (trừ chuyển nhượng chứng khoán); chuyển nhượng bất động sản; thừa kế, quà tặng.

Cá nhân khai quyết toán thuế năm đối với TN từ tiền lương, tiền công; TN từ kinh doanh đối với trường hợp thực hiện đúng quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ, nộp thuế theo kê khai và thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán đăng ký nộp thuế theo mức thuế suất 20%.

3. Đối với cá nhân có TN từ kinh doanh:

Các doanh nghiệp, cá nhân có thắc mắc về chính sách thuế; phản ánh các vấn đề tiêu cực, sách nhiễu, phiền hà của cán bộ thuế; kiến nghị những bất cập hay đóng góp xây dựng ngành thuế TP hiện đại… vui lòng gởi về địa chỉ: hanni@sggp.org.vn hoặc ĐT: (08) 8340021 - 0903 975323.

Trường hợp cá nhân kinh doanh thực hiện đúng quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ: hàng quý thực hiện khai thuế, tạm nộp thuế TNCN theo kết quả kinh doanh tạm tính của quý.

Số thuế tạm nộp hàng quý được xác định trên cơ sở TNCT đã tính giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế và những người phụ thuộc mà người nộp thuế nhận trách nhiệm nuôi dưỡng và tính theo biểu thuế lũy tiến từng phần; thực hiện khai quyết toán thuế năm và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác của số liệu đã kê khai.

Trường hợp chỉ có một người đứng tên trong đăng ký kinh doanh thì đối tượng nộp thuế được xác định là người đứng tên trong đăng ký kinh doanh; trường hợp nhiều người đứng tên trong đăng ký kinh doanh và cùng tham gia kinh doanh thì đối tượng nộp thuế được xác định là từng thành viên cùng đứng tên trong đăng ký kinh doanh; trường hợp trong một hộ gia đình có nhiều người cùng tham gia kinh doanh thì đối tượng nộp thuế được xác định là người đứng tên trong đăng ký kinh doanh.

Các thành viên khác trong gia đình được xác định là người làm công nếu đủ 15 tuổi trở lên hoặc được xác định là người phụ thuộc nếu dưới 15 tuổi.

Lệ Nga - Chế Hân

Hỏi - Đáp

- Luật Thuế TNCN có quy định về việc giảm thuế hay không, trường hợp nào được xét giảm? (Kim Nga - quận 5, TPHCM)

- Ông Nguyễn Đình Tấn, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM: Đối tượng nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế thì được xét giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp.

- Người đóng góp từ thiện, nhân đạo có được giảm trừ trong TNCT không? (Ngô Trúc - đường Trần Não, quận 2)

- Được. Nhưng các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo chỉ được trừ vào TN trước khi tính thuế đối với TN từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú.

Các khoản đóng góp được trừ, bao gồm: Khoản đóng góp vào tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người tàn tật, người già không nơi nương tựa; khoản đóng góp vào quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học.

C.HÂN ghi
 


Văn bản mới

1. Tổng cục Thuế vừa ban hành công văn số 2691/TCT-CS (ngày 15-7-2008), hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế TNDN đối với tiền đền bù do di dời địa điểm kinh doanh theo quy hoạch. Theo đó, tiền đền bù về tài sản cố định (TSCĐ) trên đất phải kê khai, nộp thuế GTGT trên phần giá trị còn lại của TSCĐ được đền bù.

Trường hợp nhận tiền hỗ trợ di dời thì không phải kê khai nộp thuế GTGT. Về thuế TNDN, từ năm 2007 khoản tiền đền bù về TSCĐ trên đất và tiền hỗ trợ di dời sau khi trừ các chi phí sẽ hạch toán vào TN khác và kê khai nộp thuế TNDN.

2. Công văn số 3250/TCT-CS ngày 27-8-2008 của Tổng cục Thuế quy định về chính sách thuế đối với nhà thầu nước ngoài như sau: Các tổ chức tài chính nước ngoài thực hiện môi giới cho khách hàng ở nước ngoài mua chứng khoán tại VN thông qua một công ty chứng khoán tại VN làm trung gian có thu phí giao dịch chứng khoán, sau đó chuyển trả một phần phí thu được cho tổ chức nước ngoài thì phí tổ chức nước ngoài nhận được thuộc đối tượng chịu thuế nhà thầu theo hướng dẫn tại Thông tư 05/2005/TT-BTC ngày 11-1-2005 của Bộ Tài chính.

Tin cùng chuyên mục