“Lốc” titan tàn phá làng quê

“Xơi” cả rừng phòng hộ
“Lốc” titan tàn phá làng quê

Việc khai thác titan bừa bãi hiện nay ở Trung Giang (Gio Linh, Quảng Trị) không chỉ xâm hại tài nguyên quốc gia mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của bà con.

“Xơi” cả rừng phòng hộ

Hàng chục hộ dân thôn Cang Gián, xã Trung Giang đang kêu cứu bởi những cỗ máy khai thác titan khổng lồ của Công ty TNHH Thống Nhất đang dần dần nuốt chửng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, hàng chục ha rừng chắn bão, thậm chí hàng chục ngôi mộ và làng mạc ở đây cũng có nguy cơ biến mất.

“Lốc” titan tàn phá làng quê ảnh 1

“Lốc” titan đang tàn phá bờ biển Vĩnh Linh.

Được biết, từ tháng 7-2007 trở về trước, Công ty TNHH Thống Nhất chuyên sản xuất nước đá, về sau được UBND tỉnh Quảng Trị cấp giấy phép khai thác tận thu titan trên diện tích 5,25ha thuộc địa bàn xã Gio Mỹ (sát với Trung Giang).

Đến tháng 5-2008, công ty này được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép số 1002/GP-BTNMT cho phép khai thác titan công nghiệp trên địa bàn thôn Cang Gián (Trung Giang) với diện tích 156,83ha.

Ngày 28-8-2008, UBND tỉnh đã có công văn số 2198/UBND-NN giao cho Sở NN-PTNT hướng dẫn Công ty TNHH Thống Nhất lập hồ sơ chuyển đổi rừng để phục vụ việc khai thác titan sa khoáng theo quy định của nhà nước.

Tuy nhiên, sau khi kiểm tra tài liệu, bản đồ và hiện trường, ngày 5-9-2008, trong công văn số 465/CV-SNN của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị trả lời, trong số 156,83ha mà Công ty TNHH Thống Nhất được cấp phép có tới 61,7ha rừng phòng hộ chắn cát ven biển không thể chuyển đổi. Đồng thời, 61,7ha rừng này không hề nằm trong diện tích đất do UBND tỉnh đề nghị Bộ TN-MT cấp phép cho Công ty TNHH Thống Nhất khai thác titan.

Trở lại vấn đề 19 hộ dân thôn Cang Gián gửi đơn khiếu nại và tố cáo việc Công ty TNHH Thống Nhất khai thác titan làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của bà con. Ông Dương Quốc Vinh, một người dân thôn Cang Gián cho biết, ngày 23-12-2008, lãnh đạo UBND xã Trung Giang đã triệu tập các hộ dân nói trên tổ chức cuộc họp nhằm giải quyết việc khiếu nại, đồng thời thuyết phục để Công ty TNHH Thống Nhất tiếp tục khai thác titan trên địa bàn. Tuy nhiên, bà con phản đối kịch liệt nên các cán bộ này hứa sẽ xin ý kiến tỉnh rồi trả lời sau, trong khi đó các cỗ máy của Công ty TNHH Thống Nhất vẫn tiếp tục tiến vào khu vực rừng phòng hộ.

“Để đủ hàng bán sang thị trường Trung Quốc, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải vận chuyển titan thô đã cày nát 3km đường liên xã chạy qua địa bàn thôn, các em học sinh đến trường chỉ còn cách ngồi trên lưng để bố mẹ cõng!”, ông Vinh cho biết thêm.

Hậu quả khôn lường

Rõ ràng, nguồn tài nguyên trong lòng đất nếu biết khai thác hợp lý sẽ mang lại nguồn lợi đáng kể cho ngân sách địa phương, giải quyết công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi, tuy nhiên nếu khai thác bừa bãi không chỉ xâm hại tài nguyên quốc gia mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tâm linh, sinh hoạt, sản xuất của bà con, nếu không có giải pháp kịp thời sẽ để lại hậu quả khó lường.

Điều đáng nói là trên diện tích đất rừng mà Công ty TNHH Thống Nhất chuẩn bị khai thác có rất nhiều mồ mả, đặc biệt là mộ liệt sĩ. Bà Phạm Thị Cam, 80 tuổi, đau đớn nói trong nước mắt: “Vì sợ phần mộ của 2 con là liệt sĩ sẽ bị cuốn theo các dàn máy hút lọc titan nên tui đã ký vào đơn khiếu nại”.

Ông Trương Xuân Toài, 76 tuổi, ở Cang Gián bức xúc: “Nếu Công ty TNHH Thống Nhất tiếp tục khai thác titan trên địa bàn thì không bao lâu nữa bà con chúng tôi không chỉ mất hết đất canh tác hoa màu mà hàng chục ngôi mộ cha ông, tính mạng và tài sản của cả ngàn người dân cũng bị sóng biển cuốn trôi”.

Mới đây, chúng tôi đã liên lạc với ông Nguyễn Phước Nhất, Giám đốc Công ty TNHH Thống Nhất, ông Nhất đồng ý sẽ gặp nhưng sau đó lại bảo chúng tôi đến gặp lãnh đạo xã Trung Giang sẽ khách quan hơn. Bởi theo ông Nhất, những vấn đề chúng tôi quan tâm lãnh đạo xã đều biết rõ.

Chúng tôi cũng đã liên lạc với ông Nguyễn Thanh Lợi, Phó Giám đốc Sở TN-MT Quảng Trị nhưng ông Lợi trả lời là bận họp và chưa biết khi nào thì rảnh! Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Nguyễn Phước Nhất cho hay: “Trong số diện tích gần 157ha đất do Bộ TN-MT cấp phép cho công ty để khai thác titan tại Trung Giang không hề có rừng phòng hộ, chỉ có mấy cây bụi thưa thớt do xã trồng trước đó và công ty cũng chưa hề khai thác trên diện tích đất này. Hiện tại công ty chỉ mới khai thác trên 5ha đất do tỉnh cấp phép năm 2007 và đã hoàn trả mặt bằng, trồng cây xanh hơn 2ha”.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, hiện tại Công ty TNHH Thống Nhất đã đưa 4 cỗ máy khoan lọc titan tiến vào vùng rừng phòng hộ 661 và 773 trồng sau năm 1975 (rừng có tác dụng điều hòa môi trường, môi sinh, chắn cát bay, cát lấp của địa bàn thôn Cang Gián). Còn diện tích đất theo ông Nhất đã được hoàn trả mặt bằng thì người dân ở đây cho biết, công ty chỉ vừa mới cho công nhân trồng lại khoảng 1ha cây tràm cách đây chưa đầy 1 tháng!

Không riêng gì địa bàn thôn Cang Gián, hiện các xã ven biển bãi ngang hai huyện Vĩnh Linh, Gio Linh (Quảng Trị) có gần chục công ty đang khai thác titan, với hàng trăm giàn khoan khổng lồ cắm sâu vào lòng đất để hút cát, lọc “vàng đen”. Hằng ngày những dàn khoan này “nhả” ra môi trường cả vài ngàn mét khối nước thải có hóa chất độc hại; để lại những bãi “chiến trường” ngổn ngang, những cái hố sâu hoắm và những cồn cát trắng cao ngất.

Phan Vĩnh Yên
(SGGP 12G)

Tin cùng chuyên mục