Để không còn những văn bản thiếu thực tiễn

Báo SGGP số ra ngày 17-3 có đăng bài: “Tham vấn công chúng trong quá trình soạn thảo văn bản: Công khai, minh bạch trong phản biện dự thảo”, tôi có mấy suy nghĩ sau.

Không có lý do gì mà những chính sách của Nhà nước liên quan đến đời sống dân sinh hàng triệu người lại không được xây dựng trên cơ sở khảo sát, nghiên cứu thực tiễn. Trên thực tế vẫn tồn tại hàng ngàn văn bản quy phạm của địa phương trái với những quy định của pháp luật. Tình trạng tự ban hành những văn bản không có cơ sở pháp luật hoặc “sáng tạo thêm” so với nghị định của Chính phủ vẫn xảy ra phổ biến.

Nhiều văn bản gây cú sốc trong đời sống người dân, tạo cho công dân tâm lý bất an, e ngại và tác động tiêu cực đến công tác quản lý. Bởi vậy mới có chuyện “mở cửa sống” cho hàng rong, “tạm hoãn” thời điểm cấm xe ba gác và “dừng triển khai” Quyết định số 33, 34 quy định tiêu chuẩn về sức khỏe lái xe…

Chính sách ảnh hưởng đến chén cơm manh áo của người dân, vì thế người chịu tác động của chính sách đòi hỏi tiếng nói của họ được lắng nghe, để nhà chức trách đưa ra những quyết sách đúng, đáp ứng yêu cầu xã hội. Theo tôi, trước khi ban hành văn bản luật phải lấy ý kiến người dân càng nhiều càng tốt, có phản hồi cụ thể, công khai, minh bạch trong phản biện dự thảo. Cùng với việc tham vấn ý kiến người dân, đòi hỏi phải có chế tài đối với các cá nhân, tổ chức ban hành văn bản trái luật.

Cứ hình dung xem: một người dân vi phạm pháp luật thì bị xử lý, nhưng nếu một cơ quan hoặc một người có thẩm quyền ra một quyết định trái pháp luật thì sao? Theo tôi, chúng ta cần sớm ban hành cơ chế cho phép quy trách nhiệm đối với người làm luật. Phải làm thế nào để cùng với quyền xây dựng luật và buộc xã hội phải tôn trọng quy tắc ứng xử, người làm luật phải nhận trách nhiệm trong trường hợp lạm quyền hoặc phạm sai lầm, dẫn đến thiệt hại cho xã hội. Chỉ khi đó, người làm luật mới biết thận trọng, cân nhắc, đắn đo trong quá trình thực hiện các quyền năng mà xã hội trao cho họ.

Thiên Ngân (TPHCM)

Tin cùng chuyên mục