Chưa nên đặt vấn đề quản lý xe ôm

Sau khi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đưa ra dự thảo về việc quản lý, đăng ký kinh doanh xe ôm, nhiều bạn đọc có ý kiến không đồng tình với chủ trương này. Báo SGGP xin trích đăng một số ý kiến của bạn đọc.
Chưa nên đặt vấn đề quản lý xe ôm

Sau khi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đưa ra dự thảo về việc quản lý, đăng ký kinh doanh xe ôm, nhiều bạn đọc có ý kiến không đồng tình với chủ trương này. Báo SGGP xin trích đăng một số ý kiến của bạn đọc.

  • Anh Huỳnh Thanh Nhã, ngụ tại 148 đường Tôn Đản P8 Q4: Quy định đậu đúng bãi sẽ phát sinh tiêu cực
Chưa nên đặt vấn đề quản lý xe ôm ảnh 1

Các bác tài xe ôm chờ khách... Ảnh: NGỌC HIẾU

Nếu phải đăng ký hoạt động, cánh xe ôm chúng tôi phải gánh chịu thêm khoản lệ phí đăng ký hành nghề. Chạy xe ôm như chúng tôi thu nhập thất thường, có ngày chỉ 20.000 đồng, bình quân mỗi tháng được trên dưới 1 triệu đồng, lấy tiền đâu mà nộp lệ phí. Đấy là chưa kể hàng loạt thủ tục, giấy tờ, đơn từ rườm rà khác như đơn xin kinh doanh, giấy khám sức khỏe, hộ khẩu thường trú hoặc giấy tạm trú…

Cũng theo dự thảo, quy định người chạy xe ôm chỉ được đứng đón khách tại các điểm đỗ mà cơ quan chức năng công bố, trong khi đó, để đón, chở khách, chúng tôi thường đỗ tại ngã ba, ngã tư, đầu hẻm hoặc di chuyển đến nhiều nơi khác. Nếu bắt chúng tôi phải đỗ đúng bãi thì rất khó, vì tâm lý chung của người dân là “ra ngõ đón xe ôm”.

Đó là chưa kể nếu tập trung vô một bãi thì dễ phát sinh tình trạng “xe ôm dù”. Kinh doanh mọi ngành nghề phải chịu sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước và hoạt động của xe ôm không ngoại lệ. Nhưng việc Bộ GTVT buộc xe ôm phải đăng ký kinh doanh tại thời điểm này thì nên cân nhắc tính toán lại.

  • Trần Văn Nghiệp, ngụ tại 162 đường Trường Chinh P12 Q.Tân Bình: Nghề bấp bênh không đủ sống, sao phải đóng thuế thu nhập

Nhiều năm gắn bó với nghề chạy xe ôm, nay nghe tin nghề của người nghèo nhất xã hội sẽ bị quản lý chặt để đóng thuế thu nhập, chúng tôi thật sự bị “sốc”. Chẳng hay trước khi đưa ra dự thảo này, Bộ GTVT đã lấy ý kiến rộng rãi và lắng nghe ý kiến của chúng tôi chưa? Nghề xe ôm là một nghề tự phát, mang tính thời vụ, thu nhập bấp bênh và giá cả từng chuyến đi cũng do người chở và khách hàng tự thỏa thuận với nhau. Nay nhà nước quản lý thì có kiểm soát được giá cả từng chuyến chở khách? Nếu không quản lý được thu nhập của chúng tôi thì làm sao buộc đóng thuế?Thực tế cho thấy nhà nước chưa hề hỗ trợ, tạo điều kiện cho chúng tôi hành nghề, vậy mà bây giờ lại đòi quản lý và bắt chúng tôi phải thực hiện những quy định không khả thi.

Theo tôi, Bộ GTVT nên làm những việc cần kíp hơn như quản lý dịch vụ vận tải, trong đó có xe taxi, xe buýt, hành lang an toàn đường sắt, vấn đề an toàn giao thông… thay vì đặt ra việc quản lý “đội quân xe ôm” trên địa bàn TP và cả nước. Bởi lẽ, lực lượng này cũng không đông lắm, hoạt động linh hoạt, tự thân vận động để tạo việc làm, thu nhập chính đáng…

  • Ông Nguyễn Kim Quy, Chủ tịch UBND P11 Q8: Quản lý xe ôm là không khả thi

Tôi cũng có nhiều băn khoăn về chuyện này. Trước đây P11 Q8 có lập tổ tự quản xe ôm. Ở đây, cái chính là anh em xe ôm tự quản lý nhau. Hàng tháng hoặc hàng quý họp với nhau một lần với sự chủ trì của công an phường. Nay bắt anh em đăng ký kinh doanh hành nghề chạy xe ôm là khó khả thi. Bởi bắt anh em đăng ký để thu phí, nộp thuế thu nhập,… thì phải tổ chức bến bãi cho anh em, rồi đồng phục… Ngay việc tổ chức bến bãi cũng khó thực hiện.

Hiện tại phường đâu có đất trống để bố trí bến bãi. Lâu nay, anh em chạy xe ôm thường đậu xe ở góc ngã ba, ngã tư, chân cầu… trong khi quy định của thành phố là cấm không cho đậu xe tại những nơi này…

  • Ông Nguyễn Văn Ngà, cán bộ P.Hiệp Bình Chánh Q.Thủ Đức: Thêm gánh nặng cho cấp phường

Theo dự thảo về quản lý và đăng ký kinh doanh xe ôm của Bộ GTVT, tôi nghĩ cấp phường sẽ thêm một gánh nặng. UBND phường trực tiếp nhận và xác nhận vào đơn, lập hồ sơ theo dõi, báo cáo định kỳ lên cấp trên. Hiệp Bình Chánh là địa phương có ga xe lửa, lại gần Bến xe miền Đông nên có rất đông người hành nghề xe ôm. Phần đông trong số họ là người nghèo, người nhập cư, chỗ ở không ổn định.

Từ lâu, việc quản lý những người này vốn rất khó, bây giờ chính quyền phải xác nhận hồ sơ cấp giấy phép, lại cập nhật số lượng báo cáo lên cấp trên sẽ là quá tải đối với chính quyền cơ sở; người chạy xe ôm cũng gặp không ít khó khăn vì chuyện thủ tục, khai báo hàng tháng. Không riêng gì xe ôm mà các ngành nghề khác trong xã hội đều cần được quản lý, có tổ chức, đoàn hội, tuy nhiên thời điểm hiện nay đòi người chạy xe ôm phải có giấy phép mới được hành nghề xe ôm là chủ trương khó thực hiện.

Nhóm PV

Thông tin liên quan:

>> Chưa nên bắt xe ôm đăng ký kinh doanh

>> Đăng ký xe ôm: Nên, không nên?

Tin cùng chuyên mục