Làng đại học “thay da đổi thịt”

Làng đại học “thay da đổi thịt”

Tôi còn nhớ lần đầu tiên vào TPHCM để học đại học, ngồi trên xe buýt, tôi cứ dán mắt vào những tòa nhà cao tầng, làn xe đông đúc, chen chúc nhau. Thế nhưng, cảnh tượng ấy nhạt dần khi xe buýt chạy về hướng làng đại học.

Những tòa nhà cao tầng gần như biến mất nhường chỗ cho những căn nhà cấp 4, nép sát ven đường. Bánh xe miết trên con đường đầy đá dăm, thân xe lắc lư bởi những ổ gà ngổn ngang trên đường, bụi bay mịt mù... Đó là vào ngày nắng, khi trời mưa, ổ gà biến thành những vũng nước bùn, sinh viên chúng tôi phải xắn quần, lò dò từng bước. Hàng quán phục vụ lúc ấy chưa nhiều, lưa thưa vài ba quán cơm bụi, mấy chiếc tủ nhỏ bày bán bút, giấy và một số thứ lặt vặt khác… Tối đến, khu vực này chìm trong màn đêm tĩnh mịch, im ắng. 

Sinh viên chơi thể thao tại ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM.

Sinh viên chơi thể thao tại ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM.

… Thế mà chỉ sau 3 năm, diện mạo ở đây thay đổi hẳn. Con đường lầy lội, bụi bẩn ngày nào, giờ đây được trải nhựa phẳng lì, chạy thẳng đến tận cổng các trường đại học. Đêm đến, đèn cao áp chiếu sáng cả một không gian rộng lớn, những cửa hàng nhộn nhịp. Trung tâm dịch vụ đời sống ĐHQG TPHCM với diện tích gần 2 ha, đầy đủ các dịch vụ như: siêu thị mua sắm, khu nhà ăn sinh viên, siêu thị sách, hội quán, cửa hàng thời trang, hiệu thuốc, tiệm Internet… đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của sinh viên.

Những tòa nhà cao tầng, hiện đại của các trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học xã hội – Nhân văn… nằm giữa không gian xanh, thoáng. Sự thay đổi này làm cho nhiều sinh viên như chúng tôi ngỡ ngàng: “Mới có 3 năm mà khu vực này như “lột xác”, khang trang hơn nhiều…”.

Mặc dù, làng đại học đã được “thay da đổi thịt” nhưng bên trong nó vẫn còn những “hạt sạn”, cần phải đổi mới song song. Tuy vậy, tôi vẫn tự hào vì mình đã sống, học tập và chứng kiến những đổi thay nơi đây, cho tôi cảm giác bình yên và thân thuộc. Mỗi buổi sáng, lên xe buýt đi vào trung tâm thành phố để học, thấy dòng xe chật như nêm, những vội vã của nhịp sống, tôi lại thèm được trở về làng đại học, nơi cuộc sống yên bình, thân thương… 

THANH LAN
 (SV Trường ĐH KHXH – NV TPHCM)

Tin cùng chuyên mục