Làng “Giải thưởng” trên đất cù lao

Làng “Giải thưởng” trên đất cù lao

(SGGP).-  Đã 6 năm nay, hễ nông dân tại xã Tích Thiện (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) đem trái chôm chôm đi thi đều “rinh” giải thưởng về cho xã. Từ những thành tích đạt được, nhà vườn đất cù lao Tân Qui “mơ” đến ngày chôm chôm của họ sẽ có mặt trong siêu thị.

Có thi là... có giải

Cù lao Tân Qui có chiều dài gần 7 cây số với diện tích tự nhiên hơn 600 ha, bao gồm ấp Tân Qui I và Tân Qui II thuộc xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh và 2 ấp Tích Phước, Tích Khánh (xã Tích Thiện, Trà Ôn, Vĩnh Long). Đây là vùng đất do phù sa bồi đắp, rất thích hợp trồng chôm chôm. Tại ấp Tích Khánh có 76 ha chuyên canh chôm chôm Java (trong đó có gần 0,2 ha chôm chôm nhãn). Theo người dân, giống chôm chôm Java đã có ở đây khoảng 60 năm nay. Dân cù lao cho biết, so với chôm chôm Long Khánh (Đồng Nai), chôm chôm xứ này xanh, sáng bóng, trái to hơn, ăn ngọt hơn và... râu cũng đẹp hơn.

Mùa chôm chôm ở xã Tích Thiện.

Mùa chôm chôm ở xã Tích Thiện.

Hợp tác xã (HTX) Tân Khánh có 25 xã viên, nhưng có đến 21 xã viên đưa trái cây đi thi là lần nào cũng có giải. Những cái tên như: Sáu Bé, Hai Thắng, Ba Lờ, Năm Vinh… đã trở nên quen thuộc trong các cuộc thi trái cây. Ông Phạm Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tích Thiện cho biết: “Trái cây tại 2 ấp Tích Phước và Tích Khánh đem đi thi là có giải. Từ năm 2003 đến nay, 2 ấp này đã mang về 41 giải thưởng tại các hội thi trái cây trong tỉnh, khu vực ĐBSCL và TPHCM. Trong đó có 6 giải nhất, 30 giải nhì và 3 giải ba cho trái chôm chôm, còn lại là măng cụt và trái thơm”.

Người đi “tiên phong” trong việc “rinh” giải về cho xã là ông Cao Văn Vinh (Năm Vinh), cho biết: “Đầu năm 2003, khi đi tham quan hội thi trái cây ở Vĩnh Long, thấy trái chôm chôm ở của đơn vị huyện Long Hồ đoạt giải, tôi liền đến hỏi Ban tổ chức về cách thức tham gia. Sau đó, tôi được Viện Cây ăn quả miền Nam hướng dẫn kỹ thuật trồng cây chôm chôm đạt hiệu quả”.

Tại Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Cần Thơ cuối năm 2003, trái chôm chôm nhãn của ông Vinh lần đầu đem đi dự thi đã mang về giải nhì đầu tiên cho cả ấp Tích Phước. “Niềm vui ấy không có gì tả được. Tôi mất ngủ cả đêm vì sung sướng” - ông Vinh nói giọng hể hả. Từ đó đến nay, ông Vinh đã đoạt được 7 giải về trái chôm chôm nhãn. Gần đây nhất, ông Năm Vinh cũng đã mang về cho xã mình một giải cho trái thơm nặng 8kg trong Lễ hội Trái cây Nam bộ 2009 tại TPHCM.

Ông Nguyễn Văn Lập (Ba Lờ) hồ hởi khi kể về những “thành tích” của mình: “Trong lần tham dự Lễ hội Trái cây Nam bộ 2009 tại TPHCM ngày 25-5, tôi rất hồi hộp vì có nhiều người đưa chôm chôm dự thi”. Nhưng trong cuộc thi đó, ông Ba Lờ đoạt giải nhì cho trái chôm chôm nhãn của mình. Thành công tại cuộc thi lớn, ông Ba Lờ phấn khởi, tiếp tục đem chôm chôm nhãn “thử sức” tại Hội thi Trái ngon và an toàn lần 1 vào cuối tháng 6-2009 tại huyện Cầu Kè, Trà Vinh. Và lần ấy ông đã đạt giải nhì.

Giấc mơ vào siêu thị

Ông Năm Vinh cho biết: “Nhờ đem trái chôm chôm đi thi nên nhiều công ty, thương lái biết tiếng và tìm đến mua ngày càng nhiều”. Để trái chôm chôm đoạt giải thì phải đáp ứng điều kiện: mỏng vỏ, cơm dày, đủ độ ngọt, không dư lượng thuốc. Do đó, trong quá trình chăm sóc phải hết sức thận trọng và tỉ mỉ. Ông Ba Lờ nói: “Để có trái ngon đem dự thi phải mất gần 5 tháng chăm sóc đặc biệt cho cây, như không xài màng phủ mà chỉ quét dọn cho sạch vườn, không tưới nước thối từ ao chuồng. Phân, thuốc đều phải đúng kỹ thuật và có liều lượng”.

Điều đặc biệt tại xứ cù lao Tân Qui là việc cho trái chôm chôm mùa nghịch. Do đó, việc quyết định ngày ra bông cho cây chôm chôm ở xã này cũng là “bí quyết” của nhiều nhà vuờn tại đây. Chôm chôm mùa nghịch thường có giá bán cao gấp đôi so với chôm chôm vào vụ. Tuy nhiên, điều làm nhiều nhà vườn tại đây lo lắng hiện nay là đầu ra cho trái chôm chôm.

Ông Nguyễn Văn Lập, Chủ nhiệm HTX Tân Khánh cho biết: “Nhiều công ty có đến đây đặt hàng, họ yêu cầu mỗi tháng phải cung cấp một số lượng nhất định. Nhưng chôm chôm chỉ có mỗi năm một vụ, nhiều nhà vườn ở đây “sợ” không cung cấp đủ phải bồi thường hợp đồng nên không dám ký. Đó là chưa kể đến những thay đổi thất thường của thời tiết khiến chôm chôm ra trái trễ như năm nay”.

Tuy nhiên, một tin vui cho nhà vườn trồng chôm chôm tại Tân Qui là Cục Sở hữu trí tuệ đang xem xét để công nhận thương hiệu “chôm chôm Tân Khánh” của nông dân xã Tích Thiện. “Có thương hiệu, trái chôm chôm sẽ có “cửa” vào siêu thị, tạo đầu ra ổn định cho loại trái cây đặc sản của vùng đất cù lao này”, ông Phạm Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã nói.

LÊ CHINH

Tin cùng chuyên mục