Sớm trùng tu chùa Giác Viên

Tọa lạc tại số 161/35/20 đường Lạc Long Quân (phường 3, quận 11, TPHCM), chùa Giác Viên (còn gọi là chùa Hố Đất) đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1993. Song hiện nay, ngôi chùa cổ với nhiều giá trị nghệ thuật độc đáo lại đang bị xuống cấp thật đáng ngại.
Sớm trùng tu chùa Giác Viên

Tọa lạc tại số 161/35/20 đường Lạc Long Quân (phường 3, quận 11, TPHCM), chùa Giác Viên (còn gọi là chùa Hố Đất) đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1993. Song hiện nay, ngôi chùa cổ với nhiều giá trị nghệ thuật độc đáo lại đang bị xuống cấp thật đáng ngại.

Được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ vào khoảng giữa thế kỷ 19 (1850), chùa Giác Viên có quy mô khá bề thế trong một khuôn viên rộng khoảng 1ha. Khi đến viếng chùa, bên cạnh sự ngỡ ngàng trước nghệ thuật kiến trúc, mọi người hẳn sẽ không khỏi trầm trồ thán phục sự tinh xảo trong tay nghề chạm khắc gỗ của người xưa.

Ngoài 153 tượng tròn được tạc bằng gỗ mít, chùa Giác Viên còn sở hữu hơn 60 tấm bao lam lớn nhỏ và hoành phi, câu đối. Trong đó, có những bao lam có giá trị nghệ thuật cao như: Thập Bát La Hán, Bá Điểu, Sen Chài, Ngư Tiều Canh Độc… Bộ bao lam Bá Điểu vốn từng được đánh giá là duy nhất có ở Nam bộ, trên đó tạc 94 con chim lớn nhỏ với đủ loại khác nhau.

Bên cạnh những loại thường gặp như loan, phụng, công, trĩ còn có cả những loài hết sức gần gũi với con người như sẻ, chào mào, họa mi, bói cá… mỗi loài lại mang một dáng vẻ, không hề trùng lắp.

Một phần khu nhà trù của chùa Giác Viên đã bị sập.

Một phần khu nhà trù của chùa Giác Viên đã bị sập.

Như trên có nói, do được xây dựng từ rất lâu nên hiện nay chùa Giác Viên đã và đang bị xuống cấp nặng. Sư thầy trụ trì dẫn chúng tôi đi xem khu nhà trù (nhà bếp) và chỉ vào một đống đổ nát - kết quả sau một trận mưa dông hồi tháng tám. Tại đây, bằng mắt thường chúng tôi cũng dễ dáng nhận thấy hệ thống cột, kèo và đòn tay đã bị mục.

Cùng với đó, nền gạch của chùa có nhiều viên đã bị vỡ, chênh và phần mái lợp ngói âm dương cũng bị dột nhiều chỗ. Nước mưa là một trong những mối đe dọa đến các tác phẩm nghệ thuật bên trong chùa.

Ngoài ra, ở sân chùa còn có một cây bạch mai với tuổi thọ trên dưới 200 năm đã xuất hiện vết nứt ngay phần gốc giữa hai nhánh, gây nguy cơ ngã chết bất cứ lúc nào cần sớm có biện pháp hợp lý nhằm chống đỡ, giữ gìn.

Trước hiện trạng như bây giờ, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng tiến hành việc trùng tu lại chùa Giác Viên. Bởi, động thái này không chỉ nhằm gìn giữ một di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng mà hơn nữa, nếu để chậm trễ ngày nào thì công trình cổ quý báu này lại càng bị xuống cấp trầm trọng thêm.

THANH PHÚC

Tin cùng chuyên mục