Bệnh viện Nguyễn Trãi - Mô hình chăm sóc bệnh nhân chuyên nghiệp

Có nhu cầu
Bệnh viện Nguyễn Trãi - Mô hình chăm sóc bệnh nhân chuyên nghiệp

Từ ngày 5-2-2010, Bệnh viện Nguyễn Trãi (quận 5 TPHCM) kiên quyết giải tán các nhóm hành nghề nuôi bệnh thuê trong bệnh viện (BV). Cùng lúc, BV đã áp dụng các mô hình chăm sóc mới, nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân.

Chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Hồi sức cấp cứu chống độc, BV Nguyễn Trãi. Ảnh: THANH THU

Chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Hồi sức cấp cứu chống độc, BV Nguyễn Trãi. Ảnh: THANH THU

Có nhu cầu

Tại hầu hết các BV lớn ở TPHCM như Ung bướu, Chợ Rẫy, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Trãi…, hoạt động nuôi bệnh thuê diễn ra hết sức phổ biến. Những bệnh nhân cần người nuôi bệnh chủ yếu là người già, có hoàn cảnh đơn chiếc, mắc những căn bệnh kéo dài nên phải nằm viện lâu, không thể tự chăm sóc bản thân.

Do đó, công việc của người nuôi bệnh thuê là làm vệ sinh, cho bệnh nhân ăn uống, giúp khi tiểu tiện và gọi bác sĩ những lúc cần thiết. Hầu hết những người làm nghề này đều đến từ các vùng quê nghèo khó, quanh năm lấy BV làm nhà, chưa qua trường lớp đào tạo về dinh dưỡng và chế độ chăm sóc bệnh nhân.

Tuy nhiên, “làm riết cũng thành quen, nhiều người trong số chúng tôi đã bám trụ với nghề nuôi bệnh thuê hơn cả chục năm trời. Công việc tuy vất vả nhưng kiếm được tiền trang trải cuộc sống, hơn nữa còn giúp được nhiều người có hoàn cảnh khó khăn”, chị Minh, một người nuôi bệnh thuê nhiều năm ở BV Ung bướu, cho biết.

Riêng ở BV Nguyễn Trãi, hai khoa có số người nuôi bệnh thuê nhiều nhất là Hồi sức cấp cứu chống độc và Cấp cứu hô hấp. Với tính chất bệnh kéo dài, bệnh nhân khó khăn trong việc đi lại và ăn uống, nên trước đây số lượng người nuôi bệnh thuê có khi lên đến cả chục người.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Lý Lệ Thanh, Giám đốc BV Nguyễn Trãi: “Việc ăn ở kéo dài của những người nuôi bệnh thuê đã gây mất vệ sinh trong BV, đồng thời giữa các nhóm người này còn diễn ra tình trạng tranh giành khách, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự chung của BV. Sau nhiều lần nhắc nhở nhưng tình hình không cải thiện, BV đã phối hợp cùng Công an phường 8 quận 5, kiên quyết giải tán các nhóm nuôi bệnh thuê”.

Đồng thời, BV kiên quyết không cấp giấy thăm nuôi cho các đối tượng nói trên. Nếu phát hiện họ vẫn hành nghề nuôi bệnh lén lút trong BV, lực lượng bảo vệ sẽ mời ra ngoài, không cho tiếp tục hành nghề. Cũng theo bác sĩ Thanh, để phục vụ nhu cầu chăm sóc bệnh nhân tại các khu trung tâm cấp cứu, BV đã tăng cường đội ngũ điều dưỡng và hộ lý, thực hiện tốt hơn chế độ chăm sóc toàn diện đối với bệnh nhân.

Thí điểm mô hình hợp tác

Trao đổi với PV Báo SGGP về nhu cầu nuôi bệnh thuê trong BV, bác sĩ Võ Văn Tiến, Phó Giám đốc BV Nguyễn Trãi, cho biết: “Vừa qua, đại diện Công ty Sasoco, một đơn vị cung ứng dịch vụ nuôi bệnh thuê đã đến làm việc và trao đổi về kế hoạch cung ứng người nuôi bệnh với Ban giám đốc BV. Hiện BV đang xem xét kế hoạch cụ thể, nếu phù hợp sẽ cân nhắc phương thức hợp tác trong thời gian sắp tới”.

Việc thí điểm mô hình hợp tác không nằm ngoài mục đích nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân, đồng thời chuyên nghiệp hóa hoạt động chăm sóc trong BV. Song song với việc đó, BV cũng đang ra sức cân đối về mặt nhân sự, không ngừng phát triển đội ngũ điều dưỡng và hộ lý nhằm thực hiện tốt hơn việc chăm sóc bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân ở các khoa hồi sức và cấp cứu.

Hiện nay, tại hai khoa Hồi sức cấp cứu chống độc và Cấp cứu hô hấp, mỗi khoa có 24 điều dưỡng và 8 hộ lý, luân phiên chăm sóc 16-17 bệnh nhân. Người nhà chỉ được thăm bệnh vào khoảng 12-13 giờ chiều và 18-19 giờ tối, mang theo những vật dụng cần thiết cho bệnh nhân, còn lại tất cả mọi việc chăm sóc đã có nhân viên BV đảm nhiệm.

Kết quả bước đầu của sự nỗ lực trên cho thấy số vụ mất cắp tài sản trong BV giảm đi đáng kể, tình hình an ninh trật tự và vệ sinh công cộng được cải thiện, bệnh nhân yên tâm hơn về chất lượng điều trị và phục vụ. Thiết nghĩ đây là một cách làm đúng đắn cần được phát huy, không chỉ ở BV Nguyễn Trãi mà còn ở nhiều BV lớn khác trong TP.

Thu Tâm

Tin cùng chuyên mục