Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2): Thêm một góc nhìn về y đức

Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2): Thêm một góc nhìn về y đức

Ngày 6-11-1996, Bộ trưởng Bộ Y tế Đỗ Nguyên Phương đã ban hành Tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế, thường được gọi là 12 điều y đức.

Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy phẫu thuật khối u não cho bệnh nhân. Ảnh: Mai Hải

Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy phẫu thuật khối u não cho bệnh nhân. Ảnh: Mai Hải

Trong 12 điều này có những điều rất cụ thể, thiết thực và gần gũi, như “Tôn trọng quyền được khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân. Tôn trọng những bí mật riêng tư của người bệnh; khi thăm khám, chăm sóc cần bảo đảm kín đáo và lịch sự. Quan tâm đến những người bệnh trong diện chính sách ưu đãi xã hội. Không được phân biệt đối xử với người bệnh. Không được có thái độ ban ơn, lạm dụng nghề nghiệp và gây phiền hà cho người bệnh. Phải trung thực khi thanh toán các chi phí khám bệnh, chữa bệnh” (Điều 3); “Khi tiếp xúc với người bệnh và gia đình họ, luôn có thái độ niềm nở, tận tình; trang phục phải chỉnh tề, sạch sẽ để tạo niềm tin cho người bệnh. Phải giải thích tình hình bệnh tật cho người bệnh và gia đình họ hiểu để cùng hợp tác điều trị; phổ biến cho họ về chế độ, chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ của người bệnh; động viên an ủi, khuyến khích người bệnh điều trị, tập luyện để chóng hồi phục. Trong trường hợp bệnh nặng hoặc tiên lượng xấu cũng phải hết lòng cứu chữa và chăm sóc đến cùng, đồng thời thông báo cho gia đình người bệnh biết” (Điều 4); “Kê đơn phải phù hợp với chẩn đoán và bảo đảm sử dụng thuốc hợp lý an toàn; không vì lợi ích cá nhân mà giao cho người bệnh thuốc kém phẩm chất, thuốc không đúng với yêu cầu và mức độ bệnh” (Điều 6); “Khi người bệnh ra viện phải dặn dò chu đáo, hướng dẫn họ tiếp tục điều trị, tự chăm sóc và giữ gìn sức khỏe” (Điều 8)...

Y đức không phải là luật pháp (nên không có các quy định về chế tài, trách nhiệm pháp lý), mà là những quy ước và nguyên tắc được các thành viên trong ngành chấp nhận như là những kim chỉ nam cho việc hành nghề. Các quy ước này cho phép, nghiêm cấm, hay đề ra thủ tục về các hành xử cho các tình huống khác nhau. Y đức, do đó, là một luật luân lý về hành vi của người thầy thuốc liên quan đến những gì được xem là tốt và đúng, so với những gì được xem là xấu và sai.

Đặt ra vấn đề y đức là một yêu cầu khách quan và cần thiết vì có những điều pháp luật không thể (hoặc chưa) điều chỉnh, ràng buộc, mà chỉ phụ thuộc vào lương tâm, trách nhiệm của người thầy thuốc. Chẳng hạn, trước một người bệnh, việc người thầy thuốc có nhiệt tình cứu chữa hay không thì gần như luật pháp không thể can thiệp (phân biệt với có cứu chữa hay không). Vấn đề đạo đức cũng được đề cập ở một số ngành nghề khác như nghề báo, luật sư…

Đến nay, 12 điều y đức vẫn được treo trang trọng ở các bệnh viện, trung tâm y tế. Nói chung, 12 điều y đức này cũng không khác nhiều với 8 lời thề Hippocrates, vốn được tất cả các sinh viên y khoa tuyên thệ trước khi ra trường.

Dù vậy, trên thực tế, dường như không phải cán bộ ngành y tế nào cũng thuộc và thực hành đầy đủ 12 điều y đức. Có không ít ý kiến cho rằng vấn đề y đức hiện nay chưa được người thầy thuốc thể hiện rõ nét. Biểu hiện thường thấy là bác sĩ, nhân viên y tế thường ít tỏ ra nhiệt tình, chu đáo, lịch sự với người bệnh. Đi khám bệnh, bác sĩ chỉ hỏi qua loa vài câu, ít khi tìm hiểu thấu đáo, vì vậy người bệnh ít khi “dám” hỏi thêm về bệnh trạng của mình. Bác sĩ cũng ít dặn dò kỹ lưỡng những điều nên làm, cần làm, nên tránh và bị cấm để bệnh mau khỏi. Nhân viên y tế thường ít có nụ cười, hay trả lời “nhát gừng” và đôi khi còn làm khó bệnh nhân và người nhà để được “bồi dưỡng”. Tệ nhận tiền, quà cáp của người bệnh dù bị nghiêm cấm nhưng vẫn diễn ra. Cá biệt, có người còn “nuôi bệnh” để người bệnh phải đi điều trị lâu dài, nhằm “móc túi” họ; hoặc tìm cách đưa bệnh nhân từ bệnh viện công đến phòng mạch tư để thu tiền… Thậm chí, có thầy thuốc còn lợi dụng sự thiếu hiểu biết, sự lệ thuộc của người bệnh để trục lợi bất chính.

Bên cạnh 12 điều y đức, Luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng đã ra đời (có hiệu lực từ ngày 1-1-2011), nhưng theo nhiều chuyên gia y tế, là chưa đề cập rõ quy tắc ứng xử, giới hạn quan hệ, hành vi của thầy thuốc với bệnh nhân. Vì vậy, đã có ý kiến đề nghị nên ban hành quy tắc về y đức với lời lý giải rằng, vì mối liên hệ giữa người thầy thuốc và bệnh nhân, nên nguyên tắc đạo đức có một giá trị đặc biệt quan trọng trong việc hành nghề chữa bệnh, mà những quy tắc hiện nay chưa đáp ứng được. Chẳng hạn, một thiếu nữ đi khám bệnh mà người khám là nam giới, vậy liệu có cần người thứ ba (một nữ y tá hoặc thân nhân của người bệnh) hay không?... Như vậy, các điều y đức cần tiếp tục được điều chỉnh, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình thực tế.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, cán bộ y tế cần ghi khắc và thường xuyên thực hành lời dạy của Bác Hồ: “Lương y như từ mẫu”. Không chỉ trong khám chữa bệnh mà còn trong từng hành vi, cử chỉ, lời nói với bệnh nhân, cán bộ y tế phải thể hiện cho được trách nhiệm, tình cảm như với người thân của mình. Tức là, việc thực hành y đức không chỉ qua lời nói, không chỉ nhất thời mà phải qua hành động cụ thể và thường xuyên, liên tục.

Trúc Giang

Tin cùng chuyên mục