Hiệu quả sẽ cao khi người dân tham gia chống tội phạm

Người dân thành phố chúng ta đang sống trong một nghịch lý: giữa đường phố đông người nhưng nạn trộm cắp, cướp giật cứ ngang nhiên xảy ra mà không có mấy ai dám đứng ra ngăn cản, can thiệp, chỉ vì sợ bị bọn tội phạm quay lại hành hung, trả thù.

Người dân thành phố chúng ta đang sống trong một nghịch lý: giữa đường phố đông người nhưng nạn trộm cắp, cướp giật cứ ngang nhiên xảy ra mà không có mấy ai dám đứng ra ngăn cản, can thiệp, chỉ vì sợ bị bọn tội phạm quay lại hành hung, trả thù.

Cái nghịch lý “số đông lại sợ số ít, người tốt lại phải sợ kẻ xấu” cứ tồn tại là do nguyên nhân: việc xử lý, trừng trị bọn tội phạm côn đồ chưa kịp thời, chưa thật nghiêm khắc nên đã không đủ sức răn đe. Vì vậy tôi rất tâm đắc với ý kiến nhìn nhận thẳng thắn của ông Chủ tịch UBND quận 1: “Thiếu sót của quận là đã để phong trào quần chúng chựng lại” (Báo SGGP số ra ngày 13-9).

Rõ ràng việc đối phó với bọn trộm cắp, cướp cạn chỉ đạt hiệu quả cao khi có người dân cùng tham gia. Lực lượng công an không thể nào rải đủ trên suốt các tuyến đường và bọn tội phạm thường cũng chỉ gây án ở những địa điểm mà chúng không nhìn thấy bộ cảnh phục. Cho nên, người dân luôn là “lực lượng tại chỗ”, có mặt mọi lúc mọi nơi. Nếu mọi người cùng đồng lòng tham gia ngăn cản, truy đuổi thì chắc chắn khó có tên tội phạm nào có thể tẩu thoát.

Theo tôi, các nhà làm luật nên xác định một tội danh thích hợp và mức hình phạt tương xứng để xử lý hành vi trả thù những người tham gia bắt tội phạm của bọn côn đồ, thay vì chỉ áp dụng các tội danh “Cố ý gây thương tích” hay “Gây rối trật tự công cộng” như hiện nay. Bởi lẽ, người dân khi tham gia ngăn chặn, bắt giữ tội phạm là họ đang bảo vệ kỷ cương pháp luật. Việc các đối tượng côn đồ hành hung trả thù họ phải được xem là hành vi tấn công vào định chế pháp luật, vào an ninh xã hội, chứ không phải chỉ là xâm hại sức khỏe, tính mạng của công dân.

HOÀNG TRỌNG KHÔI


Cần “hiệp sĩ” chuyên nghiệp

Thời gian gần đây trên địa bàn TPHCM cũng như các tỉnh lân cận tình hình an ninh trật tự diễn biến rất phức tạp. Nạn trộm cướp lộng hành, tệ nạn xã hội, đâm thuê chém mướn, hành hung người vô cớ diễn ra một cách công khai… Trước tình hình đó một số người dũng cảm đã thể hiện tính công dân cao “dấn thân” trực tiếp đấu tranh ngăn chặn tội phạm. Những người hùng giữa thời bình đó được quần chúng gọi trân trọng là hiệp sĩ. Và chính sự dấn thân của hiệp sĩ đã góp một phần không nhỏ trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm.

Tuy nhiên, “hiện tượng hiệp sĩ” cần phải được phân tích, nhìn nhận một cách thấu lý đạt tình. Trước hết trong đấu tranh phòng chống tội phạm họ không có “tính pháp lý” nào “lận lưng” cả. Chính vì vậy mà khi xảy ra sự cố thiệt hại về tính mạng, tài sản đối với các hiệp sĩ này thì xử lý chế độ chính sách quả không dễ dàng. Điều đáng nói hơn, đành rằng ngành công an từ trước đến nay vẫn chú trọng công tác quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, tuy nhiên đấu tranh phòng ngừa tội phạm trực tiếp như hiệp sĩ thì cần phải được đào tạo huấn luyện về nghiệp vụ. Hiệp sĩ và người dân bình thường có quyền truy đuổi và bắt giữ người phạm pháp quả tang. Nhưng việc khám xét, tạm giữ người khả nghi thì đòi hỏi phải có chuyên môn và phải có tư cách pháp lý - hiệp sĩ không có tư cách pháp lý trong lĩnh vực này.

Điều làm dư luận băn khoăn, Nhà nước có hệ thống lực lượng công an từ cấp cơ sở đến trung ương, vậy trong đấu tranh chống tội phạm các lực lượng này ở đâu? Chúng ta không quên trong những năm sau giải phóng tình hình an ninh trật tự phức tạp, ngành công an nhân dân đã thành lập lực lượng săn bắt cướp. Lực lượng chuyên nghiệp này đã lập nên những chiến công hiển hách giữa thời bình góp phần gìn giữ sự bình yên cho từng con đường góc phố. Thời gian gần đây, tại các quận huyện, lực lượng công an nhân dân có thành lập lực lượng phản ứng nhanh 113 với đầy đủ nhân lực, phương tiện. Nhưng đáng buồn là lực lượng phản ứng nhanh nhưng sự xuất hiện của họ thường chậm.

Thiết nghĩ ngoài sự vui mừng trước nghĩa khí công dân, thấy việc bất bình chẳng tha của các hiệp sĩ, thì chúng ta phải “lo” về tính chuyên nghiệp trong đấu tranh tội phạm của lực lượng chuyên trách.

HỒNG LAM

Tin cùng chuyên mục