Ngang nhiên bán hàng cấm

Trên thị trường đang có tình trạng nhiều mặt hàng thuộc diện cấm kinh doanh như quân trang, quân dụng, máy phá sóng… nhưng được bày bán công khai tại chợ, hay rao bán trên mạng với địa chỉ rõ ràng. Điều dư luận thắc mắc là các cơ quan chức năng liên quan chưa mạnh tay xử lý.
Ngang nhiên bán hàng cấm

Trên thị trường đang có tình trạng nhiều mặt hàng thuộc diện cấm kinh doanh như quân trang, quân dụng, máy phá sóng… nhưng được bày bán công khai tại chợ, hay rao bán trên mạng với địa chỉ rõ ràng. Điều dư luận thắc mắc là các cơ quan chức năng liên quan chưa mạnh tay xử lý.

  • Huy chương, máy phá sóng… cũng bán

Chợ Dân Sinh (quận 1, TPHCM) lâu nay vẫn là tụ điểm mua bán nhộn nhịp các mặt hàng quân trang, quân dụng, mặc dù đây là hàng cấm kinh doanh. Vừa bước vào chợ, khách được chào mới tới tấp: “Mua gì? Trang phục quân đội, công an, loại nào cũng có!”. Nghe chúng tôi nói cần mua đôi giày công an, một người bán nhanh nhẩu đưa ra 4 đôi để chọn lựa, cho biết giá trung bình 300.000 đồng/đôi, và khẳng định chắc nịch: “Giày công an thật 100%!”. Tuy nhiên, khi lật xem đế giày, chúng tôi tỏ ý thắc mắc vì tên doanh nghiệp lạ. Biết rằng gặp khách mua hàng kỹ tính, người bán hàng nói: “Giày công an hiếm lắm, nếu cần mua thì chịu khó vài hôm sau quay lại”.

Minh họa: Anh Dũng

Minh họa: Anh Dũng

Các sạp hàng quanh văn phòng Ban quản lý chợ Dân Sinh vẫn không ngần ngại bày bán đủ thứ quân trang, quân phục. Một chị bán hàng giới thiệu với chúng tôi áo khoác quân đội dài tay mùa lạnh, báo giá 500.000 đồng/chiếc; áo màu rêu giá 170.000 đồng/chiếc; quần màu rêu giá 90.000 đồng/chiếc; quân phục rằn ri giá 300.000 đồng/bộ… Xem trên cổ áo, chúng tôi thấy ghi rõ hàng chữ “Cục Quân nhu - Tổng cục Hậu cần”; nhưng trên lưng quần chỉ ghi “Công ty May 20”. Chà tay trên lớp vải nghe sột soạt; quan sát dễ thấy vải khô, mỏng so với quân phục chính hiệu. Thấy một chị đang hỏi mua huy hiệu cựu chiến binh, chúng tôi đứng lại quan sát, thấy sạp hàng có bày bán hàng chục loại huy chương, huy hiệu đủ màu sắc, giá 20.000 - 30.000 đồng/chiếc.

Còn tại khu chuyên doanh hàng điện tử chợ Nhật Tảo (quận 10), một mặt hàng cấm kinh doanh là thiết bị gây nhiễu sóng di động cũng đang được mua bán thoải mái. Ghé một sạp hàng hỏi mua thiết bị này, một phụ nữ trẻ bán hàng cho biết còn khoảng chục máy phá sóng trong vòng bán kính 20 đến 40m, giá rẻ nhưng chất lượng… hên xui”. Một anh tự xưng kỹ sư chuyên doanh đồ điện tử tại chợ Nhật Tảo cho biết có thể lắp ráp thiết bị gây nhiễu sóng di động theo đơn hàng, nhưng phải đợi khoảng một tuần. Trong khi đang tìm hiểu về hoạt động mua bán thiết bị này, tình cờ chúng tôi được một khách hàng tư vấn nên mua qua mạng giá rẻ hơn. Lần theo trang web phananhmedia.vn, có ghi địa chỉ ở quận Đống Đa, Hà Nội) và số điện thoại liên lạc, chúng tôi gọi hỏi mua thiết bị gây nhiễu sóng di động và được hướng dẫn: “Chỉ cần ghi rõ địa chỉ người nhận và thanh toán tiền cho nhân viên khi nhận được hàng”.

Còn trang web khác - tongdai.com, xưng là Công ty TNHH Giải pháp truyền thông Viên An - Tương Mai, địa chỉ ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, “chảnh” hơn, buộc người mua phải thanh toán tiền trước qua tài khoản, nhận hàng sau, nhưng bù lại có chính sách khuyến mãi hạ giá khi mua nhiều. Nhân viên bán hàng tên Mạnh cam kết giảm giá bộ phá sóng TA4CA từ 14 triệu đồng còn 8 triệu đồng nếu khách đặt từ 5 bộ trở lên.

Thiết bị gây nhiễu sóng di động được rao bán công khai trên mạng. Ảnh: Thi Hồng

Thiết bị gây nhiễu sóng di động được rao bán công khai trên mạng. Ảnh: Thi Hồng

  • Xử phạt không dễ!

Nghị định 59/2006/NĐ-CP đã quy định chi tiết về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, trong đó xác định rõ vũ khí quân dụng, quân trang… thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh. Nếu thương nhân, cá nhân, tổ chức kinh doanh mặt hàng này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Khoản 5 Điều 18 Mục 3 Nghị định 142/2004/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện cũng đã nêu cụ thể: “Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thiết bị phát sóng vô tuyến điện cố ý gây nhiễu làm cản trở đến hoạt động thông tin của các mạng và hệ thống thông tin vô tuyến điện khác”. Chiếu theo quy định này, mức xử phạt đối tượng vi phạm không nhẹ, thế nhưng thực tế việc xử phạt những người kinh doanh cố tình vi phạm lại không đơn giản.

Được biết, cuối tháng 7-2012, Công an phường Nguyễn Thái Bình quận 1 TPHCM đã ra quyết định xử phạt hành chính 2 hộ kinh doanh hàng cấm, thu giữ 16 roi điện, 2 bình xịt hơi cay, 44 cây dao bấm, 9 cây dao đa năng… Nhưng việc xử phạt như vậy không đủ răn đe, đến cuối năm 2012, Công an phường Nguyễn Thái Bình vẫn tiếp tục phát hiện nhiều trường hợp kinh doanh hàng cấm. Tuy nhiên, khi kiểm tra, đối tượng đã kịp tẩu tán hàng nên không thể xử phạt.

Chúng tôi đã gặp ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Ban quản lý chợ Dân Sinh, để nêu câu hỏi vì sao trong chợ vẫn bày bán công khai các mặt hàng quân trang, quân dụng, ông Tâm nhìn nhận: “Đây là việc gây bức xúc từ lâu. Nhiều người buôn bán có các biện pháp rất tinh vi, chẻ hàng, giấu hàng tại những điểm bí mật; khi khách hàng hỏi mua thì người bán chọn địa điểm giao hàng ngoài khu vực chợ. Thêm nữa, các tay cò mồi cũng lo việc phân phối hàng cấm; gây nhiễu loạn hoạt động kinh doanh. Vẫn khó xử phạt do quy định khái niệm hàng cấm còn khá mơ hồ. Theo tôi, UBND TPHCM nên có quy định chi tiết các mặt hàng thuộc diện cấm kinh doanh để cơ quan chức năng dễ xử lý”.

Thực tế trong nhiều vụ trọng án, tội phạm giả dạng công an, quân đội, và sử dụng vũ khí “nóng” để gây án, đó chính là do việc quản lý hoạt động kinh doanh quân trang, quân dụng lỏng lẻo, đe dọa an ninh, trật tự xã hội. Nói như ông Trần Hùng, Cục phó Cục Quản lý thị trường: “Việc phát hiện, xử lý hàng cấm kinh doanh phải có sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía; một mình lực lượng quản lý thị trường không làm nổi”. 

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục