Bất an ở những ngôi trường “đóng hộp”

Đến nay, trên địa bàn TPHCM vẫn còn nhiều ngôi trường nhỏ hẹp, do tận dụng nhà phố làm trường học. Các trường này không có sân chơi cho học sinh và không an toàn vì dễ cháy và không có lối thoát hiểm.
Bất an ở những ngôi trường “đóng hộp”

Đến nay, trên địa bàn TPHCM vẫn còn nhiều ngôi trường nhỏ hẹp, do tận dụng nhà phố làm trường học. Các trường này không có sân chơi cho học sinh và không an toàn vì dễ cháy và không có lối thoát hiểm.

Khi trường là nhà

Tại Trường Tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt (40 Huỳnh Mẫn Đạt, phường 2, quận 6 TPHCM), vào giờ chơi, học sinh vẫn phải ngồi tại chỗ hoặc “đi nhẹ nói khẽ” ngay trong lớp học, bởi trường không có sân chơi. Ngôi trường này được ghép từ 2 căn nhà phố khá cũ, với 19 phòng học, chỉ có một khoảnh sân nhỏ trên sân thượng. Trường chỉ có một cầu thang nhỏ hẹp để đi lên các phòng học nên vào giờ tan học, học sinh các lớp phải xếp hàng lần lượt đi xuống. Chị Đỗ Thị Thu Hà có con học lớp 2 Trường Tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt, than: “Không biết tụi nhỏ phải học trong “cái hộp diêm” này đến bao giờ. Lứa tuổi hiếu động mà không có sân chơi để được vận động dễ hình thành thói quen ù lì, lười vận động ở trẻ. Trường tổ chức cho trò học thể dục trên sân thượng thì nguy hiểm quá!”. Tương tự, Trường Tiểu học Điện Biên nằm khuất trong hẻm 724 Điện Biên Phủ (phường 11, quận 10). Gần 40 năm trước, nhà chùa đã hiến đất cho địa phương làm trường học nên trường không có sân chơi. Thấy con em mình phải học tập trong môi trường thiếu thốn nên nhiều phụ huynh xót xa. Chung tình cảnh là các trường Tiểu học Cây Bàng (quận 4), THCS Đức Trí (quận 5), THCS-THPT Đăng Khoa (quận 1)... Ngoài ra, một số trường khi thiết kế xây dựng có dành sân chơi, sân tập theo chuẩn, nhưng rồi quy mô học sinh tăng theo từng năm nên diện tích sân chơi, sân tập bị “chiếm” để xây thêm phòng học.

Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (quận 5) chỉ có một cổng ra vào nhỏ hẹp.

Hỏa hoạn, chạy đằng nào?

Mới đây, sau khi Trường Mầm non Hoa Phượng Đỏ (quận 8) bị cháy, nhiều phụ huynh có con học tại các trường mầm non tư thục, trường phổ thông là nhà phố rất hoang mang. Tại TPHCM có hàng trăm trường mầm non tư thục được hình thành từ căn nhà phố cao tầng, chỉ có một cổng ra vào. Vốn những căn nhà này được thiết kế để ở nên hệ thống chữa cháy, lối thoát hiểm chưa được đầu tư. Thế nhưng khi chuyển công năng để mở trường, làm nơi học tập của hàng chục, thậm chí hàng trăm trẻ nhỏ, các trường lại chưa chú trọng đến lối thoát hiểm, phòng tình huống hỏa hoạn.

Bà Sơn Hồng Tú (bán nước giải khát ở đầu hẻm 430 Cách Mạng Tháng Tám, quận 3) chỉ về phía căn nhà phố 4 lầu được sử dụng làm Trường Mầm non 11, cho biết: “Mấy hẻm xung quanh đây có tới 3 cơ sở của trường mầm non này, tất cả đều là dạng nhà phố cao tầng. Nói dại chứ chẳng may xảy ra hỏa hoạn ở tầng trệt chẳng hạn thì đưa tụi nhỏ ra ngoài bằng cách nào?”. Tương tự, 5 cơ sở của Trường Mầm non Hoa Lan (quận 1), Tuổi Xanh (quận 2), Búp Măng (quận 4)... cũng hình thành từ những căn nhà phố, xung quanh đều là nhà cao tầng. Chị Nguyễn Ngọc Anh có con học tại một trường mầm non tư thục ở quận 10 cũng đang đôn đáo tìm trường khác để gửi con. Chị tâm sự: “Lúc đầu mình chỉ tìm trường nào sạch sẽ, gần nhà để tiện đưa rước con, chứ không để ý đến an toàn cháy nổ. Sau khi nghe tin cháy trường mầm non ở quận 8, nhìn lại thấy trường con mình ghê quá, hàng chục cô giáo, gần 100 em nhỏ mà chỉ có một cầu thang lên xuống, xung quanh là nhà cao tầng san sát, nên chẳng may xảy ra hỏa hoạn thì thật khó để thoát ra ngoài”.

Ở khối phổ thông, những trường nhỏ, thiếu sân chơi như trên cũng là những trường kém an toàn. Ngoài ra, cũng có những trường dù có khoảng sân nhỏ phục vụ hoạt động thể dục thể thao của trẻ nhưng rất khó ứng phó khi xảy ra sự cố. Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (Nguyễn Trãi, quận 5) có khuôn viên giống một chung cư với mặt tiền cao 6 tầng. Trường có khoảng sân hẹp ở giữa các dãy phòng học dùng để ăn trưa, tập thể dục và chào cờ. Điều đáng nói, cả một ngôi trường với hàng trăm học sinh nhưng chỉ có một cổng duy nhất nhỏ như cổng của một căn nhà bình thường, rất khó đảm bảo thoát hiểm an toàn. Tương tự, Trường THPT Đăng Khoa (571 Cô Bắc, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1) khuôn viên trường được cải tạo từ 4 căn nhà phố, có 1 cầu thang đi lên và 1 cầu thang đi xuống ngăn cách nhau bằng một bức tường nhưng tất cả đều rất hẹp. Đây là nơi học tập của hàng trăm học sinh nhưng cũng chỉ có một cổng ra vào rộng chừng hơn 2m. Phía sau tầng trệt, trong khu vực bếp ăn có thêm một lối thoát hiểm ra con hẻm nhỏ bên hông trường. “Tầng trệt khá nhỏ, bí bách, lại là nơi sử dụng làm bếp ăn, nếu nơi này xảy ra sự cố gì thì học sinh biết chạy đường nào?” - anh Đỗ Hoàng Quân ngụ gần đó thắc mắc. Chúng tôi đem thắc mắc này hỏi ông Phan Văn Học, Tổng quản nhiệm Trường THCS-THPT Đăng Khoa. Ông Học cho biết khi xảy ra tình huống khẩn cấp thì học sinh sẽ ra ban công để thoát hiểm bằng thang dây. Tuy nhiên khi chúng tôi ngỏ ý muốn tham quan hệ thống thang dây của trường thì ông Học nói... trường chưa trang bị (?!).

BẢO HÂN

Tin cùng chuyên mục