Không để có thêm những bi kịch gia đình

LTS:
Không để có thêm những bi kịch gia đình

LTS: Trong thời gian gần đây, tại các tỉnh Phú Thọ, Quảng Nam, Bình Dương, Bình Phước, TPHCM… xảy ra những bi kịch gia đình thương tâm: mẹ giết con rồi tự tử. Dư luận lo âu về tình trạng đang có nhiều bà mẹ thiếu kỹ năng sống, ít vốn sống nên đã nông nổi, dại dột khi gặp tình cảnh thất vọng, quẩn bách. Vậy làm gì để tránh những bi kịch như thế? Xin giới thiệu ý kiến của các nhà tâm lý học gửi đến Báo SGGP.

Người chồng của chị H.A. (ở huyện Nhà Bè, TPHCM) thẫn thờ trước bi kịch vợ giết con rồi tự tử. Ảnh: THANH HẢI

* Thạc sĩ tâm lý học NGUYỄN VĂN CÔNG (TP Biên Hòa, Đồng Nai): Đó cũng là xâm hại quyền được sống

Có không ít bậc cha mẹ quan niệm hết sức sai lầm rằng mình có quyền sinh thì cũng có quyền sát đối với những đứa con do mình sinh thành, dưỡng dục. Lối suy nghĩ nông cạn đó đã dẫn đến những hành động hết sức đau lòng, xâm hại đến quyền được sống của trẻ. Những vụ việc thương tâm đã xảy ra có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, trầm cảm, áp lực công việc…

Song, dù với bất kỳ với lý do nào cũng không thể biện minh được. Việc tước đi của con trẻ quyền được vui sống, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của con là biểu hiện của nạn bạo hành, xâm hại nghiêm trọng. Những trường hợp tước đi quyền sống của con là hành vi tội ác không thể chấp nhận được phải bị lên án gay gắt.

Có người cho rằng những người phụ nữ đó quá thương con, họ nghĩ rằng nếu mình chết đi thì con biết dựa dẫm vào ai mà sống, nên dù rất đau lòng họ cũng đành phải mang con theo về thế giới bên kia. Đó là cách nghĩ hết sức nông nổi, cực đoan. Vì thiếu kỹ năng làm chủ cuộc sống, thiếu kỹ năng làm mẹ, những người phụ nữ đó đã tước đi quyền sống của những đứa trẻ.

Chết có thực sự là hết hay không khi những người thân trong gia đình sống trong nỗi xót xa, day dứt khôn nguôi? Câu hỏi đó gây nhức nhối trong dư luận xã hội. Vì vậy, xã hội cần phải lên án mạnh mẽ những suy nghĩ và hành vi tước đoạt quyền sống của trẻ. Các cơ quan báo đài cần sàng lọc thông tin để tránh việc vô tình cổ súy những hành vi tiêu cực do cơ chế lan truyền tâm lý.

Các tổ chức Đoàn TNCS, Hội Liên hiệp Phụ nữ cần trang bị kịp thời những kiến thức và kỹ năng làm chủ cuộc sống trong xây dựng gia đình thời nay, không chỉ để bớt đi sự việc thương tâm mà còn góp phần làm cho xã hội đẹp đẽ hơn, văn minh hơn.

* LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN (giảng viên tâm lý học ĐH Nguyễn Huệ): Tự tử là hèn nhát

Để không có thêm những bi kịch gia đình mẹ giết con rồi tự tử, theo tôi, cần thực hiện tốt cả 3 mặt nhận thức, tình cảm và ý chí. Bởi đó cũng là 3 mặt quan trọng nhất của đời sống tâm lý con người.

Về nhận thức, cần phải tuyên truyền, phổ biến những kiến thức cần thiết cho thế hệ trẻ ngay từ nhà trường về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, trong đó tập trung giáo dục giá trị sống, hiểu biết pháp luật. Trên cơ sở đó sau này khi các em trưởng thành, mới có cuộc hôn nhân vững chắc và tránh được các nguy hại có thể xảy ra. Trước khi tiến tới hôn nhân, cần phải hình dung được những khó khăn phải đối mặt về thu nhập, chăm sóc con cái, mâu thuẫn vợ chồng…

Có như vậy, khi có tình huống thực tế xảy ra, sẽ sẵn sàng chấp nhận, không còn bị bất ngờ hay quá thất vọng. Đừng bao giờ nghĩ mình không có lối thoát, hãy kiên trì, học cách chấp nhận thì khó khăn sẽ từng bước được tháo gỡ. Đừng quên bên cạnh chúng ta còn có gia đình, dòng họ, cộng đồng xã hội.

Về tình cảm, các bà mẹ nên học cách cân bằng cảm xúc, không nên tạo ra những áp lực quá lớn, tích cực tham gia vào các hoạt động lành mạnh. Khi bị áp lực khó giải tỏa thì tìm cách để giải phóng cho mình trước như thả lỏng, gác lại những công việc, hoặc tìm đến những người hàng xóm, anh em họ hàng để được sẻ chia và tìm hướng giải quyết tốt nhất. Kinh nghiệm cho thấy những phụ nữ hay “tám” thường giảm bớt được stress, ít khi bị lo âu hoặc rơi vào trầm cảm.

Ngược lại, những phụ nữ ít nói chuyện, ít cởi mở, thì khi gặp áp lực dễ bị dồn nén và khó có cách giải quyết tích cực. Do đó, phụ nữ nên tránh những cảm xúc tiêu cực xuất hiện, bởi cảm xúc tiêu cực dễ làm cho người ta lú lẫn, giảm trí nhớ, mất phương hướng, cũng như hay nảy sinh những tư tưởng tiêu cực để giải thoát.

Ý chí có vai trò đặc biệt quan trọng để phụ nữ trong gia đình có thể làm chủ được bản thân khi có tình huống xấu. Phải xác định rằng sau khi lập gia đình là một giai đoạn rất khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần. Đặc biệt khi có con thì càng vất vả hơn với vai trò làm mẹ, làm vợ. Nhiều khi phải đối mặt với những thử thách lớn như con trẻ ốm đau liên miên, những mối bất hòa trong gia đình… Do vậy, chị em cần phải biết cách vượt qua những khó khăn trên bằng cách tập thích nghi, hãy chấp nhận sự việc xảy ra và nỗ lực để tháo gỡ. Bản thân không giải quyết được thì cần sự giúp đỡ của những người xung quanh.

Mong những bà mẹ trẻ thật vững tâm và hãy quý trọng tính mạng của mình cũng như những đứa con mình mang nặng đẻ đau. Tự tử là hèn nhát và cũng chẳng được người đời thương tiếc, thậm chí còn bị oán trách.

Tin cùng chuyên mục