Thả nổi chất lượng thuốc đông y

Sau bài “Quý dược bán dạo” đăng trên Báo SGGP số ra ngày 9-8, nhiều bạn đọc gọi điện tới đường dây nóng phản ánh tình trạng nguyên dược liệu thuốc đông y bán dạo, bán trong một số nhà thuốc tại TPHCM không rõ nguồn gốc, khiến người bệnh vừa uống vừa sợ. Tình trạng thả nổi chất lượng thuốc đông y đang là nỗi lo không của riêng người bệnh.
Thả nổi chất lượng thuốc đông y

Sau bài “Quý dược bán dạo” đăng trên Báo SGGP số ra ngày 9-8, nhiều bạn đọc gọi điện tới đường dây nóng phản ánh tình trạng nguyên dược liệu thuốc đông y bán dạo, bán trong một số nhà thuốc tại TPHCM không rõ nguồn gốc, khiến người bệnh vừa uống vừa sợ. Tình trạng thả nổi chất lượng thuốc đông y đang là nỗi lo không của riêng người bệnh.

Nguyên dược liệu thuốc đông y bày bán đổ đống trên vỉa hè đường Trường Chinh (quận Tân Bình, TPHCM).

Thần dược ở... lề đường

Đánh vào tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương” của khách hàng, nhiều người bán dạo bày bán ở lề đường những thứ gọi là nguyên liệu thuốc đông y. Dọc tuyến đường Trường Chinh (quận 12) xuất hiện nhiều điểm bán cây, rễ thuốc phơi sấy khô giá rẻ, không rõ nguồn gốc. Trước cổng vào KCN Tân Bình (đoạn giao nhau giữa đường Trường Chinh và Tây Thạnh), đoạn đường Cộng Hòa (đối diện với BigC Trường Chinh) thường xuyên xuất hiện nhóm người bán dược liệu trị bách bệnh. Sản phẩm gồm dây khổ qua rừng, dâm dương hoắc, rễ cây xáo tam phân… đựng trong túi nylon để mở, trưng sát trụ đèn giao thông, mặc gió bụi. Để khách hàng yên tâm, người bán luôn miệng khẳng định: “Các loại cây thuốc được nuôi trồng đảm bảo, không phun xịt thuốc trừ sâu, an toàn cho người sử dụng. Dược liệu chúng tôi bán có khả năng trị bách bệnh, từ ung thư, yếu sinh lý đến làm đẹp. Không tin, cứ mua dùng thử sẽ thấy hiệu quả tức thời!”.

Giá bán rễ cây xáo tam phân dao động từ 1,5 - 3 triệu đồng/kg, tùy loại tươi hoặc khô; khổ qua rừng có giá từ 90.000 - 100.000 đồng/kg; dâm dương hoắc giá 250.000 - 260.000 đồng/kg… Một thầy thuốc Viện Y dược học dân tộc TPHCM cảnh báo: “Phải cẩn trọng với các loại dược liệu đổ đống vỉa hè, vì nhiều khả năng sản phẩm bị giả mạo tinh vi”. Chị Mai Thị Luyến, một người bán dạo rễ cây xáo tam phân tại quận 12, tiết lộ, rễ xáo tam phân được bào chế với nhiều vị thuốc khác, có khả năng chữa được ung thư máu, ung thư vú, ung thư đại tràng… nên người bán dạo đua nhau hét giá.

Theo Cục Quản lý dược, khoảng 90% nguyên liệu dược của Việt Nam phải nhập từ nước ngoài, trong đó phần lớn nguyên dược liệu đông y nhập từ Trung Quốc do Việt Nam chưa thể chủ động nuôi trồng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sử dụng trong nước. Ghi nhận của PV, không chỉ nguyên liệu thuốc bán dạo lề đường không rõ nguồn gốc, mà ngay cả một số cửa hàng chuyên doanh thuốc đông y dọc tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông, Lương Nhữ Học (quận 5) cũng đổ đống thuốc trong các bao tải lớn, bày ra trước cửa hàng thu hút người mua. Tại một cửa hàng thuốc khá lớn ở đường Hải Thượng Lãn Ông, thường xuyên có du khách quốc tế ra vào tham quan, nhưng cũng bán thuốc thang các loại không kê toa, không rõ xuất xứ. Chị Tỷ Tỷ, nhân viên một nhà thuốc đông y ở đường Hải Thượng Lãn Ông, thừa nhận nguyên dược liệu thuốc được nhập từ nhiều nguồn, chủ yếu từ Trung Quốc, với số lượng rất lớn, nên chủ cửa hàng hiếm khi ghi xuất xứ rõ ràng.

Nguy cơ tồn dư độc tố

Bạn đọc Lê Vân (ngụ tại Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) bức xúc phản ánh: “Qua người quen giới thiệu, gia đình tôi mua được nửa ký rễ xáo tam phân khô, giá 1,5 triệu đồng. Khi sắc uống, nước có mùi hắc, vị hăng nồng khó chịu. Lo sợ hàng dỏm, tôi liên lạc với người bán và được trấn an rằng không sao. Chưa yên tâm, tôi đem toàn bộ số rễ xáo tam phân tới một cửa hàng thuốc đông y có tiếng tại Đắk Lắk đối chứng và phát hiện đó là xáo tam phân giả. Bởi xáo tam phân thật khi sắc lên có mùi thơm rất dễ chịu. Nhiều khả năng người bán dùng cây vú bò hoặc cây táo leo để lừa người mua, vì hai cây này khá giống xáo tam phân”.

Bà Nguyễn Thị Lan, một thầy thuốc lớn tuổi đã nghỉ hưu ngụ tại quận 6, cho hay: “Mua nguyên liệu thuốc đông y hiện nay cũng… hên xui. Lo nhất chính là nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Thầy thuốc dù rất muốn cứu bệnh nhân, nhưng nguyên liệu thuốc không đảm bảo thì cũng dễ gây biến chứng nguy hiểm, có khi mất mạng. Điển hình như vụ lương y Phạm Minh Tiến (ngụ tại Tuy Phong, Bình Thuận) chết vào năm 2013 vì thử thuốc do chính mình điều chế. Trước đó, ông Tiến bán thuốc đông y cho anh Phùng Văn Nên ngụ cùng xã điều trị thấp khớp. Sau khi uống, anh Nên bị ngộ độc, may mắn được cứu khỏi. Ông Tiến không tin thuốc có độc, uống thử, dẫn đến mất mạng”.

PV Báo SGGP trao đổi với Thầy thuốc ưu tú - bác sĩ Nguyễn Đức Kiệt, ông cho biết: “Khả năng nguyên liệu thuốc bị nhiễm độc trong quá trình nuôi trồng là rất cao, rất khó kiểm soát nếu như người sản xuất chạy theo lợi nhuận. Thực tế cho thấy phần lớn nguyên dược liệu thuốc đông y hiện nay của nước ta đều phải nhập từ Trung Quốc, bao gồm cả nhập chính ngạch lẫn nhập lậu trôi nổi bằng đường tiểu ngạch. Trong quá trình khám chữa bệnh, nhiều cửa hàng thuốc đông y mang nặng tính bí truyền, không kê đơn cho người bệnh. Họ chỉ cấp một toa thuốc có ghi số hiệu, tên người bệnh, sau đó dặn tái khám cầm theo đơn. Điều này trái với quy định hiện hành của Bộ Y tế. Tốt nhất người bệnh không nên tự tiện sử dụng thuốc đông y trôi nổi, mà hãy tới các bệnh viện uy tín để được khám, điều trị hợp lý, an toàn”.

Thuốc tây y đã có quy trình kiểm tra, giám sát, nhưng ngược lại, thuốc đông y rất khó kiểm soát và truy chất lượng đến cùng. Chính các thầy thuốc đông y công tác tại một số bệnh viện lớn tại TPHCM cũng thừa nhận điều này. Do vậy, Bộ Y tế cần có những biện pháp quản lý triệt để hơn đối với các mặt hàng nguyên dược liệu thuốc đông y bày bán trên thị trường hiện nay, để hạn chế những rủi ro đáng tiếc xảy ra cho người bệnh.

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục