Khiếu nại kéo dài, vượt cấp: Cần giải quyết thấu tình đạt lý

Tiếp dân: chỉ ghi nhận chứ không giải quyết
Khiếu nại kéo dài, vượt cấp: Cần giải quyết thấu tình đạt lý

Trong công tác bạn đọc, Báo SGGP tiếp nhận nhiều lá đơn của người dân gửi đến kêu cứu, ghi lần gửi đơn thứ mấy chục, thậm chí thứ mấy trăm, kèm theo hàng loạt phiếu chuyển… Có nhiều vụ việc khiếu nại vượt cấp, kéo dài, do các bên chưa tìm được tiếng nói chung.

Lãnh đạo UBND quận Bình Thạnh (TPHCM) trực tiếp chủ trì cuộc họp để lắng nghe và giải quyết khiếu nại của người dân địa phương. Ảnh: THANH HẢI

Tiếp dân: chỉ ghi nhận chứ không giải quyết

Ông Nguyễn Xuân Minh (ngụ tại 116/12A Trần Quốc Toản, quận 3, TPHCM) gửi bức tâm thư đến Báo SGGP mong được chia sẻ việc ông khiếu nại yêu cầu giải quyết 9,23m² dôi dư trong hồ sơ bán nhà sở hữu nhà nước cho ông. Quận không chấp thuận và 6 năm qua, ông nhiều lần nộp đơn, đăng ký đối thoại trực tiếp với lãnh đạo TP, nhưng vô vọng. Bao nhiêu năm, cứ hễ đọc được bài báo hay phát biểu nào của vị lãnh đạo nào có thẩm quyền về trách nhiệm quan tâm lắng nghe dân là ông như mở cờ trong bụng, cắt tờ báo lưu lại. Ông gửi hàng chục đơn thư đến các nơi, rồi ông vui mừng nhận “phiếu chuyển” của các cơ quan cấp trên yêu cầu địa phương “giải quyết và báo cáo”. Thế nhưng, niềm vui của ông tắt dần theo thời gian vì chẳng có giải quyết thỏa đáng.

Trong các cuộc họp tiếp xúc cử tri, ông tranh thủ tiếp cận các vị đại biểu dân cử để trình bày và được lắng nghe với thái độ rất chia sẻ, nhưng không thuộc lĩnh vực phụ trách nên chỉ được hứa sẽ chuyển. Và kết quả giải quyết cuối cùng ông nhận được vẫn chưa làm ông “thông được”! Ông than: “Một vụ việc khiếu nại đơn giản, không quá khó để xác minh giải quyết, nhưng cách xử lý vẫn chưa làm tôi thông suốt được!”. Chúng tôi chưa đề cập đến quyết định của chính quyền là đúng hay sai, vì hiện nay quyết định này đã bị kiện ra tòa, nhưng với một việc nhỏ mà chính quyền không giải thích cho dân hiểu thấu tình đạt lý, để người dân phải khiếu nại kéo dài nhiều năm trời thì thật là đáng tiếc”.

Một trường hợp khác là ông Nguyễn Anh Huy (ngụ tại ấp 3, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM), cũng 6 năm ròng gửi đơn khắp nơi để yêu cầu cung cấp giá bồi thường giải tỏa khu đất ông đang ở - một nguyện vọng rất đơn giản. Công ty Việt Liên Á chưa công khai giá bồi thường, trong khi một số hộ dân nơi đây có nhà “dính” cùng lúc 2 dự án, dự án kia đã bồi thường xong nửa căn nhà, nửa căn còn lại chờ mãi không biết khi nào Công ty Việt Liên Á mới bồi thường, mức giá bồi thường là bao nhiêu. Nóng lòng, các hộ dân gửi đơn khắp nơi. Mặc dù các “phiếu chuyển đề nghị UBND huyện Bình Chánh công khai giá và báo cáo cho HĐND TP trong vòng 7 ngày”. Nhưng rồi, các đơn thư, phiếu chuyển, công văn chỉ đạo đều không được chính quyền địa phương thực hiện đúng thời hạn.

Dự một số cuộc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, chúng tôi nhận thấy hầu hết các nơi đều thực hiện không nghiêm túc Luật Khiếu nại. Tại điểm c khoản 2 Điều 14 và điểm c khoản 1 Điều 15 Luật Khiếu nại 2011 quy định quy trình giải quyết khiếu nại là phải tổ chức đối thoại giữa người khiếu nại, người bị khiếu nại với cơ quan, tổ chức có liên quan. Thế nhưng, nhiều nơi bỏ qua thủ tục đối thoại này nên khi ban hành quyết định giải quyết khiếu nại trái với nguyện vọng của người dân thì người dân không hiểu được nguyên nhân và căn cứ pháp lý để bác. Có nơi cũng tổ chức đối thoại, nhưng giao người không có thẩm quyền đứng ra đối thoại với dân, nên hầu hết các ý kiến của dân chỉ được “ghi nhận và báo cáo lãnh đạo” chứ không được giải thích hay giải quyết.

Vượt cấp: do thiếu niềm tin

Theo Điều 7 thì trình tự giải quyết khiếu nại lần đầu là khiếu nại đến người đã ra quyết định hoặc cơ quan của người ra quyết định, khi người đó giải quyết không thỏa đáng thì mới khiếu nại lên cấp trên trực tiếp. Vậy tại sao những người khiếu nại lại mang đơn gửi khắp nơi, phải tốn nhiều tiền tem thư, để rồi đơn cũng lại chuyển về nơi giải quyết ban đầu? Câu trả lời của hầu hết những người gửi đơn vượt cấp là vì sự thiếu công tâm, công minh của người giải quyết khiếu nại lần đầu, nhiều cán bộ thường bao biện cho cái sai của mình chứ chẳng thừa nhận mình sai.

Một số người phản ánh, sở dĩ có khiếu nại vượt cấp là vì chính quyền cấp cơ sở ít khi tuân thủ thời gian giải quyết khiếu nại theo đúng luật. Điều 28 Luật Khiếu nại quy định thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày (vụ việc phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày). Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày (đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài nhưng không quá 60 ngày). Hết thời gian đó, nếu khiếu nại chưa được giải quyết thì người dân có quyền khiếu nại lên cấp trên. Nhưng khi đơn chuyển lên cấp trên thì lại bị chuyển ngược về cấp giải quyết lần đầu. Nguyên nhân, hầu hết các đơn vị thụ lý khiếu nại chỉ nhận đơn mà không đưa giấy biên nhận để người dân có thể chứng minh thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu đã hết. Điều 27 quy định “trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp biết, trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do”. Thế nhưng, hầu như chẳng nơi nào thực hiện. Không có “thông báo bằng văn bản” thì người dân không có chứng cứ chứng minh thời hạn thụ lý đơn kiếu nại.

Chính vì các cơ quan, địa phương không tuân thủ pháp luật ngay từ đầu, không giải thích cặn kẽ cho dân hiểu, nên nhiều người dân mất niềm tin đối với cán bộ giải quyết khiếu nại lần đầu. Chỉ cần chịu khó lắng nghe dân nói, kiên trì giải thích thì mọi vấn đề đều được giải quyết, thậm chí cho dù cách giải quyết không đúng ý dân nhưng việc làm dân hiểu, thông suốt cũng là yếu tố giúp công tác giải quyết khiếu nại thành công.

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục