Đừng thỏa hiệp với những hành vi lệch chuẩn

- Phóng viên:

Gần đây, dư luận rất bất bình về việc nhiều người Việt du lịch nước ngoài đã có những hành vi không đẹp như không giữ vệ sinh nơi công cộng, chen lấn xô đẩy khi mua sắm, thậm chí trộm cắp vặt. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS HUỲNH VĂN SƠN, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, về việc này.

- Phóng viên: Thông tin về việc có không ít người Việt khi ra nước ngoài đã có những hành vi kém văn hóa khiến hình ảnh người Việt bị méo mó. Ông đánh giá thế nào về nguyên nhân của thực trạng này?

>> PGS-TS HUỲNH VĂN SƠN: Sự dễ dãi với chính mình, sự thiếu cân nhắc và thiếu ý thức trong hành vi, cả từ những thói quen thoải mái của một số người Việt đã làm cho sự ứng xử và giao tiếp có phần thiếu chuẩn mực. Xét dưới góc độ văn hóa, tâm lý xã hội, các chương trình hành động mang tính bài bản và dài hơi để nâng cao văn hóa của con người và ứng xử văn minh chưa được thực hiện một cách có chiến lược và đồng bộ. Về thực chất, chúng ta chưa làm hết mình trong việc xây dựng nếp sống văn minh.

Bản thân du lịch không có lỗi, nhu cầu của người dân về việc du lịch ra nước ngoài là hoàn toàn chính đáng. Nhưng chúng ta cũng cần nhìn nhận rằng chính kiểu làm ăn có phần chụp giật cũng như phá giá, bán rẻ - bán bằng mọi giá của một số công ty du lịch hiện nay, làm nảy sinh nhiều hệ lụy. Người du lịch nhận được mọi điều hứa hẹn, nhưng không được chuẩn bị kỹ những kiến thức và kỹ năng cần có tương xứng trong chuyến đi, nên không có ý thức cao về chuyến du lịch của mình, không thực sự tạo nên những suy nghĩ và thái độ tích cực. Thiếu sự tương tác văn hóa cũng như thiếu điều chỉnh hành vi khi du lịch nước ngoài cũng là một vấn đề đáng nghĩ. Các công ty du lịch hãy là những trung tâm xúc tiến văn hóa. Hãy hiểu mỗi hướng dẫn viên là một người huấn luyện về văn hóa, để thấy rằng không thể quá vô tư chiều ý khách hàng, không thể quên tương tác giáo dục cùng khách hàng, không thể bỏ qua những cơ hội tác động để khách hàng người Việt hiểu văn hóa xuyên quốc gia và chuẩn hành vi văn minh.

- Ông có dự báo gì về hành vi của thế hệ trẻ hiện nay xét từ góc độ tâm lý giáo dục?

Tôi nghĩ thế hệ trẻ sẽ thông tuệ hơn, do có nhiều điều kiện hơn. Nhưng quan trọng vẫn là có thực sự văn minh đúng nghĩa hay không. Thực tế cho thấy vẫn có một số người trẻ rất đẹp, rất xinh nhưng vẫn có những hành vi thiếu tính chuẩn mực. Điều này không thể chỉ đổ lỗi cho gia đình hay nhà trường, mà chính bản thân người trong cuộc cần suy nghĩ. Các bạn trẻ hãy sống hiện đại, văn minh, nhưng cũng cần phải tương tác tích cực, kéo cả một chuỗi hành vi tích cực của mình cũng như của bạn bè, gia đình hướng chuẩn. Điều này không dễ nhưng không thể không làm được. Hơn nữa, cần lắm sự kiên trì và bản lĩnh. Ngoài ra, cũng cần tỉnh táo hiểu rằng trong những chuẩn hành vi ấy, có những thứ người Việt nên là người đi trước, chứ không phải chỉ là theo đuôi. Đừng quên văn hóa Việt rất dày, bên cạnh những điều hạn chế, vẫn còn những điều rực rỡ và tuyệt vời lắm.

- Theo ông, cần làm gì để xây dựng hình ảnh người Việt đẹp hơn trong mắt bạn bè quốc tế?

Mỗi người Việt khi ra nước ngoài hãy ý thức rằng mình là đại sứ cho quốc gia. Hãy tự tin khi giao lưu, hãy hết mình với cuộc sống và hoàn thiện mình mỗi ngày, không chỉ là trình độ ngôn ngữ và kiến thức, mà cả nhận thức, thái độ và hành vi. Toàn xã hội nên quan tâm việc tôn vinh giá trị Việt, tôn vinh người Việt có hành vi chuẩn mực và sẽ không thỏa hiệp với những hành vi lệch chuẩn hay những hành vi thiếu tính văn minh trong những hoàn cảnh khác nhau, để người Việt ngày càng bản lĩnh hơn, đẹp hơn.

- Xin cảm ơn ông.

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục